Đột phá trong Dự thảo Luật Nhà giáo: Bảo vệ, chuẩn hóa và thu hút nhân tài

Dự thảo Luật Nhà giáo vừa được đưa ra đã thu hút sự chú ý với nhiều điểm mới mang tính đột phá. Các quy định cụ thể về nhà giáo ngoài công lập được xác lập, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh và chuẩn nghề nghiệp. Bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi về tuyển dụng, lương thưởng, và bảo vệ quyền lợi nhà giáo được chú trọng, tạo điều kiện thu hút những nhân tài, đặc biệt ở các khu vực khó khăn.

Ở Dự thảo Luật Nhà giáo mới lần thứ 5, Bộ GD - ĐT đã đưa ra nhiều điểm đột phá nhằm cải thiện chế độ chính sách đối với nhà giáo, cả trong các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Đây là một bước tiến lớn trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho nghề giáo dục tại Việt Nam. Dưới đây là một số điểm mới cơ bản đáng chú ý:

Chuẩn hóa nhà giáo thông qua hệ thống chức danh và chuẩn nghề nghiệp

Lần đầu tiên, dự thảo Luật Nhà giáo xác định rõ vị trí pháp lý cho nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập. Trước đây, Luật Viên chức chỉ áp dụng đối với người làm việc trong cơ sở giáo dục công lập, khiến nhà giáo ngoài công lập chịu sự quản lý chủ yếu qua các hợp đồng lao động. Việc đưa nhà giáo ngoài công lập vào Luật Nhà giáo giúp tạo sự công bằng, bảo vệ quyền lợi và xác định rõ vai trò của họ, chính thức công nhận họ không chỉ là người lao động, mà còn là nhà giáo với đầy đủ tư cách và trách nhiệm nghề nghiệp.

Giáo viên tại huyện miền núi Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Giáo viên tại huyện miền núi Mù Căng Chải, tỉnh Yên Bái. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Một điểm nổi bật khác của dự thảo là việc chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo thông qua hệ thống chức danh và chuẩn nghề nghiệp. Hiện tại, đội ngũ nhà giáo gồm nhiều nhóm đối tượng khác nhau như công chức, viên chức, người lao động, sĩ quan quân đội, công an và những người giảng dạy trong các cơ quan Đảng, đoàn thể. Điều này dẫn đến sự thiếu đồng bộ trong quy định về nhà giáo. Dự thảo mới nhằm tạo sự thống nhất bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn cụ thể về chức danh và chuẩn nghề nghiệp, phù hợp với từng cấp học và trình độ đào tạo, đảm bảo năng lực chuyên môn được chuẩn hóa theo hệ thống.

Dự thảo Luật Nhà giáo yêu cầu việc tuyển dụng nhà giáo phải có thực hành sư phạm, nhằm đảm bảo ứng viên có đủ năng lực, kiến thức nghề nghiệp phù hợp với cấp học và trình độ đào tạo. Đồng thời, các chính sách điều động, biệt phái, thuyên chuyển hoặc dạy liên trường, liên cấp được quy định rõ ràng, tạo điều kiện cho việc phân bổ nguồn nhân lực giáo viên hợp lý hơn, đáp ứng nhu cầu hoạt động của ngành giáo dục.

Nhà giáo sẽ được bảo vệ tốt hơn thông qua các quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm trong nghề nghiệp. Luật cũng đưa ra chính sách thu hút và trọng dụng người có trình độ cao, tài năng và kỹ năng nghề đặc biệt. Điều này khuyến khích sự phát triển của đội ngũ giáo viên, đặc biệt ở các khu vực khó khăn như vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đây là một bước tiến nhằm đảm bảo rằng các khu vực khó khăn cũng có cơ hội tiếp cận với giáo dục chất lượng.

Chính sách tiền lương và đãi ngộ

TS Lê Thanh Huyền - Giảng viên trường ĐH Giáo dục (ĐHQG Hà Nội) đánh giá cao Dự thảo Luật Nhà giáo, cho rằng đây là một bước tiến quan trọng nhằm chuyên nghiệp hóa nghề giáo, thúc đẩy sự phát triển ngành giáo dục.

“Dự thảo Luật Nhà giáo có nhiều điểm đột phá, thể hiện tính chuyên nghiệp hóa của một lĩnh vực nghề nghiệp đặc thù. Đặc biệt là việc mở rộng quyền lợi cho nhà giáo ngoài công lập và chuẩn hóa chức danh, chuẩn nghề nghiệp. Các chính sách ưu đãi về lương, thưởng và bảo vệ quyền lợi giáo viên cũng sẽ tạo động lực thu hút, giữ chân giáo viên có năng lực và yêu nghề, đặc biệt cho các khu vực khó khăn. Tuy nhiên, khi Luật Nhà giáo được thực thi, cần cụ thể hóa bằng văn bản hướng dẫn, có sự giám sát chặt chẽ, đảm bảo tính hệ thống và sự phát triển bền vững”, TS Lê Thanh Huyền nói.

Về tiền lương, nhà giáo được xếp hạng lương cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Những người làm việc ở vùng khó khăn, hoặc giảng dạy mầm non sẽ nhận được phụ cấp ưu tiên cao hơn. Một điểm đặc biệt là nhà giáo được tuyển dụng lần đầu sẽ được xếp tăng một bậc lương, giúp họ có thêm động lực để cống hiến cho ngành giáo dục.

Luật cũng đưa ra quy định riêng về tuổi nghỉ hưu, phù hợp với đặc điểm nghề nghiệp của nhà giáo. Giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm hơn 5 năm mà không bị giảm lương hưu. Trong khi đó, các nhà giáo có chức danh khoa học, học vị cao hoặc làm việc trong các ngành, lĩnh vực chuyên sâu có thể được hưởng chế độ nghỉ hưu muộn hơn.

Luật giao quyền chủ động cho Bộ GD – ĐT và Bộ LĐ – TB - XH trong việc quản lý, xây dựng chiến lược phát triển đội ngũ nhà giáo. Các cơ quan này chịu trách nhiệm xác định tiêu chuẩn tuyển dụng, điều phối biên chế, và thực hiện các công tác điều động, bổ nhiệm nhà giáo một cách hợp lý. Điều này tạo điều kiện để các cơ quan quản lý giáo dục có thể linh hoạt hơn trong việc phát triển nguồn lực nhà giáo, đồng thời đáp ứng được nhu cầu thực tế của ngành giáo dục.

Nhìn chung, dự thảo Luật Nhà giáo đã khắc phục nhiều hạn chế trong hệ thống hiện tại, đồng thời đưa ra nhiều cải tiến nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và đảm bảo quyền lợi của họ. Với những quy định này, ngành giáo dục Việt Nam sẽ có thêm cơ hội phát triển, thu hút được những nhân tài thực sự gắn bó với nghề giáo, đặc biệt trong bối cảnh giáo dục đang trở thành ưu tiên hàng đầu trong sự phát triển của đất nước.

Dương Triều

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/dot-pha-trong-du-thao-luat-nha-giao-bao-ve-chuan-hoa-va-thu-hut-nhan-tai-post1685394.tpo