Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Huy động sức dân, thu hút doanh nghiệp trong nước
Thảo luận về Chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam tại phiên họp toàn thể, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị cần huy động sức dân, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp trong nước nhằm khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc cùng các nguồn lực cần thiết để đóng góp vào công trình quan trọng quốc gia này.
Đưa ra ý kiến tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đánh giá, đây là một dự án lớn nhất trong lịch sử với dự kiến 67 tỷ USD, gần bằng tổng thu ngân sách nhà nước một năm hiện nay. Mặc dù trong Tờ trình của Chính phủ đã nêu các số liệu về ngân sách để thực hiện dự án là rất tốt, đảm bảo an toàn, nhưng xuất phát từ thực trạng về những tồn tại của các dự án đầu tư công hiện nay, để có thể yên tâm hơn khi tham gia quyết định, đại biểu đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về khả năng thu xếp, cân đối để đáp ứng nhu cầu vốn, từ đó đánh giá khả năng chi trả của ngân sách nhà nước, sức chịu đựng của nền kinh tế ảnh hưởng đến vấn đề an toàn nợ công.
Đại biểu cũng chỉ rõ, việc triển khai thực hiện dự án đường sắt đô thị thời gian qua gặp nhiều khó khăn, dẫn đến vốn tăng cao, kéo dài về thời gian hoàn thành so với mức phê duyệt ban đầu. Thời gian qua, khi triển khai các dự án quan trọng quốc gia, dù đã áp dụng các chính sách đặc thù về mỏ vật liệu, về bồi thường, giải phóng mặt bằng, tuy nhiên nguồn cung nguyên vật liệu vẫn thiếu, giải phóng mặt bằng vẫn chậm, không đáp ứng được tiến độ thi công của dự án. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu kỹ, đánh giá từng vấn đề cụ thể, chi tiết để có giải pháp hữu hiệu khắc phục những tồn tại này, đảm bảo hoàn thành dự án đúng kế hoạch và cung cấp số liệu bổ sung để các đại biểu Quốc hội nắm rõ, yên tâm khi bấm nút quyết định.
Đại biểu cũng nhấn mạnh, về nguồn lực huy động để đầu tư cho dự án trong tương lai, chúng ta phải tính đến huy động sức dân vì nguồn lực trong dân là rất lớn. Nếu phát hành trái phiếu với lãi suất đủ hấp dẫn thì người dân sẽ sẵn sàng mua; ngân sách chưa đảm bảo thì có thể đi vay, nhưng vay trong dân tất nhiên tốt hơn vay nước ngoài, vì lợi nhuận chính người dân trong nước được hưởng, không dịch chuyển ra bên ngoài. Điều quan trọng nhất là khơi dậy được tinh thần tự hào dân tộc để đóng góp vào công trình quan trọng của quốc gia này.
Cùng thống nhất cao với chủ trương đầu tư Dự án, đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, Đoàn ĐBQH Tp. Hồ Chí Minh nêu rõ, về lâu dài, việc đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam trở thành xương sống của hạ tầng giao thông, giúp rút ngắn thời gian đi lại từ Hà Nội đến Thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, liên kết vùng và đô thị dọc tuyến. Dự kiến chiều dài quãng đường là 1.541 km và tốc độ thiết kế là 350 km/giờ là hoàn toàn hợp lý. Theo đại biểu, với những dự án có mức đầu tư cao, quy mô lớn, đầu tư công là hình thức bảo đảm bền vững nhất, do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và các cơ quan cần lên kế hoạch chi tiết về sử dụng nguồn tài chính.
Đại biểu cũng đề nghị, với một dự án tầm cỡ lớn quốc gia, rất cần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ít nhất là trong việc tham vấn, lắng nghe người dân đóng thuế. Đại biểu cũng nhất trí với đề xuất huy động nguồn vốn đóng góp của nhân dân tham gia vào dự án qua hình thức mua trái phiếu với lãi suất hợp lý. Đồng thời, cần đầu tư vào nghiên cứu, đánh giá nhiều chiều một cách khoa học, khách quan dự án, tham khảo nghiêm túc kinh nghiệm thực hiện các dự án tương tự đã có các nước khác để hiểu rõ cách thức thực hiện, ai làm và hệ quả kinh tế ra sao?
