Dự án yếu kém, thua lỗ nghìn tỷ giờ ra sao?
Đến nay một số dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ nghìn tỷ đã có nhiều chuyển biến trong sản xuất, kinh doanh.
Theo báo cáo thực hành tiết kiệm chống lãng phí năm 2022 của Chính phủ, đến nay một số dự án, doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ đã có nhiều chuyển biến trong sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, trong 5 dự án, doanh nghiệp được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giao Tập đoàn Hóa chất (Vinachem) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) sử dụng nguồn vốn hợp pháp của doanh nghiệp để chủ động triển khai phương án xử lý đã có 1 dự án là Nhà máy sản xuất phân bón DAP1 - Hải Phòng của Công ty cổ phần DAP - Vinachem) hết lỗ lũy kế, từ năm 2017 đến nay sản xuất ổn định, hàng năm có lãi.
Một dự án khác có nhiều chuyển biến tích cực là Xơ sợi Polyester Đình Vũ (thuộc PVN). Nhà máy này đã duy trì vận hành sản xuất khai thác tối đa, hiệu quả 27 dây chuyền sợi, doanh thu bù đắp được chi phí biến đổi và có lợi nhuận trước định phí...
Kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm 2021 cho thấy, tổng doanh thu của dự án này đạt 301 tỷ đồng (tăng 49% so với kế hoạch, tăng 182% thực hiện năm 2020); lợi nhuận trước định phí ước đạt 17 tỷ đồng; đến quý I/2022 sản lượng sản xuất sợi DTY là 3.002 tấn (đạt 91% kế hoạch quý I/2022, tăng 49% so với quý I/2021).
Trong 7 dự án, doanh nghiệp còn lại có 3 dự án là sản xuất phân bón, gồm Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình và Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai.
Các dự án trên đã duy trì được sản xuất, kinh doanh; nỗ lực làm chủ công nghệ, từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với công suất thiết kế.
"Mặc dù đến 30/6/2022 còn lỗ lũy kế 13.394 tỷ đồng, song từ năm 2021 đến nay, do thị trường thuận lợi nên kết quả sản xuất, kinh doanh của 3 dự án, doanh nghiệp có cải thiện hơn", báo cáo cho hay.
Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/du-an-yeu-kem-thua-lo-nghin-ty-gio-ra-sao-2148835.html