Dự án metro 3,6 tỷ USD nối TP.HCM với Đồng Nai, Bình Dương chờ vốn ngân sách
Theo ước tính, để đầu tư 2 tuyến metro nối Đồng Nai, Bình Dương với TP.HCM cần khoảng 3,6 tỷ USD. Trong bối cảnh không huy động được các nguồn vốn khác, thì vốn đầu tư công vẫn là phương án khả dĩ nhất.
Đề xuất dùng vốn đầu tư công
Sở Giao thông -Vận tải TP.HCM đã hoàn thiện báo cáo phương án đầu tư kéo dài tuyến đường sắt đô thị số 1, tuyến Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đến Bình Dương và Đồng Nai.
Theo phương án đầu tư được công bố, dự án này có tổng chiều dài 53,3 km, được chia làm 3 đoạn. Đoạn 1 từ ga Bến xe Suối Tiên đến ga Bình Thắng, tỉnh Bình Dương (viết tắt ga S0) dài 1,8 km, tổng vốn gần 3.000 tỷ đồng, do TP.HCM chịu trách nhiện đầu tư. Đoạn 2, từ ga S0 đi TP. Tân Uyên (Bình Dương) dài 31,3 km với 14 ga và 1 depot, tổng vốn gần 52.000 tỷ đồng, do Bình Dương đầu tư. Đoạn 3 từ ga S0 đi, huyện Trảng Bom (Đồng Nai) dài 20 km với 11 ga và 1 depot, tổng vốn hơn 31.400 tỷ đồng, do Đồng Nai đầu tư.
Sơ bộ khái toán tổng mức đầu tư của dự án kéo dài tuyến metro số 1 khoảng 86.150 tỷ đồng (hơn 3,6 tỷ USD). Trong đó, chi phí xây dựng là 1,3 tỷ USD (tương đương 32.132 tỷ đồng), chi phí thiết bị 991 triệu USD (23.414 tỷ đồng), chi phí giải phóng mặt bằng là 460 triệu USD (10.859 tỷ đồng), ngoài ra là các chi phí khác như quản lý dự án, tư vấn, dự phòng… Nguồn vốn đầu tư được Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM đề xuất là vốn đầu tư công.
Liên quan dự án này, đầu tháng 7/2023, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam để cung cấp 6.244 triệu yên (tương đương 1.093 tỷ đồng) vốn ODA để tỉnh Bình Dương xây dựng hạ tầng kết nối với tuyến đường sắt đô thị số 1 của TP.HCM tại ga Suối Tiên. Tuy nhiên, với tổng mức đầu tư 52.000 tỷ đồng để xây dựng tuyến đường sắt kết nối từ Bình Dương đến TP.HCM, thì số vốn hơn 1.000 tỷ đồng vay ODA chỉ giải quyết được một phần rất nhỏ.
Trông chờ nguồn vốn từ đấu giá đất
Để có nguồn vốn đầu tư cho các dự án hạ tầng, nhiều tỉnh, thành phố trong vùng Đông Nam bộ như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai đang ráo riết thực hiện việc đấu giá đất dọc các tuyến đường bộ và các tuyến metro để có nguồn vốn đầu tư trở lại cho hạ tầng.
Tại TP.HCM, các sở, ngành đang xây dựng kế hoạch đấu giá đất dọc đường Vành đai 3, dự kiến thu về 27.000 tỷ đồng. Thành phố cũng đang rà soát quỹ đất dọc tuyến metro số 1 để thực hiện đấu giá, dự kiến thu về hàng chục ngàn tỷ đồng để đầu tư trở lại cho hạ tầng.
Còn tại Đồng Nai, địa phương này đã lên kế hoạch tiến hành thu hồi 21 khu đất dọc 9 tuyến đường giao thông để đấu giá, dự kiến thu về 42.843 tỷ đồng. Theo kế hoạch, Đồng Nai sẽ dùng số tiền đấu giá được từ đất để đầu tư cho hạ tầng giao thông.
Tương tự, Bình Dương cũng lên phương án đấu giá 36 khu đất với diện tích 17.925 ha dọc đường đường Vành đai 3 và 4 (TP.HCM), cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành… để lấy vốn đầu tư hạ tầng.
Ông Benedict Eijbergen, Giám đốc Ban Quản lý giao thông khu vực Đông Á - Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị TP.HCM và các tỉnh lân cận nên phát triển mạng lưới đường sắt đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) và phương thức đầu tư đối tác công - tư (PPP). Khi phát triển giao thông công cộng sức chở lớn sẽ tận dụng quy hoạch hành lang xung quanh các nhà ga metro để gia tăng giá trị từ đất. Từ đó, có thể tạo nguồn thu nhiều hơn từ bán vé và nguồn thu từ khai thác quỹ đất.
Hiện nay, TOD kết hợp với PPP đang triển khai rộng rãi và thành công tại các dự metro ở nhiều quốc gia như Brazil, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Ấn Độ… “Phương án này rất khả thi, tạo nguồn vốn quan trọng, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, mang lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia”, ông Benedict Eijbergen nhấn mạnh.
Đồng tình với phương án do chuyên gia của WB đưa ra, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP.HCM cho biết, đây là phương án mà TP.HCM đã tính tới vì quỹ đất xung quanh các nhà ga metro rất hấp dẫn nhà đầu tư. Ông Lâm cho biết, phương án khai thác quỹ đất xung quanh nhà ga metro đã được Sở Giao thông - Vận tải TP. HCM hoàn thiện và gửi đến UBND TP.HCM phê duyệt.
Hiện nay, các khu đất dọc các tuyến đường lớn hoặc vùng phụ cận sân bay Long Thành đang nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà đầu tư. Và phương án đấu giá đất dọc các tuyến đường là hoàn toàn khả thi. Nếu như các phương án đấu giá đất của TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai thực hiện theo đúng kế hoạch, thì các địa phương sẽ có thêm nguồn tiền để đầu tư các tuyến metro kết nối liên vùng.