Đột phá phát triển nhà ở xã hội
Phải có quyết tâm chính trị cao, có các nguồn lực, có phương pháp quản lý khoa học, biện pháp cụ thể... mới thành công trong việc đột phá phát triển nhà ở xã hội
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong giai đoạn 2021 - 2030, nước ta cần khoảng 2,6 triệu căn hộ. Riêng giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 1,3 triệu căn.
Lợi nhuận thu được không tính bằng tiền
Trong khi đó, theo chương trình phát triển nhà TP HCM giai đoạn 2021 - 2030, về nhà ở xã hội, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến phát triển khoảng 2,5 triệu m2 sàn, tương ứng khoảng 35.000 căn nhà; giai đoạn 2026-2030 dự kiến phát triển khoảng 4,08 triệu m2 sàn, tương ứng khoảng 58.000 căn nhà.
Quyết tâm phát triển nhà ở xã hội từ trung ương đến địa phương cho thấy tính cấp bách của nhu cầu nhà ở cho công nhân và người thu nhập thấp. Tuy nhiên, ngoài quyết tâm chính trị cao còn cần phải có cơ sở khoa học và thực tiễn, tức là phải tương ứng với năng lực và nguồn lực thực hiện - từ vốn đầu tư, nhà đầu tư đến mặt bằng xây dựng…
Ngay cả khi thực hiện đúng thời gian và số lượng căn hộ xây dựng, vẫn còn nhiều vấn đề khác phải giải quyết tốt mới có thể phát huy được giá trị kinh tế - xã hội của chương trình phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, những khu nhà ở xã hội đó có thật sự đem lại lợi ích cao hơn cho công nhân và người thu nhập thấp hiện phải thuê nhà trọ? Trong đó, vấn đề rất quan trọng là tổ chức và kết nối giao thông có tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân đến làm việc tại các khu công nghiệp, đáp ứng nhu cầu mưu sinh đa dạng của người thu nhập thấp hay không?...
Trước hết, về nhận thức lý luận, phát triển nhà ở xã hội là chương trình kinh tế - xã hội nhưng cần xác định lợi ích về chính trị, xã hội, phát triển bền vững là mục đích cao hơn lợi nhuận về kinh tế tính bằng tiền. Nhận thức được điều này rất quan trọng vì liên quan trực tiếp đến quan điểm đầu tư. Bởi lẽ, cả nước nói chung và TP HCM nói riêng có rất nhiều chương trình, đề án phát triển phải đầu tư, vì vậy buộc phải cân nhắc, lựa chọn đâu là ưu tiên hàng đầu để phân bổ nguồn lực hợp lý.
Nhìn từ góc độ tăng trưởng kinh tế, chương trình nhà ở xã hội với giá rẻ sẽ không đóng góp cao về tỉ trọng tăng GDP như các ngành kinh tế sản xuất. Song, nhìn từ các trụ cột phát triển bền vững thì nhà ở xã hội nằm trong trụ cột thứ hai là ổn định chính trị, phát triển văn hóa - xã hội. Phát triển nhà ở xã hội thực chất là đầu tư cho xây dựng con người, tạo ra động lực làm việc, tăng năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Do đó, đầu tư vào lĩnh vực này sẽ thu được lợi ích toàn diện hơn hẳn so với lợi nhuận trước mắt tính bằng tiền.
Lộ trình đột phá và khâu then chốt
Các bài tham dự cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 4 đợt 1 với chủ đề "Chỗ ở và nhà ở cho người thu nhập thấp" đăng trên Báo Người Lao Động đã nêu ra những nút thắt chính cần tháo gỡ cho chương trình phát triển nhà ở xã hội. Trong đó có sức mua của công nhân, thu hút nhà đầu tư, mặt bằng xây dựng và tổ chức, kết nối giao thông.
Đó cũng chính là những mục tiêu đột phá cụ thể và đều phải tìm các biện pháp khắc phục ngay từ khi lập kế hoạch, thiết kế. Tuy nhiên, những mục tiêu đó không tồn tại hoàn toàn độc lập mà có mối liên hệ trực tiếp và gián tiếp với nhau. Vì vậy, cần xác định khâu nào mang tính then chốt, tức là khâu nào có tác động bao trùm và thúc đẩy mạnh hơn các mục tiêu khác. Việc xác định khâu then chốt có ý nghĩa rất quan trọng vì phải ưu tiên đầu tư và huy động nguồn lực nhiều hơn để thực hiện, thậm chí phải điều chỉnh tạm thời nguồn lực từ các mục tiêu khác. Lưu ý, khâu then chốt có thể không phải là khâu phải tiến hành trước nhất, mà là phải tập trung nguồn lực nhiều nhất có thể.
