Đột phá theo Nghị quyết 57: Biến lợi thế thành cơ hội để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 7/2, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo khoa học về các giải pháp thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi phát biểu tại hội thảo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi phát biểu tại hội thảo.

Hội thảo lần này thể hiện sự quyết tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành chuyên môn tỉnh Sóc Trăng nhằm tìm ra giải pháp thiết thực, hiệu quả phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia tại địa phương theo Nghị quyết số 57-NQ/TW.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Khởi cho biết, Sóc Trăng là tỉnh có nhiều tiềm năng về nông nghiệp, công nghiệp và thương mại dịch vụ. Thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ là cơ hội để tỉnh thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đối với tất cả ngành, lĩnh vực. Tỉnh đặt ra nhiều mục tiêu trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ và chuyển đổi số nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, chất lượng cuộc sống người dân.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tỉnh đầu tư phát triển mạng lưới khoa học và công nghệ, trong đó tập trung xây dựng Trung tâm nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ… nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư tại tỉnh.

Tại hội thảo, nhiều nhà khoa học đóng góp ý kiến giúp tỉnh Sóc Trăng đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học và công nghệ.

Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) cho biết, Sóc Trăng có nhiều tiềm năng đặc thù riêng biệt, nơi dòng sông Hậu đổ ra Biển Đông, vùng có nhiều trữ lượng tôm cá, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển tổng hợp. Đặc biệt, Sóc Trăng còn có dải cù lao thuộc các huyện Kế Sách, Long Phú và Cù Lao Dung chạy dài ra cửa biển với nhiều cây trái nhiệt đới, không khí trong lành, là địa điểm lý tưởng phát triển loại hình du lịch sinh thái.

Cũng theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Vũ Tuấn Hưng, tỉnh cần có giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội địa phương. Đồng thời có các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối và liên kết vùng, hệ thống logicstics trong bối cảnh mới, quan tâm đến khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, đô thị và làng thông minh sinh thái.

Ông Trần Giang Khuê, Văn phòng miền Nam (Cục Sở hữu trí tuệ) cho rằng, Sóc Trăng cần khai thác các sáng chế và có giải pháp tạo sự đột phá trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, tỉnh cần có chính sách, chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tại địa phương; hỗ trợ đổi mới công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tỉnh cần thúc đẩy và hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước, xây dựng và vận hành phần mềm, chương trình ứng dụng trên thiết bị điện tử để cung cấp thông tin, hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ.

Ông Nguyễn Thành Duy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại hội thảo.

Ông Nguyễn Thành Duy, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng phát biểu tại hội thảo.

Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Thành Duy cho biết, thời gian qua, hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, 100% công chức trong hệ thống chính quyền đã được cấp hộp thư công vụ; 90,6% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng đối với cấp tỉnh, 88,5% đối với cấp huyện; 100% huyện, thị xã, thành phố triển khai thanh toán không dùng tiền mặt, Trung tâm giám sát, điều hành tỉnh (IOC) đã hoàn thiện.

Ông Nguyễn Thành Duy thông tin thêm, mục tiêu đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ đổi mới sáng tạo đạt 12 người trên một vạn dân, hạ tầng công nghệ số tiên tiến hiện đại, ứng dụng có hiệu quả một số công nghệ như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, phủ sóng 5G toàn tỉnh...; từng bước xây dựng đô thị theo hướng thông minh, thu hút doanh nghiệp công nghệ vào đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Sóc Trăng. Cùng với đó, đưa chỉ số đổi mới sáng tạo cấp tỉnh (PII) đạt mức trung bình khá so với cả nước, thu hút tối thiểu từ 1-2 doanh nghiệp công nghệ số đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Sóc Trăng.

Tin, ảnh: Tuấn Phi (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/khoa-hoc-cong-nghe/dot-pha-theo-nghi-quyet-57-bien-loi-the-thanh-co-hoi-de-thuc-day-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-20250207123418486.htm