Dự án bò Mông chậm tiến độ - Chủ đầu tư liệu có đủ năng lực thực hiện?
Dự án đầu tư xây dựng trung tâm bảo tồn gen và phát triển giống bò Mông (gọi tắt là Dự án bò Mông) tại huyện Chợ Mới, theo kế hoạch đến quý IV/2020 là hoàn thành đi vào hoạt động. Tuy nhiên, đã qua gần 2 năm, Dự án bò Mông vẫn “bế tắc”, gây bức xúc trong Nhân dân.
Tháng 4/2017, Dự án bò Mông do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam được triển khai tại huyện Chợ Mới với quy mô đầu tư: Bảo tồn gen và lai tạo phát triển giống bò Mông quy mô 300 con bò cái sinh sản, 30 con bò đực thuần; nuôi vỗ béo 1.000 con bò thương phẩm/tháng; chế biến thức ăn TMR (phối trộn hỗn hợp) 50 tấn/ngày; giết mổ tập trung 100 con/ngày đêm; liên kết phát triển từ 800 - 1.000 hợp tác xã (HTX) chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt thương phẩm chất lượng cao ở tỉnh Bắc Kạn và các địa phương khác thuộc miền núi phía Bắc. Diện tích đất sử dụng là 50ha. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm. Tiến độ đến quý IV/2020 hoàn thành dự án. Tổng vốn đầu tư hơn 136 tỷ đồng. Trong đó, vốn tự có 18 tỷ đồng, vốn khác hơn 118 tỷ đồng.
Công ty hướng dẫn Nhân dân trong khu vực thực hiện dự án thành lập các HTX để liên kết chăn nuôi. Công ty cam kết hỗ trợ giống cỏ, kỹ thuật, cho vay vốn xây chuồng trại, bao tiêu đầu ra... Vì vậy, từ năm 2017, huyện Chợ Mới đã thành lập 10 HTX.
Với quy mô “hoành tráng”, Dự án được người dân huyện Chợ Mới mong đợi, đặc biệt là đồng bào Mông xã Quảng Chu. Mặc dù được tỉnh Bắc Kạn tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp như: Tiếp cận đất đai, thuê đất và giai đoạn đầu giao cho nhà đầu tư 15ha, đồng thời thực hiện tích tụ đất đai cho nhà đầu tư thuê lại quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, việc xây dựng dự án rất chậm.
Sau khi quá mốc hoàn thành dự án, tháng 11/2021, Đoàn thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra tại khu vực Dự án bò Mông tại huyện Chợ Mới. Kết luận thanh tra số 03/KL-STNMT về việc chấp hành pháp luật về đất đai và bảo vệ môi trường Dự án bò Mông tại thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam chỉ rõ Công ty đang quản lý, sử dụng 33.645,3m2 thuộc địa phận thôn Đồng Luông, khu đất có tổng diện tích 29.303,1m2 được UBND tỉnh giao đất cho Công ty thuê để sử dụng vào mục đích xây dựng Trung tâm bảo tồn gen và phát triển giống bò Mông (Theo Quyết định số 2186/QĐ-UBND ngày 22/12/2017); khu đất có diện tích 4.342,2m2 do Sở Tài Nguyên và Môi trường cấp cho ông Nguyễn Quang Tiếp và bà Lương Thị Sen, trú tại tổ 3 phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên, Công ty thuê lại theo hợp đồng thê đất số 11/HĐTĐ ngày 16/10/2018.
Công ty chưa thực hiện việc cắm mốc giới ngoài thực địa theo biên bản bàn giao đất ngày 22/12/2017. Trong tổng số 29.303,1m2 đất được giao có 22.432,8m2 đất đã được Công ty xây dựng các hạng mục công trình với tổng diện tích 1.770m2; 2.945,1m2 đất để cây, cỏ mọc tự nhiên; 3.652,2m2 đất để bị dân lấn chiếm sử dụng trồng keo từ năm 2019. Đối với diện tích đất 4.342,20m2, Công ty chưa lập hồ sơ đất đai theo quy định.