Cũng quan tâm về vấn đề huy động vốn cho Dự án, đại biểu Đinh Thị Phương Lan, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ngãi đề nghị đàm phán chắc chắn, thận trọng các nguồn vốn nước ngoài, tăng cơ cấu nợ trong nước, ưu tiên phát hành trái phiếu có kỳ hạn dài. Tăng cường đóng góp của người dân, doanh nghiệp qua các hình thức đóng góp trực tiếp hoặc qua quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tiếp tục giảm gánh nặng ngân sách trung ương, đa dạng hóa hình thức đầu tư đối với các công trình ga, công trình phụ trợ.
Đồng thời, tiếp tục rà soát chi tiết, chủ động các phương án phòng ngừa rủi ro trong đầu tư. Hồ sơ đang tính ở mức GDP dự báo đến năm 2050 là khoảng từ 6,5% đến 7%. Tuy nhiên, theo báo cáo thẩm định, hiện mới đánh giá sơ bộ tác động của phương án huy động vốn, một số dữ liệu đầu vào ở mức giả định còn thiếu đơn giá định mức cho việc xây dựng, vận hành, duy tu và bảo dưỡng. Trong bối cảnh kinh tế chính trị rất biến động như hiện nay, cần tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, đánh giá tác động tổng thể các dự án và một số dự án trọng điểm khác đến nợ công và đảm bảo các cân đối vĩ mô, đặc biệt là nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội có cả các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Bàn về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình nhấn mạnh, nên ưu tiên thành phần kinh tế tư nhân. Đại biểu khẳng định rằng nếu ưu tiên thành phần kinh tế tư nhân thì chúng ta có thể tiết kiệm được 30% so với 2 thành phần kinh tế nhà nước và thành phần kinh tế đầu tư nước ngoài. Bởi vì trình độ của doanh nghiệp Việt Nam đã khác trước, kể cả doanh nghiệp nhỏ và vừa và doanh nghiệp lớn. Đại biểu cũng nhận định, hiện nay nguồn vốn trong dân rất lớn. Các doanh nghiệp tư nhân huy động nguồn vốn trong dân rất giỏi, rất đúng luật, thông qua các dự án về trái phiếu doanh nghiệp, các dự án bất động sản... Do đó, đại biểu cho rằng cần huy động nguồn vốn chính vào cho dự án này từ trong dân với một lãi suất hấp dẫn, cố gắng hạn chế tối đa nguồn vốn của nước ngoài.
Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng nên huy động các doanh nghiệp lớn tham gia vào Dự án này. Về thiết kế, chúng ta sẵn sàng thuê thiết kế nước ngoài nếu chưa có nhà thiết kế nào yên tâm. Còn việc thi công, Chính phủ sẽ đặt vấn đề về bài toán này với doanh nghiệp tư nhân bằng một hợp đồng rõ ràng. Nếu chúng ta huy động được doanh nghiệp trong nước thì đây là một điều rất tích cực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước phát triển, đóng góp cho lợi ích nước nhà.
Tán thành cao với việc triển khai Dự án, tuy nhiên đại biểu Hà Đức Minh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai nêu rõ, việc triển khai dự án là một nhiệm vụ phức tạp với không ít những khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị. Về nguồn vốn đầu tư, dự án yêu cầu một khoản đầu tư rất lớn, lớn nhất từ trước đến nay với dự kiến khoảng 67 tỷ USD.
Theo như phân tích tờ trình của Chính phủ, hiện nay chúng ta đang có dư địa rất tốt về khả năng huy động vốn và an toàn về nợ công. Chúng ta có nhiều sự lựa chọn để vay nợ để đầu tư cho dự án, nhưng theo đại biểu, trước hết cần huy động tối đa nguồn lực trong nhân dân. Tuy nhiên, để làm được điều này, việc đầu tiên là cần nâng cao nhận thức, tạo niềm tin vững chắc của người dân về tầm quan trọng và lợi ích to lớn mà tuyến đường sắt này mang lại. Từ đó, Chính phủ có phương án cụ thể về thu hút nguồn vốn trong nhân dân, có thể thông qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ với mức lãi suất hấp dẫn, đảm bảo an toàn để khuyến khích người dân tham gia. Như vậy, không chỉ phát huy được sức mạnh của nhân dân trong việc huy động nguồn lực tài chính mà còn khơi dậy lòng tự hào, tinh thần đoàn kết và trách nhiệm của mỗi người dân đối với sự phát triển bền vững của đất nước./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=91105