Dự án cầu Rạch Miễu 2… thi công 'rùa bò'

Dự án cầu Rạch Miễu 2 (nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre) được xem là giải pháp căn cơ để giải tỏa tình trạng kẹt xe 'kinh niên' trên cầu Rạch Miễu, thế nhưng tiến độ dự án này đang rất chậm. Trong khi đó, cầu Rạch Miễu đang bị quá tải, lượng phương tiện lưu thông qua cầu tăng gấp 5 lần so với công suất thiết kế, kéo theo nhiều hệ lụy nguy hiểm…

Kẹt xe trên quốc lộ 60 đoạn dẫn lên cầu Rạch Miễu, phía tỉnh Bến Tre. Ảnh: TÍN HUY

Kẹt xe trên quốc lộ 60 đoạn dẫn lên cầu Rạch Miễu, phía tỉnh Bến Tre. Ảnh: TÍN HUY

Cầu cũ quá tải

Theo xe anh Trần Văn Hùng chở dừa khô từ huyện Càng Long (Trà Vinh) đi TPHCM vào một ngày giữa tháng 5, chúng tôi cảm nhận được nỗi khổ của những tài xế thường xuyên lưu thông qua cầu Rạch Miễu. 14 giờ, xe di chuyển đến quốc lộ 60 (huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre). Dù không phải ngày lễ, cũng không nằm trong khung giờ cao điểm, nhưng giao thông ở đoạn đường dẫn vào cầu Rạch Miễu vẫn ùn ứ kéo dài. Càng gần đến đầu cầu, kẹt xe càng nghiêm trọng hơn.

Nhìn chiếc xe container ì ạch leo dốc cầu, phía sau hàng ngàn phương tiện nối đuôi chờ, anh Hùng thở dài: “Do dốc cầu được thiết kế quá cao nên xe tải, xe container phải bò. Đã vậy, làn đường lại hẹp, không có dải phân cách giữa ô tô và xe máy nên thường xuyên xảy ra va quẹt”. Phải mất hơn 1 giờ, xe tải của anh Hùng mới qua được cầu Rạch Miễu.

Theo Công ty TNHH BOT cầu Rạch Miễu, cầu đang bị quá tải trầm trọng. Theo thiết kế, công suất cầu đáp ứng 6.000 lượt phương tiện/ngày đêm; tuy nhiên, trong những đợt lễ, tết gần đây, lượng phương tiện lưu thông qua cầu Rạch Miễu tăng lên hơn 29.000 lượt (gấp 5 lần). Đặc biệt, trong các khung giờ cao điểm, lượng xe cơ giới lưu thông qua cầu rất đông, khoảng 19.000-22.000 lượt. Việc cầu Rạch Miễu bị quá tải phương tiện không chỉ gây kẹt xe, mà còn ảnh hưởng đến tuổi thọ của cầu, về lâu dài có nguy cơ mất an toàn.

Ngày 10-6, tại chân cầu Rạch Miễu (phía bờ Tiền Giang), ngành chức năng các tỉnh Tiền Giang và Bến Tre áp dụng cấm xe 3 trục (xe có 3 dàn lốp) trở lên qua cầu Rạch Miễu theo khung giờ quy định đã thông báo trước đó.

Theo lực lượng chức năng tỉnh Tiền Giang, đây là ngày đầu tiên áp dụng nên sẽ nhắc nhở các tài xế. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị lập biên bản xử phạt theo quy định. Trước đó, ngành chức năng 2 tỉnh Tiền Giang, Bến Tre thống nhất ban hành và áp dụng quy định cấm xe tải từ 3 trục trở lên lưu thông qua cầu Rạch Miễu từ hướng tỉnh Tiền Giang đi tỉnh Bến Tre: sáng từ 9-11 giờ, chiều từ 15-19 giờ; hướng từ tỉnh Bến Tre đi tỉnh Tiền Giang: từ 15-19 giờ hàng ngày.

