Đột phá ngành dệt may - Bài 1: Khó khăn bủa vây
Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đang chịu cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ có sự đầu tư về công nghệ cũng như nắm bắt tốt xu hướng.
Dệt may là một trong những ngành công nghiệp truyền thống của Việt Nam, giải quyết công ăn việc là cho hàng triệu lao động và đóng góp hàng chục tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Tuy nhiên, ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đang chịu cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ có sự đầu tư về công nghệ cũng như nắm bắt tốt xu hướng.
Trong bối cảnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc ngành dệt may định hình lại chiến lược phát triển, tạo ra sự đột phá về chất để phát triển một cách bền vững hơn.
Bài 1: Khó khăn bủa vây
Dệt may là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất từ “cơn bão” lạm phát khi người tiêu dùng siết chặt chi tiêu từ nửa cuối năm 2022 đến nay. Kỳ vọng của các doanh nghiệp dệt may vào việc thị trường sẽ phục hồi từ quý II/2023 trở đi đã không diễn ra, bước qua quý III/2023 nhưng tình hình đơn hàng cho nửa cuối năm vẫn chưa mấy khả quan.
* Khan hiếm đơn hàng
Đơn hàng dệt may xuất khẩu đi các thị trường lớn như: Mỹ, EU đã có dấu hiệu giảm sút từ giữa năm 2022, ngay khi các thị trường này bắt đầu đợt lạm phát. Đến cuối năm 2022, khi lượng đơn hàng giảm sâu, các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng tình hình sớm được cải thiện trong quý II/2023 và sẽ phục hồi trong nửa cuối năm nay.
Tuy nhiên, diễn biến thực tế của thị trường đang chậm hơn các dự báo trước đó khi đã qua tháng đầu tiên của quý III/2023, số lượng đơn hàng dệt may không những không tăng mà thậm chí còn giảm sâu hơn.
Ông Phan Thanh Tuấn, Giám đốc Công ty May Thành Phát, thông tin, dù đã qua nửa năm nhưng tình hình chung của các doanh nghiệp dệt may vẫn “căng như dây đàn”. Cụ thể, số lượng đơn hàng xuất khẩu của Thành Phát hiện chỉ bằng 50% so với cùng kỳ năm trước, mức độ sụt giảm xảy ra ở hầu hết các thị trường.
Theo ông Phan Thanh Tuấn, không chỉ giảm một nửa số đơn đặt hàng mà số lượng sản phẩm mỗi đơn cũng rất ít vì tốc độ tiêu thụ chậm và sợ tồn kho. Về sản phẩm, chủ yếu là hàng cơ bản và có giá rẻ bởi người tiêu dùng đang ưu tiên cho các nhu cầu thiết yếu như lương thực, thực phẩm và hạn chế chi tiêu cho quần áo, thời trang.
“Để bám trụ lại trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp buộc phải nhận đủ các loại đơn hàng, miễn sao có thể tạo được việc làm cho công nhân và duy trì dây chuyền sản xuất chứ không có sự chọn lọc. Tầm này, doanh nghiệp cũng không thể tính toán lời lãi mà chỉ có lỗ ít hay lỗ nhiều và gồng được đến đâu hay đến đó”, ông Phan Thanh Tuấn cho hay.
Ông L.N, Giám đốc Công ty May mặc T.Đ (một doanh nghiệp có gần 10 xưởng sản xuất hàng may mặc xuất khẩu đi các thị trường Mỹ, Nhật Bản và EU) vừa cho biết đã đóng cửa nhà máy, tạm dừng hoạt động vì không có đơn hàng. Theo đó, đơn hàng dệt may của công ty đã sụt giảm từ cuối năm 2022, đến quý I/2023 doanh nghiệp vẫn cố gồng gánh, nhận các đơn hàng nhỏ và chia ca duy trì hoạt động. Tuy nhiên, những tháng gần đây, doanh nghiệp hầu như không có đơn hàng mới, trong khi đó lãi suất ngân hàng sau nhiều lần điều chỉnh vẫn ở mức cao nên doanh nghiệp cũng không thể vay mua nguyên liệu, sản xuất xuất dự trữ.
“Ngay cả thời điểm dịch COVID-19 bùng phát, doanh nghiệp cũng không rơi vào bế tắc như thời gian vừa qua. Tình huống bất khả kháng nên đành phải cho toàn bộ 300 công nhân nghỉ việc và đóng cửa nhà máy. Nếu nhu cầu tiêu dùng sớm phục hồi và vẫn còn những khách hàng quen thì may ra doanh nghiệp mới có thể khởi động sản xuất trở lại, nhưng tình hình hiện tại rất khó đoán.”, ông L. N chia sẻ.
Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan Tp. Hồ Chí Minh cho biết, tình hình chung của các doanh nghiệp dệt may hiện nay là lượng đơn hàng sụt giảm khoảng 30-40% so với cùng kỳ. Bước vào quý III/2023, diễn biến thị trường chưa có chuyển biến nào rõ nét do đó cũng rất khó để dự báo tình hình cuối năm. Thời điểm này, phần lớn khách hàng vẫn đang ở trạng thái theo dõi diễn biến thị trường, sức mua, tình hình tồn kho mới có động thái tiếp theo.
