Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi): Nhiều quy định ưu việt bảo vệ quyền con người

Tiếp tục Kỳ họp thứ Bảy, sáng nay, 8.6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) và dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp tại Tổ 13 gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Bắc Ninh, Đắk Lắk, Lạng Sơn và Hậu Giang.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự phiên họp tại Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Bổ sung ưu tiên với đối tượng nạn nhân yếu thế

Các đại biểu Quốc hội Tổ 13 cơ bản nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người; đánh giá nội dung của dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) cơ bản đã thể chế hóa đầy đủ, toàn diện, phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về lĩnh vực này, Hiến pháp năm 2013.

ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đánh giá, dự thảo Luật đã cơ bản thể hiện khá đầy đủ 3 nhóm chính sách được Chính phủ đưa ra trong đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm: hoàn thiện quy định về căn cứ xác định nạn nhân; quy định chế độ hỗ trợ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; hoàn thiện quy định để nâng cao chế độ, chính sách hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân.

Quang cảnh thảo luận Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

Quang cảnh thảo luận Tổ 13. Ảnh: Lâm Hiển

"Việc sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 góp phần thực hiện tốt hơn trách nhiệm thành viên của Việt Nam đối với các điều ước quốc tế".

Nhấn mạnh điều này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng nêu rõ, các quy định của dự thảo Luật đã cơ bản tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia. Trong đó, thuật ngữ “mua bán người” được thiết kế theo hướng liệt kê cụ thể các hành vi, thủ đoạn, mục đích của hành vi phạm tội; thuật ngữ “nạn nhân” đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng chặt chẽ hơn với việc xác định cơ quan có thẩm quyền, nội luật hóa cụ thể trên cơ sở các quy định tương tự trong các điều ước quốc tế.

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Dự thảo Luật cũng xây dựng một loạt các điều khoản quy định về quyền của nạn nhân, về tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân, bảo vệ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân và người thân thích của họ (Điều 6, các điều tại Chương IV…).

Theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, điều này cho thấy tính ưu việt so với Luật năm 2011 trong việc bảo vệ quyền con người, thực hiện một cách thiện chí các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, như: các cam kết từ Điều 6 đến Điều 13 của Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, bổ sung Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc (sau đây gọi tắt là Nghị định thư); Chương 4 Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (sau đây gọi tắt là Công ước ACTIP,…).

Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất của các quy định trong dự thảo Luật với hệ thống pháp luật (Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Trẻ em, Bộ luật Lao động, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật,…), tính tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo Luật mẫu về phòng, chống mua bán người (bản mới nhất năm 2020) là văn bản khuyến nghị được xây dựng bởi Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC) nhằm giúp các quốc gia trong việc nghiên cứu xây dựng một đạo luật chuyên ngành riêng về phòng, chống mua bán người trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.

Xuất phát từ đặc điểm tình hình mua bán người ở Việt Nam (địa bàn, đối tượng bị mua bán) chủ yếu diễn ra ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn về kinh tế - xã hội, cho nên về địa bàn, khoản 4 Điều 5 dự thảo Luật đã thiết kế quy định “Hằng năm, Nhà nước bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”.

Tuy vậy, theo đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, về đối tượng, nạn nhân bị mua bán đa dạng song tập trung khá nhiều vào đối tượng yếu thế (phụ nữ, trẻ em), do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung sự ưu tiên nhất định đối với đối tượng nạn nhân yếu thế.

Hỗ trợ tín dụng - quy định cụ thể trong luật sẽ khó triển khai?

Về quyền và nghĩa vụ của nạn nhân tại Điều 6, ĐBQH Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) đề nghị bổ sung thêm quyền "được hỗ trợ đào tạo nghề, giới thiệu việc làm" để nạn nhân sau khi trở về có công việc tạo thu nhập, qua đó ổn định cuộc sống, không trở thành đối tượng bị mua bán người.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Lam (Hậu Giang) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Theo quy định tại khoản 1, Điều 6, quyền của nạn nhân gồm có 8 quyền cụ thể, trong đó phân rõ giữa quyền lợi và nghĩa vụ của nạn nhân, tăng nhiều quyền so với Luật Phòng, chống mua bán người năm 2012.

"Tuy nhiên, trong thực tế, nạn nhân sau khi bị mua bán người trở về thường khó hòa nhập cộng đồng, không có được nguồn thu nhập ổn định nếu không có sự trợ giúp của gia đình, các cơ quan, đoàn thể địa phương", đại biểu Lê Thị Thanh Lam nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Quan tâm đến các chính sách hỗ trợ nạn nhân mua bán người, ĐBQH Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đắk Lắk) dẫn quy định về hỗ trợ vay vốn tại Điều 43 và cho rằng, nếu quy định như dự thảo Luật thì có thể nạn nhân mua bán người sẽ không tiếp cận được chính sách này.

Cụ thể, theo Điều 43, nạn nhân mua bán người khi trở về nơi cư trú có nhu cầu vay vốn để sản xuất, kinh doanh thì được xem xét cho vay tại Ngân hàng Chính sách Xã hội với các chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt cho biết, quy định hiện hành về đối tượng vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội thì nạn nhân mua bán người không thuộc đối tượng cho vay.

Như vậy, quy định như dự thảo Luật, khi nạn nhân trở về nơi cư trú nếu không thuộc các đối tượng được hỗ trợ vay vốn theo quy định của pháp luật thì sẽ không được xem xét cho vay, không tạo điều kiện cho nạn nhân bị mua bán trở về có công ăn việc làm ổn định, sớm tái hòa nhập cộng đồng.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt đề nghị, để bảo đảm tính khả thi, cần nghiên cứu bổ sung quy định về chính sách tín dụng riêng của Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về địa phương.

Thông tin thêm về vấn đề nêu trên, ĐBQH Nguyễn Anh Tuấn (Bắc Ninh) - Tổ trưởng Tổ 13 cho biết, các đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ tín dụng được đưa vào Quyết định đặc thù của Thủ tướng theo điều lệ hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội hiện nay.

"Rất nhiều đối tượng đặc thù, yếu thế đã được thực hiện tín dụng chính sách. Nếu quy định cụ thể trong Luật thì khó cho việc triển khai cụ thể vì liên quan đến nhiều vấn đề như: bù lãi suất, thời hạn vay, thời gian trả nợ, phương thức trả nợ...", đại biểu Nguyễn Anh Tuấn nói.

Trước đó, trong báo cáo thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị bổ sung quy định chính sách tín dụng riêng của Ngân hàng Chính sách xã hội đối với nạn nhân bị mua bán trở về.

Nguyễn Bình

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-tri/du-an-luat-phong-chong-mua-ban-nguoi-sua-doi-nhieu-quy-dinh-uu-viet-bao-ve-quyen-con-nguoi-i374723/