Dragon Capital: Doanh nghiệp niêm yết ít bị ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế quan mới của Mỹ

Đại diện Dragon Capilal nhìn nhận các doanh nghiệp xuất khẩu niêm yết sẽ không quá ảnh hưởng bởi các chính sách thuế quan mới của ông Donald Trump.

“Tỷ trọng doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan mới của Mỹ,” bà Đặng Nguyệt Minh - Giám đốc nghiên cứu của Dragon Capital chia sẻ trong bài đánh giá mới nhất tại sự kiện Investor Day của quỹ.

Theo đó, trong rổ VN-Index, tỷ trọng doanh thu chịu ảnh hưởng trực tiếp từ chính sách thuế mới là khá nhỏ. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp Việt Nam (ngoại trừ ngành tài chính và bất động sản) đạt khoảng 111 tỷ USD.

Trong đó, chỉ 18% đến từ các công ty có hoạt động xuất khẩu, và vỏn vẹn 2% doanh thu là xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ. Vì vậy, tác động trực tiếp của chính sách thuế này lên doanh thu và lợi nhuận được đánh giá là không quá đáng kể.

Các ngành chịu ảnh hưởng chính bao gồm hóa chất, tiêu dùng, thực phẩm, thép và vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên, tổng giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng 5,5% tổng vốn hóa của VN-Index, cho thấy mức độ lan tỏa của rủi ro này trên toàn thị trường là có giới hạn.

Tỷ trọng các ngành xuất khẩu bị ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ. Ảnh: Dragon Capital

Tỷ trọng các ngành xuất khẩu bị ảnh hưởng từ chính sách thuế quan mới của Mỹ. Ảnh: Dragon Capital

Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố mức thuế đối ứng 46% áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam. Mức này nằm trong nhóm các nước bị áp thuế cao nhất cùng với Trung Quốc, Campuchia, Indonesia, Myanmar.

Trong đó dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt hơn 23,2 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 19,4% tỷ trọng xuất khẩu. Tiếp đến là nhóm hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 22,05 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, chiếm 18,4%. Theo sau là mặt hàng dệt may đạt 16,1 tỷ USD, chiếm 13,5% tỷ trọng xuất khẩu...

Việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% với hàng hóa Việt Nam được cho là sẽ tác động không nhỏ đối với hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu chủ lực như điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ…

Trước áp lực từ việc áp thuế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc họp với các bộ, ngành và lãnh đạo Chính phủ để thảo luận tình hình kinh tế, chính trị, ngoại giao, và các giải pháp trước áp lực từ việc Mỹ áp thuế mạnh lên hàng hóa Việt Nam.

Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, chủ động ứng phó với các kịch bản, đặc biệt nhấn mạnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên là không thay đổi.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng hóa trị giá 119,5 tỷ USD và chiếm 29,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Có 16 nhóm hàng xuất khẩu sang Mỹ đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên.

Mức thuế thực tế có thể thấp hơn nhiều con số 46%

Đánh giá về tác động của chính sách thuế quan này đến Việt Nam, ông Phạm Lưu Hưng - Kinh tế trưởng kiêm GĐ SSI Research đánh giá, nếu chỉ nhìn vào những con số này, ảnh hưởng đến Việt Nam là rất lớn, có thể khoảng 7% GDP.

Chính sách thuế này không chỉ ảnh hưởng đến riêng Việt Nam hay 60 quốc gia trong danh sách mà còn ảnh hưởng đến toàn thế giới.

Việc suy thoái kinh tế thế giới là khó tránh khỏi. Mức độ ảnh hưởng sẽ lớn hơn, có thể so sánh với các đợt suy thoái trong quá khứ hay như giai đoạn đại dịch Covid-19.

Mặc dù vậy, ông Hưng cho rằng, mức thuế mà ông Trump đưa ra có thể hiểu là mức trần để các quốc gia bắt đầu đàm phán.

Điều này có nghĩa là các mức thuế không phải là mãi mãi và có thể giảm xuống rất nhanh.

Việt Nam đã làm được rất nhiều việc trong thời gian vừa qua để thể hiện thiện chí với Mỹ trong việc xử lý mối quan hệ thương mại giữa 2 quốc gia, như giảm thuế với 14 mặt hàng, chấp thuận đầu tư cho Starlink…

Đặc biệt, sau chuyến thăm của Bộ trưởng Công thương Việt Nam đến Mỹ, ngay lập tức ngày 1/4 đã có bản dự thảo về Nghị định liên quan đến Kiểm soát thương mại chiến lược.

Văn bản thể hiện thiện chí của Việt Nam trong việc bảo vệ sở hữu trí tuệ trong các hoạt động thương mại và đầu tư. Đây là một hành động mạnh từ phía Việt Nam thể hiện cam kết trong mối quan hệ thương mại.

Theo đánh giá của Kinh tế trưởng SSI, trong báo cáo 400 trang USTR công bố trước đó, đa số vấn đề phía Mỹ đánh giá chính sách thương mại của Việt Nam đều đã được xử lý khá nhiều.

Các chính sách đang được điều chỉnh và triển khai nhanh. Trong kịch bản cơ sở của bộ phận phân tích này, sẽ không có chuyện mức thuế này kéo dài hàng năm.

Ông Hưng cho rằng, ảnh hưởng ngắn hạn là có nhưng đàm phán giữa hai quốc gia sẽ dẫn đến mức thuế áp dụng với Việt Nam sẽ không phải là 46% mà sẽ thấp hơn, thậm chí có thể chỉ còn 10%.

Khi đó, ảnh hưởng của chính sách thuế quan này đến Việt Nam sẽ thấp. “Thậm chí, giống như mọi cuộc chiến thương mại khác, Việt Nam cuối cùng có thể hưởng lợi” , Kinh tế trưởng SSI nhận định.

Dũng Phạm

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/dragon-capital-doanh-nghiep-niem-yet-it-bi-anh-huong-truc-tiep-tu-chinh-sach-thue-quan-moi-cua-my-d39595.html