'Dự án treo, quy hoạch treo gây lãng phí vô cùng lớn về nguồn lực đất đai'
Tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 ngày 31/10; nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm và bày tỏ kiến nghị về vấn đề lãng phí đất đai, xử lý các dự án treo, quy hoạch treo.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành quan tâm đến vấn đề lãng phí trong vấn đề sử dụng đất, nhất là dự án treo, quy hoạch treo. “Những ai có nhà, có đất nằm trong dự án quy hoạch treo mới thấu hiểu được nỗi khổ của người dân ở đây”, đại biểu nêu ý kiến.
Theo đại biểu, các dự án treo, quy hoạch treo gây lãng phí vô cùng lớn, lãng phí về nguồn lực đất đai, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư của địa phương.
Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4 và dự kiến tháng 10 năm 2023 sẽ được thông qua và có hiệu lực thi hành. Cho rằng từ nay đến khi luật có hiệu lực thi hành khá dài, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát và tháo gỡ những khó khăn cho người dân trong vùng dự án treo, quy hoạch treo.
Cụ thể như: Kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ, đánh thuế cao đối với những diện tích đất không sử dụng; quy định 3-5 năm nếu quy hoạch không triển khai thì đương nhiên không còn giá trị pháp lý. Đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cũng nhận định, nguồn lực về nhà cửa, đất đai đang còn lãng phí rất lớn và cũng là vấn đề có tính nhạy cảm cao; không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển đất nước mà còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm...
“Dễ nhận thấy là qua các vụ án gần đây, liên quan đến cán bộ quản lý Nhà nước đều có bóng dáng của quản lý nhà đất”, đại biểu nêu.
Đại biểu cho biết, theo phụ lục báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát Quốc hội, có 28.000 ha của 900 dự án, công trình chậm, không đưa đất vào sử dụng; nhiều dự án có vướng mắc dẫn đến đất để hoang hóa. Nêu ví dụ ngay tại Lâm Đồng, có 2 sân bay và một khách sạn thuộc đất quốc phòng, nằm ngay giữa khu vực trung tâm 2 thành phố là Đà Lạt và Bảo Lộc, nhưng đã bị lấn chiếm sử dụng không đúng mục đích gây lãng phí.
Pháp luật đã quy định rất rõ ràng việc sử dụng không hiệu quả, hoặc không đưa vào sử dụng đúng mục đích đất quốc phòng thì nên giao cho địa phương để phát triển kinh tế - xã hội và củng cố an ninh quốc phòng.Đại biểu Nguyễn Tạo
Nhiều dự án đội vốn vì chậm triển khai gây lãng phí
Quan tâm tới những vướng mắc, bất cập trong việc ban hành và thực hiện pháp luật về đầu tư công, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (Đoàn Bến Tre) nêu điển hình trường hợp là dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An được phê duyệt từ 2009 nhưng dự án vẫn chưa hoàn thành.
Một dự án khác được đại biểu đề cập là dự án hồ chứa nước Ka Pét thuộc tỉnh Bình Thuận. Đây chỉ là dự án nhóm B, công trình cấp 2 nhưng phát sinh tiêu chí diện tích rừng cần chuyển đổi mục đích sử dụng thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội nên phải mất nhiều thời gian để hoàn thành thủ tục. Đến năm 2019, dự án mới được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, sau đó phải chờ phân bổ vốn.
Khi được phân bổ vốn đầu tư công thì đơn giá xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng, chuyển đổi rừng và trồng rừng thay thế đã tăng rất cao nên phải xin điều chỉnh chủ trương. Dự án đến nay vẫn chưa triển khai được…
Đại biểu cũng nói về vấn đề hệ thống thủy lợi nhưng không được đầu tư đồng bộ, điển hình là dự án thủy lợi Bắc và Nam Bến Tre, dự án JICA 3 của Nhật Bản, bố trí vốn kéo dài hơn 10 năm nên chưa thể khép kín, gây lãng phí và ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Trong quá trình giám sát các dự án, tôi thấy xót xa vì quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư mà nhiều dự án phải đội vốn, trong khi chúng ta luôn phải chắt chiu từng đồng ngân sách.Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy
Từ thực tiễn trên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị bổ sung phụ lục những vướng mắc, bất cập về chính sách, pháp luật; những nội dung cần hoàn thiện, sửa đổi cũng như thẩm quyền và trách nhiệm của cơ quan có liên quan đối với từng nội dung.
Đồng thời đại biểu kiến nghị cần xem xét, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan, cho phép những dự án phát sinh tiêu chí thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội. Khi có phát sinh tăng đúng tiêu chí đó mới phải xin điều chỉnh chủ trương đầu tư của Quốc hội. Còn phát sinh giảm hoặc tăng nhưng ở tiêu chí khác thì ủy quyền cho Chính phủ được điều chỉnh để rút ngắn thời gian và hạn chế nguy cơ tăng đơn giá, chi phí đầu tư do kéo dài thời gian làm thủ tục.
Đối với dự án thuộc thẩm quyền đầu tư của cấp tỉnh, có phát sinh tiêu chí thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì sau khi được Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư thì cho phép Chính phủ được ủy quyền cho địa phương quyết định đầu tư dự án.
Đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ nên ưu tiên bố trí vốn cho những dự án mang tính hệ thống, đồng bộ, liên vùng, mang tính hữu dụng, hiệu quả kép, địa bàn khó khăn, vùng bãi ngang, an toàn khu để gia tăng hiệu quả sử dụng ngân sách.
Đối với danh mục 52 dự án không hiệu quả, đại biểu đề nghị cần phân tích chi tiết dự án, xác định rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, để xử lý kịp thời cũng như xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.
Tại phiên giám sát tối cao về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí sáng 31/10, đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) phát biểu, để có một cán bộ cấp cao, "không thể cân đong số tiền và định lượng công sức Nhà nước, xã hội bỏ ra để đào tạo". Cơ chế, chính sách hiện hành phải ngăn ngừa cán bộ khỏi thấm nhiễm cám dỗ của vật chất, để họ chỉ có một lựa chọn là làm đúng ngay từ đầu; không dám, không thể, không muốn và không cần tham nhũng. Ông nói: “Chính sách, pháp luật phải trở thành phát súng chỉ thiên để cảnh báo những ai muốn vượt qua lằn ranh của thể chế”.