DPPA: Rủi ro chính và biện pháp phòng ngừa
Việc nhà phát điện được quyền cung cấp điện thẳng cho doanh nghiệp tiêu thụ không chỉ được kỳ vọng giảm phụ thuộc vào kênh phân phối truyền thống, mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận nguồn năng lượng tái tạo với chi phí hợp lý.
Tuy nhiên, cũng như bất kỳ mô hình đột phá nào, DPPA - “Cơ chế mua bán điện trực tiếp” - đối diện với nhiều thách thức như rủi ro thay đổi chính sách và quy định, biến động giá, thanh khoản, vận hành kỹ thuật, hạn chế của hạ tầng truyền tải, các yêu cầu về chứng nhận điện sạch, rủi ro tỷ giá cùng những vấn đề phát sinh trong khâu soạn thảo hợp đồng.

Rủi ro thay đổi chính sách và quy định
Môi trường chính sách chưa ổn định do thị trường điện Việt Nam vẫn trong quá trình chuyển tiếp sang cơ chế cạnh tranh. Những điều chỉnh, bổ sung liên quan đến quy trình đấu thầu, khung giá trần, giấy phép có thể làm thay đổi toàn bộ kế hoạch và hiệu quả đầu tư. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh ưu đãi thuế, phí hoặc yêu cầu thủ tục hành chính sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí dự án, trong khi các tiêu chuẩn mới về an toàn lưới điện và bảo vệ môi trường cũng đặt ra gánh nặng nâng cấp công nghệ cho bên phát điện.
Trước rủi ro này, các bên nên bổ sung điều khoản linh hoạt “thay đổi luật” (change in law) để có thể đàm phán lại các nội dung quan trọng như giá điện, thời hạn hợp đồng hoặc phân bổ chi phí. Việc theo dõi sát sao các dự thảo từ Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Cục Điều tiết điện lực (ERAV) và thường xuyên tham vấn luật sư, chuyên gia năng lượng sẽ giúp chủ động điều chỉnh kế hoạch. Mô hình tài chính của dự án cũng cần có các kịch bản ứng phó với việc thay đổi giá trần, phí truyền tải hoặc quy trình cấp phép.
Rủi ro biến động giá điện
Trong môi trường cạnh tranh, giá điện chịu tác động mạnh của quy luật cung cầu. Khi nhu cầu quá cao, các nguồn nhiệt điện chi phí lớn được huy động và đẩy giá lên. Khi năng lượng tái tạo dồi dào, giá có thể giảm sâu. Thêm vào đó, chi phí nhiên liệu hóa thạch và các yếu tố địa chính trị cũng ảnh hưởng đáng kể đến giá trên thị trường bán buôn, dù DPPA chủ yếu tập trung vào nguồn điện tái tạo.

Về biện pháp phòng ngừa, các bên có thể cân nhắc ký hợp đồng dài hạn với mức giá cố định hoặc trần giá để giảm thiểu tác động từ dao động giá. Cơ chế điều chỉnh giá linh hoạt theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hoặc giá dầu, khí tự nhiên được khuyến khích nhằm bảo toàn lợi ích giữa nhà phát điện và bên mua. Công cụ tài chính phái sinh như hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi (swap) cho phép cố định biên độ dao động và phòng ngừa rủi ro giá quá cao hoặc quá thấp.
Rủi ro thanh khoản và thanh toán
Một bên gặp khó khăn tài chính có thể dẫn đến tình trạng chậm thanh toán hoặc vỡ nợ, đặc biệt khi giá điện trên thị trường biến động lớn. Điều này gây rối loạn dòng tiền dự án và làm giảm niềm tin giữa các bên tham gia.
Vì vậy, trước khi ký hợp đồng, cần đánh giá đầy đủ năng lực tài chính và lịch sử tín dụng của đối tác. Có thể yêu cầu bên mua cung cấp bảo lãnh thanh toán từ ngân hàng hoặc công ty mẹ. Các điều khoản phạt chậm trả, lãi suất quá hạn và quyền chấm dứt hợp đồng cũng phải ghi rõ trong hợp đồng, tránh tranh chấp kéo dài.
Rủi ro vận hành và kỹ thuật
Sự cố thiết bị, sai sót trong vận hành hay thiên tai khắc nghiệt đều có thể làm gián đoạn quá trình sản xuất và cung cấp điện. Đối với dự án năng lượng tái tạo, thời tiết bất thường làm biến động sản lượng, trong khi yêu cầu bảo trì không đúng hạn sẽ làm tăng nguy cơ sự cố.
