Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên: Nghiêm khắc nhưng bảo đảm tính nhân văn

Sáng 8-6, thảo luận tại Đoàn Hà Nội, các đại biểu đều khẳng định sự cần thiết cũng như tính nhân văn cao của dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Nga Vân

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai điều hành phiên thảo luận. Ảnh: Nga Vân

Theo đại biểu Lê Quân, dự án Luật là bước tiến mới trong công tác tư pháp nhằm bảo đảm quyền của người chưa thành niên. Tuy nhiên, trước nhiều ý kiến băn khoăn về một số phương án, nội dung trình ra Quốc hội, đại biểu nêu quan điểm cần đối chiếu và mạnh dạn áp dụng theo các thông lệ quốc tế liên quan đến người chưa thành niên.

“Việc áp dụng có thể phát sinh nhiều công việc, chi phí, thủ tục và cả nhân lực… Tuy nhiên, những phát sinh này có thể được giải quyết trong bối cảnh hiện nay khi chúng ta đang có chuyển biến mạnh mẽ, xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại. Xã hội cũng chú trọng đến công tác xã hội, tâm lý học đường quan tâm đến người chưa thành niên”, đại biểu Lê Quân nêu quan điểm.

Ông Lê Quân cũng đề nghị, trong giai đoạn hiện nay có thể sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, đang được sử dụng tốt vào các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, để mở rộng chức năng, nhiệm vụ giúp giải quyết được mục tiêu trước mắt, đáp ứng yêu cầu bài toán cần nguồn lực để huy động, thực hiện nhiệm vụ. Giai đoạn sau này có thể tính toán các quỹ khác phù hợp hơn.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Nga Vân

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Nga Vân

“Đây là dự án Luật hết sức cần thiết, khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành. Một số hình phạt không có sự phân hóa giữa người chưa thành niên và người trưởng thành, mức hình phạt có khi quá nghiêm khắc, đôi khi lại quá nhẹ vì không có các quy định áp dụng chuyên biệt, phù hợp”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu.

Đại biểu cũng nhận định, cấu trúc của dự án Luật thể hiện tính nhân văn cao, vừa bảo đảm tính nghiêm khắc trong các hình thức phạt vừa tạo điều kiện để người chưa thành niên được hoàn lương, cơ cơ hội sửa chữa lỗi lầm.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Vân Nga

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Vân Nga

Góp ý chuyên sâu vào nhiều nội dung của Dự án Luật, đại biểu Nguyễn Hữu Chính nêu các ý kiến đối với quy định về xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, hình phạt và các chính sách hình sự chuyên biệt… Về quy định tòa xét xử kín với trường hợp hiếp dâm người chưa thành niên, đại biểu nêu cần bổ sung một số tội danh khác mang tính chất xúc phạm, bôi nhọ danh dự nhân phẩm người chưa thành niên.

Về quan điểm trong vụ án có liên quan đến cả người thành niên và chưa thành niên, đại biểu ủng hộ nên tách vụ án. Về mặt tố tụng, việc tách vụ án không ảnh hưởng đến tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo, tạo cơ hội điều tra truy tố sớm hơn, giảm bớt gánh nặng tâm lý cho bị can chưa thành niên cũng như bảo đảm các yếu tố có lợi cho người chưa thành niên.

Góp ý về nội dung biện pháp ngăn chặn, đại biểu Bùi Huyền Mai tán thành dự thảo Luật bổ sung 2 hình thức khác biệt so với hiện nay là giám sát điện tử và giám sát tại nhà nhằm hạn chế áp dụng biện pháp tạm giam. Tuy nhiên, các quy định tại Điều 131 chưa có hướng dẫn cụ thể về hai hình thức giám sát nêu trên nên cần bổ sung quy định giao Chính phủ hướng dẫn chi tiết thực hiện các hoạt động giám sát.

Xử lý nghiêm hành vi mua bán thai nhi

Cũng trong thảo luận tại tổ sáng nay, các đại biểu góp xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Nga Vân

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội). Ảnh: Nga Vân

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát vì Luật có phạm vi rộng, liên quan đến nhiều luật khác; đồng thời làm rõ thêm tác động của quy định ưu tiên bố trí ngân sách cho công tác phòng, chống mua bán người vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; tính khả thi của quy định bảo vệ, hỗ trợ cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia phòng, chống mua bán người.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang (Đoàn Vĩnh Long) nêu thực tế việc triển khai công tác hỗ trợ còn lúng túng vì chưa có quy trình tiếp nhận nạn nhân phù hợp, hỗ trợ nạn nhân đặc thù, nhất là bất cập trong việc cân đối các khoản chi phí, phiên dịch cho nạn nhân người nước ngoài hay nạn nhân là người dân tộc thiểu số trong quá trình tiếp nhận nạn nhân cũng như lấy lời khai, hỗ trợ nạn nhân lưu trú…

Mặt khác, các dịch vụ hỗ trợ hiện nay thường chú trọng đến việc cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân là nữ, những nhóm nguy cơ khác như nam công nhân, thanh, thiếu niên đặc thù thường ít có hỗ trợ chuyên biệt. Từ đó, nhu cầu, quyền lợi chính đáng của nạn nhân nam và các đối tượng đặc thù khác dường như đang bỏ ngỏ.

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định). Ảnh: Hà Lan

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định). Ảnh: Hà Lan

Đại biểu Lý Tiết Hạnh (Đoàn Bình Định) thể hiện sự băn khoăn về hành vi mua bán thai nhi trong bụng mẹ cũng như nhiều vấn đề liên quan đến thai nhi, tình trạng mang thai hộ không chính đáng… Đối với những hành vi này, đại biểu cho rằng cần phải xử lý nghiêm minh. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung hành vi mua bán thai nhi cũng là một hành vi mua bán người để có căn cứ, xem xét xử lý trách nhiệm hình sự.

Tại Tổ Hà Nội, cũng trong sáng nay, các đại biểu đã thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/du-an-luat-tu-phap-nguoi-chua-thanh-nien-nghiem-khac-nhung-bao-dam-tinh-nhan-van-668740.html