Dự án nâng cấp luồng Cái Mép-Thị Vải 1.420 tỷ khi nào khởi công?
Ban QLDA Hàng hải đang tích cực triển khai các thủ tục, phấn đấu khởi công dự án trong quý 3/2022 hoặc quý 4/2022 theo đúng chỉ đạo của Bộ GTVT.
Tàu cập cảng Cái Mép - Thị Vải
Liên quan đến tiến độ thực hiện dự án nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải, đại diện Ban QLDA Hàng hải cho biết, đơn vị đang tổ chức lựa chọn tư vấn thiết kế và tư vấn môi trường.
Theo đó, hồ sơ mời thầu mới được phát hành vào đầu tháng 3/2022. Ban QLDA đang tích cực hoàn thiện hồ sơ lựa chọn tư vấn để triển khai các thủ tục tiếp theo, phấn đấu khởi công dự án trong quý 3/2022 hoặc quý 4/2022 theo đúng chỉ đạo của Bộ GTVT.
Được biết, dự án nâng cấp luồng hàng hải vào khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải sơ bộ có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1.420 tỷ đồng. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến bố trí vốn khoảng 1.278 tỷ đồng.
Theo chủ trương đầu tư được Bộ GTVT phê duyệt, dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng container Cái Mép được thực hiện nhằm hình thành và phát triển cảng đầu mối cửa ngõ quốc tế, thu hút hàng hóa trung chuyển trong khu vực.
Cụ thể, đoạn luồng từ phao số “0” đến thượng lưu bến cảng container quốc tế Cái Mép (CMIT) sẽ được nâng cấp với chiều dài 30,5km; bề rộng đáy luồng 350m; cao độ đáy -15,5m (hải đồ) cho tàu 160.000 DWT đủ tải (cho phép tránh nhau với tàu đến 50.000 DWT), tàu 120.000 DWT khai thác hai chiều và tàu 200.000 DWT/18.000 TEU giảm tải hoặc lớn hơn khai thác một chiều.
Đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng CMIT đến thượng lưu bến cảng container Tân cảng Cái Mép (TCIT và TCCT) được nâng cấp với chiều dài 3,2km; bề rộng đáy luồng 310m; cao độ đáy luồng -14m, cho tàu 120.000 DWT đủ tải (cho phép tránh nhau với tàu đến 60.000 DWT), tàu 100.000 DWT khai thác hai chiều và tàu 160.000 DWT giảm tải hoặc lớn hơn khai thác một chiều.
Đoạn luồng từ thượng lưu bến cảng container TCIT và TCCT đến bến cảng khởi động Phước An cho tàu 60.000 DWT đầy tải hoặc lớn hơn khai thác một chiều.
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa thông qua, Cái Mép – Thị Vải (CM-TV) thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu (BR-VT) sẽ là 1 trong 2 cảng biển đặc biệt của cả nước, có chức năng là cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế.
Quy hoạch chỉ rõ CM-TV thuộc nhóm cảng biển số 4 với tổng cộng 9 khu bến và bến cảng, gồm khu bến Cái Mép, Phú Mỹ, Mỹ Xuân (trên sông Thị Vải), Sao Mai – Bến Đình, Long Sơn, Sông Dinh; bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu, Côn Đảo và các bến cảng dầu khí ngoài khơi phục vụ các mỏ…
Trong đó, khu bến Cái Mép có chức năng là cảng cửa ngõ, cảng trung chuyển quốc tế, có bến container, tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí. Đây là khu cảng có thể đón được tàu container có trọng tải từ 80.000 – 250.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện. Khu bến Thị Vải được quy hoạch phục vụ phát triển kinh tế – xã hội liên vùng, có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí. Khu vực này quy hoạch để đón tàu có trọng tải đến 100.000 tấn tại Phú Mỹ hoặc lớn hơn, đón tàu 60.000 tấn tại Mỹ Xuân và 30.000 tấn phía thượng lưu cầu Phước An.
Khu bến Sao Mai – Bến Đình có chức năng phục vụ dịch vụ dầu khí và phát triển kinh tế – xã hội địa phương, nơi đây có thể đón tàu có trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn; khu bến cảng khách quốc tế Vũng Tàu thì có chức năng là bến cảng khách quốc tế phục vụ phát triển du lịch; khu bến Long Sơn dùng để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh và khu liên hợp lọc hóa dầu, luyện kim và ngành năng lượng.
Khu bến Sông Dinh, ngoài phục vụ phát triển kinh tế – xã hội còn có bến cảng tổng hợp, hàng lỏng/khí, bến công vụ và bến phục vụ quốc phòng – an ninh.
Bến cảng Côn Đảo là đầu mối giao lưu với đất liền và phát triển kinh tế – xã hội huyện đảo, có cả bến tổng hợp, bến khách, bến du thuyền, bến phục vụ quốc phòng an ninh.