Dự án Luật Dữ liệu: Tránh chồng chéo đảm bảo tính khả thi luật

Chiều 24/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Dữ liệu. Nhiều đại biểu cho biết, đây là dự án luật hoàn toàn mới và khó, cần cẩn trọng trước những yếu tố mới.

Video Đại biểu Lê Thanh Hoàn, Đoàn ĐBQH Thanh Hóa chia sẻ:

Đảm bảo chất lượng dữ liệu

Nhiều đại biểu bày tỏ sự nhất trí về sự cần thiết ban hành Luật Dữ liệu với những cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Về cơ sở chính trị, nội dung tại dự án Luật đã thể chế hóa được chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về giải pháp đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số trong những năm gần đây.

Về cơ sở pháp lý, dự án Luật đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp với hệ thống pháp luật hiện hành. Dự án Luật Dữ liệu có phạm vi điều chỉnh liên quan đến nhiều văn bản luật, dự án luật đang được xây dựng. Các vấn đề liên quan đến tạo lập, sử dụng, khai thác và quản lý dữ liệu hiện đang được quy định rải rác ở các Luật như Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử, Luật Công nghệ thông tin, Luật Căn cước công dân, Luật Lưu trữ... và một số luật đang trong quá trình soạn thảo như Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho biết, Điều 11 quy định về bảo đảm chất lượng dữ liệu là hết sức cần thiết, nhưng dự án Luật chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo đảm chất lượng dữ liệu. Dự thảo có quy định các cơ quan, tổ chức quản lý cơ sở dữ liệu có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan để thường xuyên cập nhật, điều chỉnh bảo đảm chất lượng dữ liệu trong quá trình khai thác sử dụng. Do đó, để đảm bảo dữ liệu đưa vào cơ sở dữ liệu tổng hợp Quốc gia đúng, đủ, sạch như mục tiêu chính sách đã nêu, cần quy định cơ quan chủ trì hoặc kiểm soát để đảm bảo chất lượng dữ liệu.

Đại biểu Nguyễn Việt Thắng cũng nêu thực tế, chỉ riêng những dữ liệu về con người như các lĩnh vực dân cư, dân số, bảo hiểm y tế… còn vênh nhau khá nhiều. Bởi vì, quy định về cách điều tra, thống kê, thu thập dữ liệu khác nhau, dẫn đến kết quả thực hiện sẽ khác nhau. Do đó, cần phải kiểm soát, bảo đảm chất lượng dữ liệu nhằm giúp cho việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế- xã hội được thuận lợi; hoạch định chính sách chính xác hơn.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn, Đoàn ĐBQH Thanh Hóa cho biết, trong trình bày dự án Luật Dữ liệu của Bộ Công an cho thấy không có chồng chéo, mâu thuẫn với luật nào. Một số Luật liên quan như: Luật Đầu tư, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Quy hoạch... cần có bổ sung nhưng cơ bản không có mâu thuẫn. Tuy nhiên, Đại biểu Lê Thanh Hoàn băn khoăn tại khoản 4, Điều 4 trong dự thảo Luật Dữ liệu nêu có điểm còn chưa yên tâm với phạm vi điều chỉnh trong các luật liên quan. Vì vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát kỹ là sửa những vấn đề gì, nội dung nào.

Bước đệm cho Trung tâm dữ liệu quốc gia

Khẳng định sự cần thiết phải có Trung tâm dữ liệu quốc gia, Đại biểu Trần Văn Lâm, Đoàn ĐBQH Bắc Giang cũng nêu rõ, hiện nay các cơ sở dữ liệu đều đang phân tán, mỗi UBND, sở, ngành lại có một cơ sở dữ liệu riêng, sau đó tập trung về cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia. Nhưng Đại biểu Trần Văn Lâm cho rằng, khi tập hợp nên giữ nguyên bản sao, bản dự phòng cơ sở dữ liệu ở các đơn vị; tránh tập trung một đầu mối là cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia.

Lý giải điều này, Đại biểu Trần Văn Lâm cho biết: "Trong trường hợp cơ sở dữ liệu quốc gia bị tê liệt sẽ rất khó khăn. Do đó, cần duy trì hình thức cơ sở dữ liệu phân tán và tập trung. Cơ sở dữ liệu phân tán bị hỏng thì có thể lấy cơ sở dữ liệu tập trung và đưa trở lại phân tán, tập trung có sự cố thì còn cơ sở dữ liệu phân tán, để bảo đảm an toàn hệ thống".

Đại biểu Trần Văn Lâm đề nghị dự án Luật Dữ liệu cần làm rõ cơ chế xử lý sai phạm, nhất là thời gian qua có nhiều vi phạm liên quan đến an ninh dữ liệu, quyền riêng tư.

Video Đại biểu Nguyễn Quốc Hùng, Đoàn ĐBQH Hà Nam chia sẻ:

Đại biểu Nguyễn Quốc Hùng, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho ý kiến về tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật; tính khả thi của các quy định trong dự thảo Luật; về Sàn giao dịch dữ liệu (tại Điều 53) cần rà soát để đảm bảo với các quy định của pháp luật khác có liên quan như: Luật Giao dịch điện tử, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Viễn thông...

Đại biểu Nguyễn Quốc Hùng, Đoàn ĐBQH Hà Nam cho rằng, dự án Luật Dữ liệu bàn ở thời điểm này là muộn so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Dự án Luật Dữ liệu là luật hoàn toàn mới và khó bởi trong thời gian ngắn với khối lượng công việc khá nhiều. Vì vậy, cần các ý kiến đóng góp.

Khẳng định việc hình thành Trung tâm dự phòng là cần thiết, Đại biểu Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, cần phải chuẩn bị cơ sở vật chất không bị chậm mất. Đây là một bước để triển khai Trung tâm dữ liệu quốc gia. Về an ninh và an toàn là điều chúng tôi hết sức quan tâm... Vì vậy, cần chia sẻ với khó khăn của cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm định. Về việc phân tầng dữ liệu, chúng ta không cung cấp ngay vì chưa đảm bảo an ninh an toàn, nhưng có thể mở từ từ. Hiện nay các dữ liệu bộ, ngành địa phương mỗi nơi làm một kiểu, nên chưa thể đồng bộ để kết nối. Nên cần thiết phải có trung tâm dự phòng khi có sự cố về dữ liệu. Các cơ quan chức năng đều biết việc này và phải chuẩn bị nhiều năm để triển khai luật.

Lê Vân/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/thoi-su/du-an-luat-du-lieu-tranh-chong-cheo-dam-bao-tinh-kha-thi-luat-20241024194450892.htm