Ngoài ra, Dự án bò Mông thuộc đối tượng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Nghị định số 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam cũng chưa hoàn thiện hồ sơ môi trường gửi Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện dự án theo quy định.
Tới thời điểm hiện nay, Công ty mới chỉ thực hiện các hạng mục như trụ sở, văn phòng làm việc; nhà xưởng; khu chuồng hiện nuôi nhốt 75 con bò; nhà để máy băm thức ăn, hố ủ thức ăn chăn nuôi; hạng mục phụ trợ như hệ thống điện, nước, sân vườn. Các hạng mục nuôi vỗ béo, chế biến thức ăn, giết mổ tập trung, trồng cỏ, ngô phục vụ chăn nuôi... đều chưa triển khai thực hiện.
Ngoài ra, việc liên kết mang tính chất chủ đạo là phát triển từ 800 - 1.000 hợp tác xã/tổ hợp tác (HTX/THT) chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt thương phẩm chất lượng cao ở tỉnh Bắc Kạn và các địa phương khác thuộc miền núi phía Bắc nhưng sau khi thành lập được 10 HTX lại “án binh bất động” vì không được cấp bò để nuôi. Do vậy, Dự án không đảm bảo tiến độ thực hiện theo Quyết định chủ trương đầu tư số 589/QĐ-UBND ngày 28/4/2017 của UBND tỉnh (quý IV/2020 hoàn thành dự án).
Để tìm hiểu thêm về dự án, chúng tôi đã đến trụ sở Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bò Mông Việt Nam tại xã Quảng Chu. Tại khu vực trung tâm chỉ có 01 căn nhà trụ sở, phía sau là một khu chuồng bò nhưng được quây kín, đứng ngoài không nhìn vào được. Người quản lý tên Nam nói, để tránh dịch bệnh nên không cho người ngoài vào gần khu chuồng bò, có vấn đề gì thì liên lạc với ông Hà Mạnh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty. Chúng tôi nối điện thoại theo số do Nam cho nhưng không ai bắt máy.
Ông Lê Phúc Lâu, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Chu cho biết: Tới thời điểm hiện nay, có thể nói là dự án không hiệu quả. Việc dự án chậm hoàn thiện khiến nhiều HTX từ bỏ không tham gia vào chuỗi liên kết.
Ông Nông Văn Quân, Giám đốc HTX bò Mông số 1 cho biết: Nghe quy mô Dự án người dân rất phấn khởi, nhiều thành viên HTX thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để vay vốn về trồng cỏ, đổ bê tông làm chuồng nhưng lại không có bò để nuôi. Cỏ lớn thì cho trâu, bò nhà ăn không hết, xong lại phải thuê người đào gốc cỏ đi để trồng hoa màu.
Có 5 thành viên HTX bò Mông số 8 (xã Thanh Thịnh), thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay ngân hàng 500 triệu đồng để thuê người làm các công trình phụ trợ như chuồng trại, tường rào, trồng cỏ… nay cỏ thì không bán được, bò không thấy đâu mà cũng không biết lấy gì để trả ngân hàng số vốn đã vay.
Ông Quân xót xa vì đàn bò hiện có của Công ty (75 con) không có cỏ để ăn, chỉ ăn trấu và rơm nên rất gầy. “Chúng tôi đề nghị Công ty giao bò cho chúng tôi chăm sóc nhưng Công ty không đồng ý”, ông Quân cho hay.
Có thể nói, mặc dù được địa phương hỗ trợ mọi điều kiện nhưng chủ đầu tư dự án vẫn không hoàn thành theo tiến độ gây bức xúc trong người dân. Tiến độ của dự án đang khiến cho dư luận ở Bắc Kạn đặt ra câu hỏi, nghi ngờ về năng lực thực hiện dự án của chủ đầu tư./.