Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cần sớm thiết lập chuỗi cung ứng công nghiệp nội địa

Nhà nước cũng cần hoàn thiện khung pháp lý, chính sách hỗ trợ và cơ chế đặt hàng minh bạch, tạo hành lang đủ an toàn để tư nhân dám đầu tư, dám chịu rủi ro và có thể phát triển bền vững.

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Với tổng mức đầu tư hơn 67 tỷ USD, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam không chỉ là dự án hạ tầng chưa từng có ở Việt Nam, mà còn như một bài kiểm tra chiến lược về khả năng tham gia sâu rộng của khu vực kinh tế tư nhân trong các công trình công lớn.

Vậy làm thế nào để thiết lập chuỗi cung ứng công nghiệp nội địa với dự tham gia của các doanh nghiệp trong nước là vấn đề được bàn thảo tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới” do báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức ngày 14/5.

Theo ông Chu Văn Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng), cùng với việc hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa, tạo điều kiện để doanh nghiệp có năng lực thực sự được tham gia.

Ban Quản lý Dự án được giao thực hiện các bước tiếp theo, trong đó có công tác lựa chọn nhà thầu cho gói tư vấn hỗ trợ chủ đầu tư, nhằm đảm bảo triển khai đúng quy mô và tiến độ của một dự án có tính chất kỹ thuật đặc biệt lớn như đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam.

Ông Chu Văn Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) phát biểu. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Ông Chu Văn Tuân, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ Xây dựng) phát biểu. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Về phía các doanh nghiệp đang rốt ráo triển khai các bước chuẩn bị tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng các hạng mục tại dự án đường sắt tốc độ cao này; đồng thời chủ động học hỏi công nghệ quốc tế để sẵn sàng tiếp nhận các gói thầu kỹ thuật cao.

"Một ví dụ rất đáng chú ý là Tập đoàn Hòa Phát. Doanh nghiệp này đã chủ động tuyên bố đầu tư vào nhà máy sản xuất ray thép – một cấu phần then chốt của dự án – ngay cả khi chưa có hợp đồng mua bán chính thức từ phía Chính phủ. Điều đó cho thấy tầm nhìn dài hạn, tinh thần tiên phong và sự sẵn sàng của khu vực tư nhân trong việc đồng hành với các chương trình quốc gia quy mô lớn", Phó Tổng biên tập Thường trực Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt Phan Huy Hà dẫn chứng.

Hay như Công ty cổ phần FECON, Giám đốc Kỹ thuật Hồ Đức An cho hay, doanh nghiệp này không đợi đến khi có dự án mới chuẩn bị mà đã chuẩn bị để đón cơ hội từ những ngày đầu. Tuy nhiên, với quy mô siêu dự án như tuyến đường sắt Bắc - Nam đòi hỏi công suất tổ chức vượt trội, khả năng phối hợp chuỗi cung ứng liên vùng và tiệm cận công nghệ thi công hiện đại nhất. Khoảng cách vẫn còn, và doanh nghiệp trong nước phải chủ động thu hẹp khoảng cách này.

Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần FECON Hồ Đức An chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Giám đốc Kỹ thuật Công ty cổ phần FECON Hồ Đức An chia sẻ tại sự kiện. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

“Các doanh nghiệp Việt Nam có thể thành lập các tổ hợp, liên doanh với đơn vị nước ngoài và quy định tỷ lệ nội địa hóa khi nhận chuyển giao công nghệ. Chúng tôi nghĩ rằng chỉ bằng cách chỉ thầu, thành lập liên doanh, tổ hợp và quy định tỷ lệ nội địa hóa, doanh nghiệp Việt Nam mới có thể phát triển bền vững hơn trong tương lai. Đây là kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới, ví dụ như Trung Quốc đã áp dụng từ 30 năm trước”, đại diện FECON đề nghị.

Về phía Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch Nguyễn Quốc Hiệp đánh giá, năng lực tài chính và quy mô tổ chức của nhiều nhà thầu Việt vẫn còn nhỏ bé, trong khi tiêu chuẩn đấu thầu của dự án đường sắt cao tốc là cực kỳ cao. Ước tính chỉ khoảng 20 doanh nghiệp có thể đáp ứng được gần đủ các điều kiện kỹ thuật, công nghệ và tài chính.

“Chúng ta không thể chờ đợi doanh nghiệp nhỏ tự trưởng thành. Giải pháp là liên kết, tập hợp từ nhà thầu lớn đến nhỏ để tạo thành hệ sinh thái xây dựng đủ sức đáp ứng toàn bộ chuỗi cung ứng”, Chủ tịch Nguyễn Quốc Hiệp nhấn mạnh.

Phó Tổng biên tập Thường trực Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt Phan Huy Hà. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Phó Tổng biên tập Thường trực Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt Phan Huy Hà. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Hiện Chính phủ đã có chủ trương rất rõ ràng về việc ưu tiên sử dụng nguồn lực trong nước. Các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không chỉ được khuyến khích, mà còn được tạo điều kiện để tham gia sâu rộng vào toàn bộ chuỗi giá trị của dự án: từ cung cấp vật liệu xây dựng, thi công hạ tầng, sản xuất thiết bị cho đến vận hành và bảo trì hệ thống.

Tuy nhiên, Phó Tổng biên tập Thường trực Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt Phan Huy Hà cho rằng, để thực sự bước vào sân chơi lớn này, các doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị bài bản hơn bao giờ hết: về tài chính, công nghệ, nhân lực và chiến lược liên kết.

Đồng thời, Nhà nước cũng cần hoàn thiện khung pháp lý, chính sách hỗ trợ và cơ chế đặt hàng minh bạch, tạo hành lang đủ an toàn để tư nhân dám đầu tư, dám chịu rủi ro và có thể phát triển bền vững.

Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/du-an-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-can-som-thiet-lap-chuoi-cung-ung-cong-nghiep-noi-dia/373549.html