Dự án cầu Đại Ngãi vẫn gặp khó về nguồn cát đắp

Vật liệu cát đắp phục vụ thi công dự án cầu Đại Ngãi vẫn hạn chế dù nguồn cung đã được xác định tại các địa phương.

Thông tin về tiến độ triển khai dự án cầu Đại Ngãi trên QL60, tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, hiện, công tác bàn giao mặt bằng cho dự án đã cơ bản hoàn thành.

Thi công cầu Đại Ngãi 2 (Ảnh: Gia Minh).

Thi công cầu Đại Ngãi 2 (Ảnh: Gia Minh).

Tính đến nay, sản lượng thi công (chủ yếu phần cầu) gói thầu cầu Đại Ngãi 2, tuyến và các công trình trên tuyến (gói thầu 11-XL) đạt khoảng hơn 35% cơ bản đáp ứng kế hoạch điều chỉnh, phần tuyến thi công còn chậm do khó khăn về nguồn vật liệu cát đắp nền đường.

Gói thầu cầu chính dây văng Đại Ngãi 1 đã cơ bản lập xong hồ sơ thiết kế kỹ thuật và dự toán, đang thực hiện công tác thẩm tra, thẩm định.

Tiến độ triển khai các hạng mục vẫn bám sát kế hoạch, song, Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, dự án vẫn đang gặp khó khăn về nguồn vật liệu cát đắp.

Theo tính toán, tổng nhu cầu vật liệu cát đắp của dự án khoảng 1 triệu m3, trong đó gói thầu 11-XL cần 0,8 triệu m3, hiện đã xác định được nguồn cung cấp từ các mỏ phía Trà Vinh 0,45 triệu m3, từ mỏ MS3 phía Sóc Trăng 0,35 triệu m3. Tuy nhiên, khối lượng huy động về công trường được khoảng hơn 0,25 triệu m3.

Đảm bảo thời gian về đích của dự án, Ban QLDA 85 (chủ đầu tư) được yêu cầu phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành của tỉnh Sóc Trăng để đẩy nhanh thủ tục đăng ký mở mỏ theo cơ chế đặc thù, tiếp tục làm việc các mỏ cát đang khai thác, chuẩn bị khai thác thương mại trên địa bàn đã được hai tỉnh giới thiệu để ưu tiên cung cấp cho dự án.

Dự án xây dựng cầu Đại Ngãi gồm hai công trình cầu chính (cầu Đại Ngãi 1 và Đại Ngãi 2) được đầu tư hoàn chỉnh với 4 làn xe. Phần tuyến đầu tư phân kỳ với giai đoạn 1 gồm hai làn xe với bề rộng mặt cắt ngang là 12m, vận tốc thiết kế 80km/h.

Dự án sau khi được hoàn thành sẽ phá thế độc đạo của quốc lộ 1, tạo kết nối giao thông giữa các tỉnh ven biển Đồng bằng sông Cửu Long, rút ngắn cự ly từ Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng lên TP.HCM khoảng 80km, giảm thời gian di chuyển từ 1,5-2 giờ so với đi phà vượt sông Hậu...

N.Khánh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/du-an-cau-dai-ngai-van-gap-kho-ve-nguon-cat-dap-192240804100211756.htm