Nhìn lại những nút thắt mà các bài hiến kế đã nêu, có lẽ khâu then chốt là phải thu hút được các nhà đầu tư và nguồn đầu tư công. Về việc huy động vốn đầu tư, nếu xác định dựa vào vốn xã hội hóa là chính thì tính chủ động về nguồn lực không cao vì phải tùy thuộc rất nhiều vào tâm lý dễ thay đổi theo thị trường của nhà đầu tư. Dựa vào đầu tư công thì tính chủ động cao hơn. Vì vậy, nên coi đây là lĩnh vực đầu tư mang lại lợi ích cao hơn so với đầu tư vào chương trình kinh tế có số vốn tương đương.
Tóm lại, xác định các khâu then chốt thực chất là lựa chọn khu vực nào xây dựng quan trọng nhất, xác định nguồn huy động vốn nào là chủ yếu để hoàn thành chỉ tiêu xây dựng số lượng căn hộ.
Bài học kinh nghiệm được rút ra từ chính thực tiễn ở TP HCM. Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, TP HCM từng đặt ra 7 chương trình đột phá gồm: tăng cường chất lượng tăng trưởng, tính cạnh tranh, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, giảm ngập úng và nước biển dâng, giảm ô nhiễm môi trường, cải cách hành chính, chỉnh trang đô thị… Đến năm 2020, khi nhìn lại, phần lớn kết quả của các mục tiêu đều không phát triển đúng nghĩa "đột phá", tức là không thay đổi mang tính bước ngoặt về chất lượng và số lượng. Kinh nghiệm được rút ra là do dàn trải nguồn lực cho rất nhiều mục tiêu (7 chương trình), mà không xác định rõ đâu là khâu then chốt nên chỉ mang tính bình quân.
Đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội, từ nay đến năm 2025 và năm 2030 đã định rõ mức thời gian và chỉ tiêu thực hiện. Vì vậy, cần xác định những khâu then chốt và lộ trình hợp lý để tập trung nguồn lực thực hiện.
Thay đổi tư duy về nhà ở xã hội
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho hay hiện thành phố có khoảng 60.000 nhà trọ với khoảng 500.000 phòng, đáp ứng cho hơn 1,4 triệu công nhân thuê. Theo khảo sát, phần lớn những người này không có nhu cầu sở hữu nhà ở bởi di chuyển và biến động công việc liên tục. Trong khi đó, chính sách hiện nay đang đi theo hướng xây dựng nhà ở xã hội, nhà lưu trú, sau đó chuyển sở hữu cho công nhân, người lao động. Vì vậy, phải phân định nhu cầu về chỗ ở không đồng nghĩa với nhu cầu về sở hữu nhà ở.
Về nguồn vốn, theo ông Huỳnh Thanh Khiết, các tổ chức chính trị - xã hội như LĐLĐ TP HCM có nguồn lực, kinh phí nhưng hiện không có quy định giao đất công cho họ làm nhà lưu trú công nhân. Hơn nữa, nếu có xây cũng không giao cho các tổ chức này quản lý vận hành được. Do đó, Sở Xây dựng sẽ có chuyên đề riêng về vấn đề này để tìm hướng ra và báo cáo UBND TP HCM.
Ngày 28-3, Báo Người Lao Động tổ chức hội thảo
Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp hiện nay là rất lớn và cấp bách. Mới đây, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề án "Xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Cụ thể, phấn đấu giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn nhà ở xã hội; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành hơn 634.000 căn.
Để góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, từ ngày 5-10-2022, Báo Người Lao Động đã tổ chức cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 4 đợt 1 với chủ đề "Chỗ ở và nhà ở cho người thu nhập thấp". Cuộc thi đã nhận được hơn 50 tác phẩm gửi đến với nhiều giải pháp, hiến kế gỡ vướng cho việc xây dựng và phát triển nhà ở xã hội.
Ngày 28-3, Báo Người Lao Động sẽ tổ chức hội thảo "Đột phá phát triển nhà ở xã hội" với sự tham gia của lãnh đạo một số bộ, ngành, cơ quan chuyên môn; lãnh đạo TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai; cùng nhiều chuyên gia đô thị, pháp luật, kinh tế; doanh nghiệp bất động sản. Hội thảo này sẽ là sự tổng hợp toàn diện những hiến kế sát sườn, mang tính đột phá trong phát triển nhà ở xã hội; đồng thời khép lại chủ đề "Chỗ ở và nhà ở cho người thu nhập thấp", mở ra chủ đề mới cho cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần 4 đợt 2.
Q.Anh
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/dot-pha-phat-trien-nha-o-xa-hoi-2023032621322144.htm