Đột phá nguồn nhân lực - chìa khóa để Việt Nam bước vào chu kỳ tăng trưởng mới
Sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam đã chứng kiến sự chuyển mình ngoạn mục từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Những cải cách thể chế mạnh mẽ, việc giải phóng các nguồn lực và khuyến khích đa dạng hóa các thành phần kinh tế đã đưa đất nước vươn lên trở thành một điểm sáng tại khu vực châu Á. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa nhanh và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang làm thay đổi nền tảng phát triển truyền thống, Việt Nam cần một bước nhảy vọt mới để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP hai con số và chìa khóa của bước nhảy ấy chính là nguồn nhân lực.

Chính phủ cần xác định rõ danh mục ngành nghề trọng điểm gắn với tầm nhìn dài hạn, từ đó có chính sách học bổng - việc làm và đãi ngộ đặc thù
Nguồn nhân lực - yếu tố nền tảng cho tăng trưởng bền vững
Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thủy - Phó Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng: “Nguồn nhân lực là yếu tố tạo ra mọi giá trị trong nền kinh tế tri thức. Không thể hướng tới tăng trưởng hai con số nếu không có chiến lược toàn diện về phát triển con người, đào tạo, thu hút và sử dụng nhân tài hiệu quả”.
Tuyên bố trên không phải là một khẩu hiệu suông, mà là lời cảnh báo nghiêm túc cho những bước đi tiếp theo trong chiến lược phát triển quốc gia. Trong khi vốn, tài nguyên thiên nhiên hay vị trí địa lý từng là lợi thế của Việt Nam trong quá khứ, thì hiện nay, nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao mới thực sự là “nguồn lực không giới hạn” để đất nước vươn xa.
Thế giới đang chứng kiến những biến động sâu sắc: xung đột địa chính trị, chủ nghĩa bảo hộ, dịch chuyển chuỗi cung ứng và những yêu cầu ngày càng khắt khe về phát triển bền vững. Ở trong nước, tiến trình chuyển đổi số, ứng phó với biến đổi khí hậu, và chiến lược đẩy mạnh khoa học công nghệ đang đặt ra những đòi hỏi mới về năng lực của lực lượng lao động.
Trong bối cảnh đó, nguồn nhân lực không chỉ cần có kiến thức chuyên môn mà còn phải linh hoạt, sáng tạo, thành thạo công nghệ và có khả năng thích ứng nhanh. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2024, tỷ lệ lao động có trình độ trung cấp trở lên mới chỉ đạt 26%. Đặc biệt, các ngành như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, logistics vốn là động lực của kinh tế hiện đại, vẫn đang thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng.
Không chỉ thiếu hụt về số lượng, chất lượng nhân lực cũng đang đối mặt với thách thức. Hiện tượng “chảy máu chất xám” diễn ra ngày càng phổ biến. Nhiều sinh viên giỏi và nhà khoa học chọn làm việc cho khu vực tư nhân hoặc ra nước ngoài vì chế độ đãi ngộ trong khu vực công chưa thực sự hấp dẫn. Trong khi đó, khu vực công lại gặp tình trạng “bình quân chủ nghĩa”, khiến người có năng lực thực sự khó phát huy.
Giải pháp đột phá: Xây dựng hệ sinh thái nhân lực quốc gia
Để khơi dậy tiềm năng con người và hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp đột phá về nguồn nhân lực và nhân tài, từ tư duy, thể chế đến hành động cụ thể.
Thứ nhất, cải cách giáo dục và chấn hưng đào tạo. Giáo dục cần được định vị lại để hướng tới phát triển con người toàn diện, không chỉ đào tạo ra những người “học để làm”, mà trước hết là “học để làm người”. Theo PGS.TS. Lê Đình Hải - Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, trọng tâm của giáo dục hiện đại phải là phát triển tư duy phản biện, kỹ năng mềm và tinh thần học tập suốt đời.
Thứ hai, gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nhu cầu thị trường. Các chương trình đào tạo cần được thiết kế theo mô hình “đặt hàng” từ doanh nghiệp, đảm bảo sinh viên ra trường có thể làm việc ngay. Việc sáp nhập, tinh gọn các cơ sở đào tạo, và khuyến khích học trực tuyến kết hợp trực tiếp là hướng đi cần thiết trong kỷ nguyên số.
Thứ ba, tập trung phát triển nhân lực trong các ngành chiến lược. Chính phủ cần xác định rõ danh mục ngành nghề trọng điểm gắn với tầm nhìn dài hạn, từ đó có chính sách học bổng, việc làm và đãi ngộ đặc thù. Các trung tâm đổi mới sáng tạo và viện nghiên cứu cấp quốc gia, vùng nên được kết nối với các cơ sở giáo dục và mạng lưới quốc tế để hình thành hệ sinh thái nhân tài.
Thứ tư, cải cách chế độ công vụ và đãi ngộ nhân tài. Chuyển từ công vụ chức nghiệp sang công vụ việc làm sẽ cho phép tuyển dụng dựa trên năng lực thực tiễn, chứ không dựa vào tuổi tác hay bằng cấp. Việc xây dựng luật công vụ mới, tinh giản bộ máy và cải cách tiền lương theo vị trí việc làm là những bước cần thiết để khơi dậy động lực từ bên trong đội ngũ cán bộ.
Thứ năm, ứng dụng công nghệ số trong quản trị nhân lực. Việc sử dụng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo vào dự báo và điều phối cung cầu lao động sẽ giúp chính phủ xây dựng chính sách chính xác hơn, đồng thời tạo điều kiện để người lao động ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận cơ hội học tập và phát triển nghề nghiệp.

Kiểm tra tấm wafer - nguyên liệu để sản xuất sản phẩm cho chất bán dẫn tại Công ty TNHH Hana Micron Vina Khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang. Ảnh Tuấn Anh
Việt Nam không thể bước vào chu kỳ tăng trưởng mới nếu không có một “cuộc cách mạng” về phát triển nhân lực. Như PGS.TS. Nguyễn Văn Thủy khẳng định: “Chỉ khi tạo dựng được ‘hệ sinh thái nhân lực quốc gia’, gắn kết chặt chẽ giữa nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp, chúng ta mới có thể phát triển đội ngũ lao động đủ sức cạnh tranh, đổi mới sáng tạo và hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng hai con số một cách bền vững”.
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, nguồn nhân lực không còn đơn thuần là “lực lượng lao động”, mà là “tài sản chiến lược”. Đầu tư cho con người từ giáo dục, đào tạo đến môi trường làm việc là đầu tư cho tương lai quốc gia.
Nếu Việt Nam thực sự coi trọng và đầu tư đúng mức cho nguồn nhân lực, thì đó sẽ là nền móng vững chắc để đất nước bước vào giai đoạn phát triển thần tốc, tự chủ hơn, sáng tạo hơn và thịnh vượng hơn trong thế kỷ 21. Đây không chỉ là yêu cầu kinh tế, mà còn là sứ mệnh lịch sử.