Dự án hồ chứa nước hơn 4.400 tỷ đồng 14 năm vẫn chưa hẹn ngày về đích
'Sau 14 năm thi công, hồ Bản Mồng vẫn chưa chặn dòng, tích nước, phát điện được', Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội lưu ý.
Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội vừa có báo cáo kết quả giám sát việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 135 năm 2020 của Quốc hội về chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện Dự án Hồ chứa nước Bản Mồng. Dự án có vốn đầu tư ban đầu là 4.455 tỷ đồng.
Dự án nghìn tỷ 14 năm vẫn chưa rõ ngày hoàn thành
Theo Ủy ban này, công tác giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư khu vực ngập lòng hồ còn chậm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành giai đoạn I của Dự án.
Sau 14 năm thi công, hồ Bản Mồng vẫn chưa chặn dòng, tích nước, phát điện được. Từ tháng 10/2020 tới nay, một số hạng mục xây dựng phải tạm dừng để chờ di dân, giải phóng mặt bằng khu vực ngập của lòng hồ và vẫn phải duy trì duy tu, bảo dưỡng các hạng mục đã xây dựng.
"Hơn 14 năm qua, đời sống người dân bản Thanh Sơn, xã Thanh Hòa, huyện Như Xuân, Tỉnh Thanh Hóa không ổn định, không xây dựng đường giao thông, trường học, trạm xá do thuộc diện di dời", Ủy ban của Quốc hội đánh giá.
Dự án tạm dừng sau khi khởi công từ năm 2010. Đến năm 2017, sau khi Dự án được triển khai lại, pháp luật về lâm nghiệp có nhiều thay đổi, Dự án kéo dài dẫn đến đơn giá xây dựng tăng, đặc biệt là Hợp phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án tăng từ 860 tỷ đồng lên 1.906 tỷ đồng. Bộ NN&PTNT báo cáo và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, đã phê duyệt điều chỉnh một số thông số kỹ thuật, vốn đầu tư, và thời gian hoàn thành Dự án.
Do phát sinh tiêu chí diện tích rừng cần chuyển mục đích sử dụng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương của Quốc hội, nên năm 2020, Chính phủ đã trình Quốc hội quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng 1.131,22ha rừng, trong đó có 312,95ha rừng phòng hộ đầu nguồn. Tại Nghị quyết số 135, Quốc hội đã đồng ý chủ trương này.
Đến nay, theo báo cáo của Ban Quản lý đầu tư và xây dựng 4, Bộ NN&PTNT, cụm công trình đầu mối đã thi công đạt 94% khối lượng. Tuy nhiên, từ tháng 10/2020 đến nay, do thiếu vốn giải phóng mặt bằng khu vực lòng hồ nên các công trình đầu mối phải dừng thi công để tránh ngập lụt lòng hồ; tràn xả lũ tạm dừng ở cao độ +54,5m/ +63,6m. Vì vậy, hồ chưa tích được nước, ảnh hưởng đến các mục tiêu tưới, phòng lũ và phát điện của Dự án.
Tổng diện tích đất vùng lòng hồ bị ảnh hưởng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa là 681,28 ha, trong đó có 586 ha rừng phải chuyển đổi mục đích sử dụng. UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng phương án di dân, tái định cư cho 119 hộ dân khu vực này với tổng nguồn vốn dự kiến là 82,3 tỷ đồng (chưa bao gồm nguồn vốn cho trồng rừng thay thế).
Theo báo cáo giám sát, đã hơn 10 năm qua, người dân không thể sửa chữa nhà cửa, không thể tách hộ, không thể giao dịch bất động sản, và chịu ảnh hưởng rất lớn từ dự án khi không thể canh tác, phát triển sản xuất nông nghiệp; đồng thời, chính quyền địa phương cũng không đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, trường học.
"Mặc dù dự án nhận được sự đồng thuận rất cao, người dân sẵn sàng di dời, chuyển đến nơi ở mới để ổn định đời sống, sản xuất, nhưng đến nay dự án vẫn chưa được bố trí vốn để triển khai hợp phần này", Ủy ban của Quốc hội lưu ý.
Dự án thiếu vốn, có tiền chưa thể phân bổ
Ngoài ra, dự án cũng đang lâm cảnh thiếu vốn. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, nguồn vốn để thực hiện Dự án của giai đoạn 1 mới bố trí 3.744 tỷ đồng. Trong khi, nguồn vốn để hoàn thành giai đoạn 1 của dự án cần bổ sung là 1.574 tỷ đồng (được rà soát, đề xuất bổ sung sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 135).
Để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 1 của Dự án, tức là chặn dòng, tích nước hồ chứa phục vụ tưới tiêu và kết hợp phát điện; tích nước phòng lũ và chuyển nước cho hạ du vào mùa kiệt thì cần bổ sung nguồn vốn là 1.574 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình chờ đợi phê duyệt điều chỉnh đầu tư Dự án thì một số hạng mục của Dự án tiếp tục biến động tăng. Cụ thể, suất đầu tư trồng rừng thay thế của tỉnh Thanh Hóa tăng từ 74,2 tỷ lên 131,4 tỷ (tăng 57,192 tỷ đồng).
Hiện Tỉnh Thanh Hóa đang đề nghị chủ trương điều chỉnh kinh phí thực hiện hợp phần giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư từ 360,76 tỷ đồng lên 417,95 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, Dự án chưa được phê duyệt điều chỉnh bổ sung mức đầu tư. Bộ NN&PTNT đã bố trí đủ nguồn vốn bổ sung cho Dự án (từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025) nhưng vẫn đang chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh Dự án thì mới có đủ căn cứ pháp lý để phân bổ.
Để dự án sớm hoàn thành đưa vào hoạt động, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo tháo gỡ khó khăn và báo cáo Quốc hội về việc xác định thẩm quyền quyết định điều chỉnh bổ sung kinh phí đối với dự án này.