Cầu mới thi công ì ạch

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, như tổ chức phân luồng, tăng cường lực lượng điều tiết giao thông, vận hành 5 phà tạm (vốn đầu tư khoảng 100 tỷ đồng) để đưa khách qua sông nhằm “chia lửa” tình trạng quá tải phương tiện trên cầu Rạch Miễu; tuy nhiên tình trạng kẹt xe ở khu vực cầu này vẫn chưa được kéo giảm, thậm chí nghiêm trọng hơn. Nếu không sớm thông xe cầu Rạch Miễu 2 thì khó giải tỏa được tình trạng kẹt xe hiện nay.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, tiến độ dự án cầu Rạch Miễu 2 đang bị chậm, việc thi công không được triển khai liên tục. Nguyên nhân là do phía tỉnh Tiền Giang, có nhiều vị trí mặt bằng chưa được địa phương bàn giao. Cụ thể, còn

1 trụ điện cao thế, 28 trụ điện trung - hạ thế, nhiều trụ viễn thông và rất nhiều nhà dân chưa được di dời, giao mặt bằng. Nếu công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tiếp tục ì ạch, dự án cầu Rạch Miễu 2 sẽ khó về đích vào cuối năm 2025 như kế hoạch.

Trả lời PV Báo SGGP về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án cầu Rạch Miễu 2, ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, khẳng định, địa phương đã làm hết trách nhiệm nhưng tiến độ bàn giao mặt bằng bị chậm. Ông Trần Văn Bon lý giải nguyên nhân là số hộ dân bị ảnh hưởng có sự thay đổi, ban đầu theo khung chính sách được Thủ tướng phê duyệt là 772 hộ, sau tăng thêm 216 hộ.

Do đó, phải đề xuất Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh mức đầu tư từ 5.175 tỷ đồng lên 6.810,11 tỷ đồng. Việc điều chỉnh mất nhiều thủ tục, thời gian. Ngoài ra, số lượng nhà cửa, vật kiến trúc bị ảnh hưởng một phần rất nhiều, vì vậy mất nhiều thời gian xác định vị trí ranh giải phóng mặt bằng. Mốc giải phóng mặt bằng cắm ngoài thực địa có sai lệch so với hồ sơ giao nhận, cần thời gian điều chỉnh cho đúng mới có thể kiểm kê…

Giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang cho rằng, nguyên nhân lớn nhất khiến tiến độ dự án cầu Rạch Miễu 2 bị chậm là do việc bố trí vốn để chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng còn chậm. Tổng nhu cầu vốn thực hiện công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang là 2.032 tỷ đồng, đến nay Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận mới chuyển 1.856 tỷ đồng. Dù địa phương nhiều lần đề nghị Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận bổ sung vốn gấp để đảm bảo chi trả cho các hộ dân, nhưng đến nay vẫn chưa được phân bổ.

Dự án cầu Đại Ngãi đang thiếu cát trầm trọng

Theo ông Đinh Lê Thông, Giám đốc điều hành dự án cầu Đại Ngãi (nối 2 tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng), dự án đang bị thiếu cát san lấp trầm trọng, nguy cơ chậm tiến độ so với kế hoạch là rất lớn. Theo ông Thông, hiện vật liệu cát san lấp chỉ đáp ứng 10% cho dự án. Cụ thể, dự án còn thiếu khoảng 850.000m3 cát dùng cho đắp mố cầu và phần đường. Nếu không có cát san lấp thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ chung của dự án, vì phải mất thời gian gia tải, chờ lún từ 7-10 tháng.

Trước tình hình trên, Ban điều hành dự án cầu Đại Ngãi đã đề nghị UBND tỉnh Sóc Trăng cho khai thác mỏ MS 03. Nếu được chấp thuận, chủ đầu tư, các nhà thầu sẽ phối hợp với tỉnh sớm hoàn tất các thủ tục cần thiết theo quy định.

TUẤN QUANG

NGỌC PHÚC - TÍN HUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/du-an-cau-rach-mieu-2-thi-cong-rua-bo-post744004.html