Theo ông Phạm Xuân Hồng, trước đây, khi sức mua ổn định, khách hàng thường đặt hàng trước 3 tháng nhưng hiện nay do tiêu thụ chậm, bán đến đâu đặt đến đó nên có khách chỉ đặt trước 1 tuần. Sản phẩm đặt hàng chủ yếu là các mặt hàng phổ thông, số lượng nhỏ; các mã hàng cũng được yêu cầu thay đổi chất liệu và thiết kế để có giá rẻ hơn.
Ghi nhận từ các hội viên thì số lượng doanh nghiệp rơi vào tình trạng đóng cửa không nhiều nhưng qua quan sát thì các doanh nghiệp ngoài hội dừng sản xuất khá nhiều. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp nhỏ, làm gia công hầu hết đều phải đi thuê nhà xưởng nên khi không có đơn hàng thì không chịu nổi gánh nặng chi phí thuê nhà xưởng, trả lương cho công nhân buộc phải đóng cửa. Thậm chí có những doanh nghiệp nước ngoài thuê nhà xưởng sản xuất ở khu vực thành phố Thủ Đức (Tp. Hồ Chí Minh) và tỉnh Bình Dương cũng đã đóng cửa, treo biển cho thuê…
* Chật vật ngay tại sân nhà
Từ thời điểm thị trường xuất khẩu có xu hướng giảm trong năm 2022, nhiều doanh nghiệp chuyên xuất khẩu đã đẩy mạnh các kênh tiêu thụ nội địa nhằm cải thiện doanh thu và bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp cho biết đang phải chịu áp lực cạnh tranh với hàng nhập ngay chính trên sân nhà.
Ông Phan Thanh Tuấn cho biết, khi lượng hàng xuất khẩu sụt giảm, doanh nghiệp tìm cách khai thác thị trường trong nước, duy trì sản xuất và việc làm cho người lao động. Những tháng đầu năm 2023, tiêu thụ trong nước khá ổn, bù đắp được phần nào cho sự sụt giảm sâu các đơn hàng xuất khẩu. Song khoảng 2 tháng trở lại đây, doanh thu thị trường nội địa giảm mạnh tới 80% so với trước.
Theo ông Phan Thanh Tuấn, nguyên nhân của sự sụt giảm này bắt nguồn từ việc hàng may mặc Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam theo đường tiểu ngạch hoặc qua các kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, cạnh tranh trực tiếp với hàng may mặc trong nước. Hàng dệt may Trung Quốc được bán qua kênh Tik Tok với giá rất rẻ, mẫu mã bắt mắt đang khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước chật vật cạnh tranh ngay trên nhà.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty Việt Thắng Jean cho biết, Việt Thắng Jean đã sản xuất hàng denim xuất khẩu và phục vụ thị trường nội địa dưới thương hiệu riêng V - Sixty Four từ nhiều năm nay nên ít bị canh tranh về sản phẩm. Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát, người dân thắt chặt chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu như thời trang thì các doanh nghiệp bán hàng phân khúc tầm trung trở lên cũng rất khó đẩy mạnh doanh thu.
Theo đó, năm 2022, Việt Thắng Jean đẩy mạnh các kênh tiêu thụ trong nước và đạt được doanh số tốt, tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên từ cuối năm 2022 trở đi doanh thu nội địa chỉ tăng trưởng ở kênh online còn kênh offline lại giảm và sang nửa đầu năm 2023 thì doanh thu nội địa có chiều hướng chững lại, chỉ dịch chuyển từ offline sang online chứ không có tăng trưởng được.
Trong khi sản phẩm may mặc phổ thông chịu cạnh tranh từ hàng trôi nổi thì các doanh nghiệp may mặc có thương hiệu cũng đối mặt nguy cơ khác là cạnh tranh từ các thương hiệu may mặc nước ngoài. Có thể thấy, mặc dù nhu cầu tiêu dùng tại Việt Nam đang ở mức thấp nhưng một số thương hiệu thời trang đại chúng, có mức giá vừa phải của nước ngoài cũng đang âm thầm thực hiện chiến lược phủ sóng thị trường, chờ cơ hội phát triển khi sức mua phục hồi.
“Các thương hiệu này đầu tư sản xuất số lượng lớn, phát triển sản phẩm rất đa dạng, hướng tới mọi đối tượng khách hàng từ trẻ em cho đến người già với mức giá không quá cao. Điều này tạo nên áp lực cạnh tranh cho hàng Việt Nam cả về nguyên liệu sản xuất lẫn thị trường tiêu thụ. Đây là vấn đề mà các doanh nghiệp dệt may trong nước cần lưu ý để có chiến lược ứng phó kịp thời.”, ông Phạm Văn Việt chia sẻ./.
Bài cuối: Nâng cấp giá trị sản phẩm
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/dot-pha-nganh-det-may-bai-1-kho-khan-bua-vay/300209.html