'Dự án đường sắt tốc độ cao cần rút kinh nghiệm từ những công trình trước đó'

Các đại biểu Quốc hội cho rằng dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam cần phải rút kinh nghiệm từ các công trình đi trước, cũng như học hỏi thêm từ kinh nghiệm quốc tế để tránh tình trạng đầu tư kéo dài, gây ra lãng phí và tổn thất.

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 13/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Cần có cơ chế, chính sách thuận lợi nhất, tiện lợi nhất cho dự án

Phát biểu tại tổ 2, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho biết: “Trước đây, chúng ta có bàn đến dự án này, nhưng thời điểm đó chưa chín muồi. Ở thời điểm hiện nay, tôi nghĩ rằng chúng ta có tiềm năng để sớm thực hiện ước mơ về việc có phương tiện giao thông hiện đại. Việc Chính phủ lần này trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án đã đáp ứng được các cơ sở về thực tiễn, cũng như cơ sở chính trị đã được Bộ Chính trị đồng ý, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất thông qua”.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đỗ Thảo/Mekong ASEAN

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đỗ Thảo/Mekong ASEAN

Đại biểu đánh giá dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam sẽ có độ lan tỏa lớn và có hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội.

“Khi tuyến đường sắt đi qua 20 tỉnh thành, nó sẽ giúp phát huy được tiềm năng lợi thế tại các địa bàn đó. Dự án không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn thu hút được du lịch trong nước và quốc tế,” ông cho hay. Đại biểu cũng nêu dẫn chứng tại Trung Quốc, những nơi nào có đường sắt tốc độ cao đi qua thì tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP), thu ngân sách của địa phương đó tăng lên.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng dự án phải bảo đảm được tính đồng bộ giữa các loại quy hoạch của các địa phương để tránh trường hợp phải điều chỉnh; đồng thời cần có tính kết nối giữa dự án với các hệ thống giao thông công cộng khác.

"Hiện nay, chúng ta đang triển khai tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh đi Cần Thơ. Vậy dự án sẽ kết nối như thế nào vào tuyến này để bảo đảm sự đồng bộ, khi người dân sẽ đi tuyến đường sắt tốc độ cao về TP Hồ Chí Minh, sau đó muốn chuyển tiếp đi về Cần Thơ,” ông Trần Hoàng Ngân nêu ví dụ.

Ngoài ra, đại biểu cũng chỉ ra một số vấn đề cần lưu ý khác như đảm bảo nguồn nhân lực thực hiện; học tập kinh nghiệm của các nước về điều hành nguồn lực cho tuyến đường đường sắt tốc độ cao; phát triển công nghiệp phụ trợ cho ngành công nghiệp đường sắt.

Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng: “Chúng ta cần rút ra những bài học kinh nghiệm trong việc triển khai tuyến Metro tại TP Hồ Chí Minh, tuyến đường sắt Cát Linh tại Hà Nội để lường hết các yếu tố khi ký kết hợp đồng với nhà thầu nước ngoài. Chúng ta cần rút kinh nghiệm để tránh việc đầu tư kéo dài, gây ra lãng phí và tổn thất”.

Đại biểu đề xuất rằng các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam “phải là là cơ chế thuận lợi nhất, tiện lợi nhất để có thể thi công nhanh nhất, như thế mới giảm được chi phí cho công trình”.

Tạo sự kết nối đồng bộ giữa dự án và các hệ thống giao thông khác

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đỗ Thảo/Mekong ASEAN

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Đỗ Thảo/Mekong ASEAN

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Đức (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh rằng: “Vấn đề quan trọng nhất đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam vào lúc này là cần sự đồng thuận của Quốc hội. Bởi vì đây là một trong những công trình đầu tư công lớn nhất trong lịch sử của chúng ta đến nay. Đó là khát vọng của Nhà nước ta và nhân dân ta. Đó là danh dự, niềm tự hào và lòng tự trọng của dân tộc Việt Nam”.

