Dự án Phát triển hành lang đường thủy phía Nam: Nâng thị phần vận tải nội địa

Ngân hàng Thế giới (WB) vừa phê duyệt khoản tín dụng trị giá 107 triệu USD cho Dự án Phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam (Dự án). Theo Bộ GTVT, Dự án sẽ sớm được khởi công nhằm mục tiêu tăng khối lượng hàng hóa và giảm thời gian di chuyển dọc theo các hành lang Đông - Tây và Bắc - Nam.

Cảng quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cảng quốc tế Long An (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Giảm 30% khoảng cách vận chuyển

Bà Mariam Sherman, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam, Campuchia và Lào, cho biết: "Các tuyến đường thủy phía Nam của Việt Nam có tiềm năng to lớn trở thành giải pháp giao thông rẻ hơn, xanh hơn và an toàn hơn. Do đó, Dự án trực tiếp hỗ trợ các mục tiêu: tăng cường khả năng cạnh tranh của vận tải đường thủy nội địa, giảm lượng khí thải carbon trong ngành vận tải và nâng cao khả năng cạnh tranh thương mại".

Nội dung chính của Dự án là nâng cấp 2 hành lang đường thủy phía Nam, bao gồm hành lang Bắc - Nam và hành lang Đông - Tây. Theo đó, Dự án sẽ giúp rút ngắn thời gian lưu thông đường thủy nội địa trên hành lang Đông - Tây, giữa các cảng chính ở TPHCM và Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến các cảng ở Cần Thơ khoảng 92km (tương đương 10 giờ chạy tàu). Dự án cũng giúp các tàu đến 5.000T và tàu container 4 lớp chạy dễ dàng trên hành lang Bắc - Nam không phải chờ nước.

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang, sau khi được cải tạo nâng cấp và vận hành thông suốt, Dự án chắc chắn sẽ giúp kéo giảm chi phí vận tải, tăng tính cạnh tranh so với đường bộ, từ đó thị phần vận tải đường thủy sẽ được nâng lên. Đặc biệt, Dự án sẽ phát huy lợi thế của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải trong chuỗi logistics khu vực phía Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nói riêng và cả nước nói chung. Bên cạnh đó, việc chuyển nhiều hàng hóa hơn sang đường thủy nội địa là rất quan trọng để giảm lượng khí thải carbon trong ngành vận tải của Việt Nam.

Ngoài kết nối hệ thống đường bộ theo quy hoạch mạng lưới đường bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng thủy nội địa được đầu tư còn kết nối hàng không, kịp thời phục vụ nhu cầu vận tải hàng hóa, hành khách từ khu vực ĐBSCL đến các đầu mối vận tải hàng không, trong đó có sân bay quốc tế Long Thành dự kiến đưa vào khai thác trước năm 2030. Về kết nối đường sắt, theo quy hoạch mạng lưới đường sắt đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, khu vực phía Nam có tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu khoảng 84km và tuyến TPHCM - Cần Thơ chiều dài khoảng 174km. Các hành lang vận tải thủy sẽ kết nối mạng lưới đường sắt này giúp tăng năng lực vận chuyển hàng hóa thông qua cảng biển khu vực TPHCM và cụm cảng Cái Mép - Thị Vải.

Nhiều hạng mục được nâng cấp

Ban Quản lý Dự án đường thủy (Bộ GTVT) cho biết, địa điểm thực hiện Dự án sẽ nằm ở các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Đồng Nai với diện tích thu hồi đất phục vụ dự án khoảng 59,31ha. UBND các tỉnh sẽ chịu trách nhiệm về việc thực hiện chính sách, kế hoạch tái định cư. Dự án có 3 hợp phần.

 Cảng quốc tế Long An (ấp Vĩnh Hòa, Cần Giuộc, Long An). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cảng quốc tế Long An (ấp Vĩnh Hòa, Cần Giuộc, Long An). Ảnh: HOÀNG HÙNG

Hợp phần thứ nhất là lựa chọn các đoạn của hành lang đường thủy Đông - Tây để cải tạo và nâng cấp cơ sở hạ tầng các vị trí tắc nghẽn, đáp ứng tiêu chuẩn đường thủy nội địa cấp II của Việt Nam, cho tàu có trọng tải đến 600 tấn và tàu container 3 lớp có thể di chuyển toàn thời gian, tàu có trọng tải tới 1.500 tấn có thể di chuyển khi thủy triều lên. Hành lang này có tổng chiều dài khoảng 197km, bao trùm hành lang đường thủy nội địa khu vực ĐBSCL, kết nối cảng Cần Thơ với các cảng ở TPHCM với khoảng cách ngắn nhất. Hợp phần thứ hai là lựa chọn các đoạn của hành lang đường thủy Bắc - Nam, cải tạo các vị trí cơ sở hạ tầng tắc nghẽn của hành lang để cho tàu có trọng tải đến 5.000 tấn và tàu container 4 lớp có thể lưu thông. Hợp phần thứ ba là hỗ trợ triển khai dự án.

Theo kế hoạch, Dự án sẽ tiến hành nạo vét trên 6 tuyến sông, kênh là Trà Ôn, Mang Thít, Chợ Lách, rạch Lá, rạch Kỳ Hôn, sông Tắc Cua; tổng khối lượng nạo vét khoảng 2,66 triệu m3. Dự án cũng sẽ xây dựng kè bảo vệ bờ tại các vị trí sau khi nạo vét luồng có nguy cơ gây sạt lở bờ, mất ổn định cho các công trình dọc tuyến luồng, tổng số hơn 29km, chủ yếu dọc bờ sông Mang Thít, kênh Chợ Lách, rạch Lá. Đặc biệt, Dự án sẽ xây dựng cầu Chợ Lách 2 nằm trên tuyến quốc lộ 57 cũ, đoạn qua thị trấn Chợ Lách với kết cấu cầu dây văng nhịp chính dầm thép, chiều dài 364m. Đồng thời, để hạn chế ảnh hưởng tới người dân sống trong vùng dự án, tuyến đường dân sinh loại 1 nằm ở trung tâm thị trấn Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) sẽ được xây dựng với chiều dài 1.385km. Dự án cũng sẽ xây dựng hoàn trả các tuyến đường dân sinh hoạt tuyến kênh Chợ Lách và sông Mang Thít với chiều dài khoảng 4.583,5m.

Ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường thủy nội địa (Bộ GTVT), cho biết, sau khi Dự án được ký hiệp định vay vốn năm 2024, việc lập và phê duyệt thiết kế kỹ thuật, giải phóng mặt bằng sẽ thực hiện trong các năm 2024-2025; công tác thi công dự kiến hoàn thành năm 2028 để bàn giao và đưa vào khai thác năm 2029.

Dự án Phát triển hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam có tổng mức đầu tư hơn 3.900 tỷ đồng, tương đương 163,34 triệu USD. Trong đó, phần vốn vay của WB 107 triệu USD vừa được phê duyệt, tương đương 2.554 tỷ đồng; phần Chính phủ Australia viện trợ không hoàn lại 0,582 triệu USD, tương đương 13,89 tỷ đồng; phần vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 1.331 tỷ đồng, tương đương 55,76 triệu USD.

MINH DUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/du-an-phat-trien-hanh-lang-duong-thuy-phia-nam-nang-thi-phan-van-tai-noi-dia-post749648.html