Đột quỵ ở người trẻ, đừng bỏ qua những dấu hiệu này
Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và đang gia tăng ở người trẻ. Chuyên gia nhấn mạnh dinh dưỡng và lối sống là 'chìa khóa' phòng ngừa.
Tại hội thảo Dinh dưỡng tiết chế 2025 ngày 27-4, GS-TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, cho biết đột quỵ hiện đứng thứ hai về tử vong và thứ ba về khuyết tật toàn cầu. Cứ 4 người trên 25 tuổi thì có một người sẽ bị đột quỵ trong đời.

GS-TS Nguyễn Văn Thông cảnh báo đột quỵ có xu hướng trẻ hóa
Hơn 60% ca bệnh đột quỵ xảy ra ở nhóm dưới 70 tuổi và 16% ở nhóm dưới 50 tuổi. Khoảng 50% bệnh nhân đột quỵ tử vong. Những người sống sót thường chịu di chứng nặng nề, ảnh hưởng đến vận động, ăn uống, giao tiếp và tư duy.
GS Thông cho biết đột quỵ liên quan chặt chẽ đến lối sống và chế độ dinh dưỡng. Các nguy cơ chính làm tăng đột quỵ, gồm: ít ăn hoa quả, tiêu thụ nhiều ngũ cốc tinh chế, ăn nhiều thịt đỏ, uống nhiều đồ ngọt, thiếu chất xơ, thiếu omega-6, ăn mặn, thừa natri.
Các yếu tố đe dọa đột quỵ ở người trẻ gồm tăng huyết áp, tăng cholesterol, béo phì, đái tháo đường, hút thuốc, lạm dụng rượu, bệnh tim mạch... Đáng chú ý bệnh xơ vữa động mạch chiếm khoảng 1/3 số ca đột quỵ ở người 15–45 tuổi.

Dinh dưỡng không hợp lý làm tăng nguy cơ bị đột quỵ
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng cảnh báo tình trạng đau nửa đầu, dùng thuốc tránh thai đường uống chứa estrogen liều cao, mang thai, bị dị tật tim bẩm sinh, sử dụng ma túy... làm tăng nguy cơ đột quỵ ở nhóm dưới 50 tuổi.
GS Thông khuyến cáo người có tiền sử đau nửa đầu hoặc gia đình có người đột quỵ, đặc biệt từ tuổi 40 trở lên, cần tầm soát sớm qua chụp mạch não và kiểm soát chặt huyết áp, mỡ máu, đường huyết để phòng ngừa.
Cũng tại hội thảo "Dinh dưỡng cho người bệnh ung thư", GS-TS Lê Danh Tuyên, Chủ tịch Hội tiết chế Việt Nam, nhấn mạnh ung thư luôn là thách thức và là gánh nặng của hệ thống y tế. Tử vong do ung thư chỉ sau tim mạch.

Chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo giảm thịt đỏ, đường, muối trong khẩu phần ăn
Năm 2022, Việt Nam có hơn 180.000 ca mắc mới và khoảng hơn 120.000 ca tử vong do ung thư. Cứ 3 người thì có hơn 1 người mắc ung thư; 90–95% ca ung thư do môi trường và lối sống như hút thuốc, ăn uống, rượu, béo phì, nhiễm trùng, ô nhiễm và bức xạ...
GS Tuyên cảnh báo ăn nhiều thịt đỏ và thực phẩm nhiều đường tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt ung thư tiêu hóa, đại trực tràng, vú, tuyến tiền liệt, bàng quang, dạ dày, tuyến tụy và miệng.
Để phòng ngừa đột quỵ và ung thư, hãy uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, ăn nhiều rau, salad (50%), ngũ cốc nguyên hạt/tinh bột (25%), còn lại là protein (gia cầm, cá, đậu, đậu nành...), giảm thịt đỏ, đường, muối, tăng trái cây, chất xơ và dầu thực vật.