Đại biểu đề xuất rằng dự án này cần phải được tính toán để tạo ra sự kết nối và đồng thuận với hệ thống giao thông khác trong các địa phương, tránh gây ra điểm nghẽn tại các ga. Ông nêu ví dụ rằng mô hình đô thị nén ở Tokyo (Nhật Bản) có thể là một bài học kinh nghiệm, khi thành phố này có sự đa dạng về các phương tiện giao thông nhưng vẫn đảm bảo kết nối hài hòa với các tuyến đường sắt.

Đại biểu cũng lưu ý về thói quen sử dụng phương tiện cá nhân thay vì phương tiện công cộng hiện nay; cho rằng dự án đường sắt tốc độ cao phải tính toán kỹ lưỡng về kết nối các nhà ga như thế nào để mang lại hiệu quả đi lại cao nhất, phục vụ nhu cầu của người dân.

Theo đó, đại biểu cho rằng các tuyến đường ra trung tâm nhà ga đường sắt tốc độ cao cần phải đảm bảo thông thoáng và tiết kiệm thời gian di chuyển. “Tôi đi từ nhà ra sân bay Nội Bài cũng phải tính toán đi trước cả tiếng rưỡi, vì nhỡ bị kẹt xe ở cầu Nhật Tân… Người dân chắc chắn sẽ lựa chọn hình thức giao thông thông minh nhất, nhanh nhất,” ông nói. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng ngoài mục đích vận tải hành khách, dự án này cũng cần xem xét về khả năng vận tải hàng hóa.

Đại biểu cũng lưu ý rằng cần tiếp tục thảo luận kỹ lưỡng, đánh giá sát sao chi phí của dự án và tình hình giải phóng mặt bằng, nhằm đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ, đúng mục tiêu, tiết kiệm và an toàn.

Tìm nhà thầu chất lượng tốt, không phụ thuộc vốn vay nước ngoài

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng. Ảnh: VGP

Giải trình thêm tại tổ, liên quan đến những lo ngại về đội vốn và chậm tiến độ, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho hay trước đây một số tuyến metro gặp tình trạng này. “Tuy nhiên, với tuyến đường sắt tốc độ cao được nghiên cứu rất kỹ, chỉ ra các nguyên nhân chậm tiến độ ở các dự án trước đây, như việc chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng và chủ yếu sử dụng vốn vay, phụ thuộc đối tác,” ông giải thích.

Theo Bộ trưởng, với dự án này, việc lựa chọn đối tác phải theo hướng tìm được nhà thầu có chất lượng tốt, giá cả hợp lý và buộc chuyển giao công nghệ, không phụ thuộc vốn vay nước ngoài. "Nếu có vay cũng không quá 30% tổng mức đầu tư, chia theo năm khoảng 46.000 tỷ đồng (1,85 tỷ USD/năm). Vay rẻ và cơ chế không ràng buộc để khi thi công xây dựng không phụ thuộc vào các yếu tố ràng buộc khi vay vốn và mức vay không quá 30% nên không phải là vấn đề lớn về tài chính," Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng thông tin rằng tuyến đường sắt có 85 đoàn tàu. Tàu chạy tốc độ 350km/h chỉ dừng ở 5 ga, thời gian chạy từ Hà Nội – TP Hồ Chí Minh là 5 tiếng rưỡi. Ngoài ra, cũng có loại tàu chạy tốc độ 280km/h, dừng ở nhiều ga hơn cho người dân lựa chọn với các đoạn tuyến như Hà Nội - Vinh, TP Hồ Chí Minh - Nha Trang.

“Vì vậy sau này khi nhu cầu tăng, công ty khai thác hoặc doanh nghiệp tư nhân có thể đầu tư thêm tàu và thuê đường ray để chạy,” Bộ trưởng Thắng cho hay.

Đỗ Thảo

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/du-an-duong-sat-toc-do-cao-can-rut-kinh-nghiem-tu-nhung-cong-trinh-truoc-do-35600.html