Một kế hoạch bảo trì thường xuyên, có sẵn quy trình xử lý khi gặp hỏng hóc sẽ hạn chế tối đa thời gian ngừng phát điện. Việc kết hợp đa dạng nguồn năng lượng tái tạo hoặc lắp đặt hệ thống lưu trữ (BESS) giúp ổn định sản lượng phát. Nếu thiếu hụt công suất, nhà máy có thể mua điện từ thị trường giao ngay để đảm bảo nghĩa vụ cung cấp.
Rủi ro hạ tầng truyền tải và phân phối
Quy hoạch lưới chưa theo kịp tốc độ phát triển năng lượng tái tạo, dẫn đến tình trạng quá tải, buộc phải cắt giảm công suất. Trong mô hình DPPA vật lý, chi phí và thời gian cho việc nâng cấp hoặc xây dựng đường dây riêng để kết nối với khách hàng cũng là rào cản.
Các bên cần đánh giá chi tiết khả năng giải tỏa công suất, phối hợp với EVN hoặc đơn vị vận hành lưới (NLDC) để hiểu rõ mức độ tải của lưới. Thỏa thuận chia sẻ chi phí nâng cấp trạm biến áp, đường dây cần làm rõ trong hợp đồng. Khi lưới không đáp ứng, chủ dự án có thể triển khai giải pháp kỹ thuật như lắp pin lưu trữ hoặc điều chỉnh giờ bán điện.
Rủi ro về tính toán và chứng nhận năng lượng xanh
Trong các mô hình DPPA ảo (virtual/financial), việc chứng minh một kWh xanh đòi hỏi cơ chế chứng nhận như RECs hoặc I-REC. Khung pháp lý về chứng chỉ này tại Việt Nam còn mới và chưa đầy đủ, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi xác lập quyền sở hữu và giá trị khoản phụ trội xanh (green premium).
Hợp đồng cần quy định rõ trách nhiệm của bên phát điện trong đăng ký, chuyển nhượng RECs hoặc I-REC, cũng như quy trình xác minh độc lập. Ứng dụng công nghệ đo đếm thông minh, SCADA và blockchain có thể giúp minh bạch hóa toàn bộ quá trình sản xuất và tiêu thụ điện tái tạo.
Rủi ro tỷ giá và tiếp cận nguồn vốn
Nhiều dự án phải vay ngoại tệ trong khi doanh thu lại tính bằng tiền đồng. Khi tỷ giá diễn biến bất lợi, chi phí trả nợ sẽ tăng cao. Thêm vào đó, rủi ro thị trường điện vẫn khiến tổ chức tài chính áp dụng lãi suất cao hoặc đặt ra nhiều điều kiện khắt khe.
Trong trường hợp này, các công cụ phái sinh (FX forward, swap) hoặc thỏa thuận điều chỉnh giá bán điện tương ứng biến động tỷ giá sẽ hạn chế tác động bất lợi. Việc minh bạch dòng tiền, hợp đồng DPPA và bảo lãnh thanh toán cũng tạo niềm tin, giúp dự án tiếp cận nguồn tín dụng xanh từ Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hoặc quỹ khí hậu quốc tế một cách thuận lợi.
Biến rủi ro thành chiến lược
DPPA mang đến tiềm năng to lớn cho thị trường điện Việt Nam, khi vừa kích thích phát triển nguồn năng lượng tái tạo vừa cho phép doanh nghiệp linh hoạt lựa chọn đơn vị cung cấp điện. Dù vậy, bất cứ bước đột phá nào cũng đi kèm thử thách. Để nắm bắt trọn vẹn cơ hội này, các bên cần đồng hành trong quá trình rà soát quy định, đàm phán hợp đồng chặt chẽ, quản lý rủi ro toàn diện và duy trì tinh thần chủ động cải tiến. Khi đó, DPPA không chỉ là lời giải cho bài toán năng lượng xanh, mà còn là nền tảng bền vững để Việt Nam vươn tới một tương lai ít phát thải và giàu sức cạnh tranh hơn.
(*) Các tác giả thuộc Công ty Luật Vilasia
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dppa-rui-ro-chinh-va-bien-phap-phong-ngua/