Đột phá công nghệ để đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế

Nền kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, tuy nhiên mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được đánh giá chưa tạo được chuyển biến căn bản. Tuy vậy, việc đổi mới mô hình tăng trưởng có nhiều cơ hội đến từ xu hướng CMCN 4.0, xanh và số, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp…

Trao đổi tại Diễn đàn Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam vừa diễn ra, các chuyên gia cho rằng, chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế đã được nêu ra ở Đại hội lần thứ XI và được bổ sung phát triển ở các kỳ Đại hội XII và XIII. Mới đây, ngày 10/7/2024 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 108/NQ-CP tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương (Nghị quyết 108). Trong đó nêu rõ, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm và trong thời gian tới.

Theo đó Chính Phủ yêu cầu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; Chú trọng thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh.

Trên thực tế, nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức 6,42% trong nửa đầu năm 2024. Các chuyên gia cho rằng tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể chạm mốc gần 7% sau khi Việt Nam có quý tăng trưởng vượt tiềm năng thứ 4 liên tiếp...

Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng tốt ở mức trung bình, dù trải qua nhiều biến động địa chính trị trên thế giới.

Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng tốt ở mức trung bình, dù trải qua nhiều biến động địa chính trị trên thế giới.

Theo PGS. TS Bùi Quang Tuấn - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, mô hình tăng trưởng kinh tế thể hiện một quốc gia phát triển nhanh hay chậm, dựa vào động lực nào và yếu tố nào là chính, cơ cấu có hiện đại hay không, chất lượng hay không chất lượng của tăng trưởng như thế nào. Việt Nam đang hướng tới mô hình tăng trưởng theo chất lượng, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, năng suất, hiệu quả và đảm bảo phát triển bền vững và có chiều sâu.

Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những quốc gia có mức tăng trưởng tốt ở mức trung bình, dù trải qua nhiều biến động địa chính trị trên thế giới, đơn cử như trong dịch COVID-19 vừa qua. Một vài chỉ số về ổn định kinh tế vĩ mô cũng thể hiện tốt như biến động tỷ giá, cán cân thương mại, bội chi ngân sách đều trong tầm kiểm soát của Nhà nước.

Tuy vậy, nền kinh tế Việt Nam dường như vẫn chưa thoát khỏi tăng trưởng theo chiều rộng với việc động lực tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào đóng góp từ vốn và người lao động giá rẻ vẫn chủ yếu, trong khi đóng góp của TFP (Năng suất các nhân tố tổng hợp) vẫn còn hạn chế.

Một “điểm trừ” khác của mô hình tăng trưởng tại Việt Nam được các chuyên gia chỉ ra đó là đầu tư cho khoa học công nghệ còn hạn chế, thể chế cho khoa học công nghệ và đổi mới còn bất cập, chưa đột phá, doanh nghiệp tư nhân đầu tư cho R&D vẫn thấp... Các mô hình tăng trưởng xanh, dựa vào kinh tế tuần hoàn chưa đóng góp nhiều cho tăng trưởng bền vững của quốc gia.

Theo ông Tuấn, hiện nay đóng góp của vốn và vốn con người có xu hướng gia tăng. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) và đóng góp của lao động vào tăng trưởng GDP có xu hướng giảm theo thời gian. Do đó, đầu tư vẫn là nhân tố chủ yếu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi vốn con người hơn là tích lũy yếu tố đầu vào lao động.

"Việc đổi mới mô hình tăng trưởng có nhiều cơ hội. Đó là xu hướng công nghệ mới (CMCN 4.0), xanh và số trở thành khách quan; phong trào đổi mới sáng tạo; phong trào khởi nghiệp; cơ cấu dân số trẻ, tiếp cận công nghệ tốt; sản xuất, phân phối, tiêu dùng thông minh hơn…"PGS.TS Bùi Quang Tuấn nói.

GS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, phải thay đổi, tìm một con đường mới. Đổi mới mô hình tăng trưởng phải gắn liền với tái cấu trúc mô hình kinh tế, phải chấp nhận cái gì giữ lại, cái gì bỏ đi.

Ông Cường đưa ra dẫn chứng về tái cấu trúc đầu tư công, trước đây đầu tư phân tán, chia sẻ manh mún, bây giờ phải đầu tư tập trung. Không chỉ những dự án lớn mà đầu tư vào hạ tầng khung. Ngoài duy trì đầu tư công theo cách truyền thống, phải chuyển đổi có phù hợp với các mô hình. Hay như đổi mới sáng tạo, không thể để các doanh nghiệp đơn độc, nhà nước phải tham gia vào (nguồn lực, đặt hàng). GS.TS Hoàng Văn Cường nhìn nhận, đổi mới sáng tạo ngoài sản xuất, kinh doanh, khi nghiệp, còn ở thể chế, quản lý, chúng ta mới mở đường được.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành đánh giá, câu chuyện mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã được đặt ra hơn 10 năm nay. Từ năm, 2012 Quốc hội đã thông qua chương trình tái cấu trúc ở 3 lĩnh vực. Sau đó là câu chuyện CMCN 4.0 vào năm 2015, rồi những câu chuyện về tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, “khát vọng” về việc đổi mới này không dễ để thực hiện. Theo ông Thành, chúng ta muốn thu hẹp khoảng cách, muốn “đi cùng thời đại”, phải vừa chạy, vừa làm, nếu không thời gian sẽ không còn.

Ông Thành cho rằng thể chế là động lực, là công cụ thay đổi hành vi. Việc xây dựng chính sách, xây dựng một khung pháp lý hoàn chỉnh trong thời gian ngắn là không thể. Việt Nam phải vừa học hỏi, vừa xây dựng chính sách chứ không thể chờ một thể chế, một khung pháp lý hoàn chỉnh. Chúng ta có những sáng kiến hay được bắt đầu từ doanh nghiệp trước khi chờ đợi khung chinh sách, và đã mang lại hiệu quả, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư.

“Chuyển đổi xanh, chuyển đổi sáng tạo là cơ hội vàng cho Việt Nam. Cơ hội lần này rất đặc biệt khi cả thế giới cũng mới bắt đầu đi. Cuộc CMCN lần này sẽ kéo dài, có thay đổi nhanh nên có sự lựa chọn, đánh cược, thay đổi chính sách phù hợp. Bên cạnh đó, CMCN rất phù hợp với tư duy, thói quen hành vi của người Việt” - ông Thành cho biết.

Anh Đức

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/dot-pha-cong-nghe-de-doi-moi-mo-hinh-tang-truong-kinh-te-1101549.html