Dư 6.000 tỷ, vì sao quỹ bình ổn giá xăng dầu 'án binh bất động'?

Giá xăng dầu thế giới liên tục biến động, thời gian qua, liên Bộ Công Thương – Tài chính gần như không sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu trong các kỳ điều hành giá, trong khi quỹ này còn dư tới hơn 6.000 tỷ đồng.

Kết dư hàng nghìn tỷ đồng nhưng… không dùng

Thống kê từ đầu năm 2025 đến nay cho thấy, dù giá xăng dầu có thời điểm tăng mạnh hoặc có lúc giảm sâu, liên Bộ Công Thương – Tài chính vẫn giữ lập trường "không trích, không chi" Quỹ bình ổn giá giá xăng dầu (QBOG). Tình trạng này cũng diễn ra trong suốt năm 2024 khi giá xăng có lúc tăng lên hơn 25.000 đồng/lít, song QBO vẫn được giữ nguyên. Điều này khiến dư luận càng đặt câu hỏi về tính hiệu quả của QBOG.

Báo cáo của Bộ Công Thương mới đây cho thấy, tính đến hết quý I/2025, tổng số dư QBOG tại các doanh nghiệp là khoảng 6.080 tỷ đồng. Số này chưa bao gồm số dư của các thương nhân không còn là thương nhân đầu mối.

Trong đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) còn hơn 3.080 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Thương mại dầu khí Đồng Tháp còn hơn 460 tỷ đồng, Tổng Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ hơn 390 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Xăng dầu quân đội hơn 300 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM hơn 328 tỷ đồng; Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Tổng hợp Hòa Khánh 165 tỷ đồng…

Ngược lại, một số doanh nghiệp âm quỹ như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOI), Công ty TNHH Petro Bình Minh, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Phát triển Trường An…

QBOG xăng dầu còn hơn 6.000 tỷ đồng nhưng không được sử dụng trong thời gian qua.

QBOG xăng dầu còn hơn 6.000 tỷ đồng nhưng không được sử dụng trong thời gian qua.

Chia sẻ với PV Tiền Phong, TS Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho rằng, trước đây, QBOG được lập ra với mục đích ổn định giá, kìm hãm đà tăng đột ngột, tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế và đời sống người dân; đây cũng được xem là van điều áp cần thiết trong giai đoạn thị trường chưa vận hành đầy đủ.

Tuy nhiên, thời gian qua, hàng loạt vụ việc được phát hiện có dấu hiệu trục lợi và chiếm dụng QBOG xăng dầu, cho thấy những lỗ hổng trong quản lý và sử dụng quỹ.

Theo ông Độ, nguyên nhân của tình trạng này đến từ cơ chế giám sát lỏng lẻo, thiếu minh bạch. Điều này khiến một số doanh nghiệp đầu mối găm tiền quỹ để lấy lãi ngân hàng, hay trì hoãn nộp, biến quỹ thành vốn lưu động không lãi suất. Trong khi đó, người dân lại không biết tiền của mình đóng góp đang được dùng vào mục đích gì.

“Việc không sử dụng QBOG cho thấy, cơ quan quản lý đang ngầm thừa nhận công cụ này không còn phù hợp với mục tiêu điều tiết giá trong môi trường thị trường cạnh tranh và hội nhập sâu như hiện nay”, ông Độ nói.

TS. Nguyễn Tiến Thỏa – nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính thẳng thắn nhận định: “QBOG về bản chất là một hình thức đánh thuế gián tiếp, trích từ người tiêu dùng để dùng trong tương lai không xác định. Điều này làm méo mó tín hiệu thị trường, tạo tâm lý ỷ lại vào Nhà nước, đặc biệt là với doanh nghiệp đầu mối”.

Cùng với đó, mức kết dư hiện nay không còn là "vùng đệm" đủ mạnh để can thiệp toàn thị trường. Nếu khủng hoảng mới xảy ra, QBOG sẽ chỉ đủ sức tác động cục bộ, không đủ vai trò "bình ổn" đúng nghĩa.

Sẽ bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu?

Nói về việc vì sao không sử dụng QBOG xăng dầu, lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước – Bộ Công Thương thừa nhận, thời gian qua quỹ này bộc lộ nhiều bất cập. Tuy nhiên, theo vị này, việc điều hành giá xăng dầu 7 ngày/ lần được thực hiện theo Nghị định số 80 (về kinh doanh xăng dầu) đã giúp giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.

Cùng với đó, các loại chi phí kinh doanh xăng dầu được cập nhật kịp thời, đã tạo động lực cho doanh nghiệp tạo nguồn xăng dầu cung ứng đầy đủ nhu cầu cho thị trường nội địa.

“Do đó, tác động của điều chỉnh giá bán xăng dầu đến tình hình kinh tế - xã hội không lớn, hầu như không phải dùng đến QBOG để bình ổn giá xăng dầu”, lãnh đạo Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước cho hay.

QBOG có thể bị khai tử khi dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu không còn đề cập.

QBOG có thể bị khai tử khi dự thảo nghị định mới về kinh doanh xăng dầu không còn đề cập.

Một trong những điểm đáng chú ý nhất liên quan "số phận" QQBOG là trong Dự thảo lần 6 Nghị định về kinh doanh xăng mới được Bộ Công Thương trình Chính phủ hoàn toàn không còn đề cập đến quỹ này. Đây là sự khác biệt căn bản so với Nghị định 83 và Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu trước đây. Thay vào đó, cơ chế mới sẽ dựa vào công thức giá bán xăng dầu do doanh nghiệp tự xây dựng, gắn với chi phí thực tế và công bố giá định kỳ theo tuần.

Khi cần bình ổn, Chính phủ sẽ can thiệp theo Luật Giá – thông qua công cụ tài khóa và chính sách điều hành vĩ mô, chứ không thông qua QBOG.

Cụ thể, dự thảo đề xuất “Trường hợp mặt bằng giá thị trường có biến động bất thường… Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ quyết định biện pháp, thời hạn bình ổn giá phù hợp”. Các doanh nghiệp nếu muốn duy trì công cụ dự phòng, sẽ phải tự xây dựng cơ chế nội bộ hoặc kỳ vọng vào chính sách tài khóa chung.

Một chuyên gia xăng dầu cho rằng, từ những bài học trong 15 năm vận hành QBOG, nếu sắp tới vẫn duy trì thì cần tách khỏi cơ chế hành chính hiện tại và chuyển về một cơ quan điều phối độc lập tương tự như mô hình Oil Fund của Thái Lan, nhằm đảm bảo việc sử dụng quỹ không bị chi phối bởi áp lực chính trị hay chu kỳ giá.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần xây dựng hệ thống công khai số dư của QBOG, khoản chi, đối tượng hưởng, mức trích lập…trên nền tảng dữ liệu mở; để lấy lại lòng tin người dân.

Còn trường hợp nếu không muốn sử dụng nên mạnh dạn bãi bỏ, chuyển sang cơ chế điều hành theo đúng quy luật của thị trường, kết hợp chính sách thuế, phí linh hoạt để giảm sốc khi cần thiết.

Dương Hưng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/du-6000-ty-vi-sao-quy-binh-on-gia-xang-dau-an-binh-bat-dong-post1759132.tpo