Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam phải có tính lưỡng dụng

Ngày 13/11, Quốc hội về tổ thảo luận về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam.

Trước khi thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết, tuyến đường sắt bắt đầu tại TP Hà Nội (ga Ngọc Hồi) và kết thúc tại TP. Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm) đi qua địa phận 20 tỉnh, thành, chiều dài tuyến khoảng 1.541km.

Ông Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Nguyễn Văn Thắng trình bày tờ trình (Ảnh: Quang Vinh)

Theo ông Thắng, về quy mô đầu tư, xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam là đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục. Vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Chính phủ đề xuất sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827ha, số dân tái định cư khoảng 120.836 người. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.548 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn để đầu tư hoàn thành dự án vào năm 2035, bố trí vốn trong khoảng 12 năm (từ năm 2025-2037).

Thẩm tra vấn đề trên, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, cần nghiên cứu, xem xét thận trọng về hạn mức 20% tổng số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước, và về khả năng đáp ứng của nguồn lực ngân sách nhà nước cũng như an toàn nợ công.

Ông Vũ Hồng Thanh thẩm tra dự án (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Vũ Hồng Thanh thẩm tra dự án (Ảnh: Quang Vinh)

“Sau thời gian dự kiến hoàn thành của dự án (năm 2035), từ năm 2036-2066, chi phí vận hành, bảo trì dự án hằng năm đều ở mức trên 25.000 tỷ đồng và chưa rõ phương án chi trả. Vì vậy để có cơ sở Quốc hội xem xét, quyết định, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về phương án bố trí vốn và khả năng cân đối vốn ngân sách nhà nước sử dụng cho dự án”-ông Thanh nêu rõ.

Cho rằng đây là thời điểm “chín muồi” để triển khai dự án, tuy nhiên ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) băn khoăn khi tính lưỡng dụng của dự án chưa được rõ ràng, làm sao không chỉ chờ người mà phải vận chuyển cả hàng hóa để phục vụ cho xuất khẩu như: hoa quả, cá, tôm.

Ông Nguyễn Anh Trí phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Nguyễn Anh Trí phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Trí cũng băn khoăn làm sao khai thác làm sao cho hiệu quả dự án này, vì mỗi năm kinh phí vận hành là 1 tỷ USD (trên 25.000 tỷ đồng). “Thời gian hoàn thành khởi công dự án từ năm 2027 và xong vào năm 2035 là một thách thức do đó cần nhanh hơn quá trình xây dựng dự án. Vì xây càng nhanh càng có lợi, giúp giảm tắc đường”-ông Trí nói.

ĐB Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cũng cho rằng, cần thiết phải xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Bắc-Nam vì chúng ta có chiều dài đất nước theo chiều dọc với các vùng kinh tế trọng điểm. Do đó cần thiết có sự kết nối với các vùng kinh tế để tạo sự lan tỏa, tránh tình trạng tập trung vào một số thành phố lớn, còn các nơi khác nằm trên trục đó nhưng không phát triển được.

Theo ông Cường, điểm nghẽn hiện nay là vấn đề logistic, không hút được đầu tư phát triển, nên khi xây dựng xong tuyến này sẽ giải quyết điểm nghẽn về logictic, nhất là vận tải hàng hóa Bắc-Nam.

Ông Hoàng Văn Cường phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Hoàng Văn Cường phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

“Hiện nay xuất khẩu hàng hóa đang nghiêng về 1 thị trường rất lớn. Do đó phải đẩy mạnh thị trường sang khu vực Châu Âu và Trung Đông. Cho nên không có con đường nào khác hơn là đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam. “Phát triển đường sắt kết nối với hệ thống đường sắt sẽ giải quyết được vấn đề xuất khẩu hàng hóa. Tôi kỳ vọng phát triển đường sắt này để giải quyết vấn đề logictic, vận chuyển hàng hóa phục vụ xuất khẩu, kết nối được với quốc tế”-ông Cường nói.

Tuy nhiên, ông Cường băn khoăn khi tuyến đường sắt đề xuất chỉ vận chuyển hành khách, còn vận chuyển hàng hóa chỉ trong trường hợp cần thiết.

Ông Cường chỉ rõ, hiện giờ hàng hóa đang phải vận chuyển trên đường bộ là chủ yếu. Vì thế đề nghị tuyến này là lưỡng dụng, bao gồm cả hàng hóa và hàng khách để giải quyết nhu cầu vận tải hàng cho liên thông quốc tế. Nếu không liên thông quốc tế sẽ là “cái bẫy” trong quá trình đầu tư. Đặc biệt chúng ta phải làm chủ công nghệ, là nhà đầu tư, nhà thầu chứ không thể đi thuê nhà thầu nước ngoài. Bây giờ đi mua thiết bị, dự án khi hoàn thành xong lại tiếp tục lệ thuộc vào thiết bị, vận hành, sửa chữa. Như vậy trở thành gánh nặng, món nợ cho tất cả đời sau.

Ông Nguyễn Trúc Anh phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Nguyễn Trúc Anh phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

ĐB Nguyễn Trúc Anh (Đoàn Hà Nội) cũng nhận định, đường sắt Việt Nam đang phát triển rất chậm so với các nước trên thế giới. Ông Anh cho rằng, cần phải nhìn vấn đề này thành một chương trình trọng điểm cấp quốc gia, chương trình nâng cấp ngành đường sắt và công nghiệp phụ trợ; đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam là một dự án trong chương trình này.

“Đường sắt đô thị rất quan trọng. Tôi chưa hình dung trong vòng 30 năm tới, một hình thức vận tải nào có thể thay thế đường sắt đô thị, nhất là các đô thị trên 1 triệu dân”-ông Anh nói.

Quang Vinh, Việt Thắng

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/du-an-duong-sat-toc-do-cao-tren-truc-bac-nam-phai-co-tinh-luong-dung-10294390.html