Dự báo đúng tình hình, có giải pháp đột phá trong phòng, chống tham nhũng
Nhận định tình hình tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa thực sự phát huy hiệu quả, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân, dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá, hiệu quả.
Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn
Theo Báo cáo thẩm tra về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) năm 2024 của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, công tác đấu tranh PCTN tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn. Qua đó, tiếp tục khẳng định công tác đấu tranh PCTN ngày càng hiệu quả, quyết liệt, không chững lại, không chùng xuống, đã trở thành phong trào, xu thế; tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần quan trọng làm trong sạch bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đáng chú ý, nhiều biện pháp phòng ngừa tham nhũng tiếp tục được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện như: Thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ, quy tắc ứng xử; chuyển đổi vị trí công tác để phòng ngừa tham nhũng; kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính tiếp tục được quan tâm. Công tác thanh tra, kiểm toán có nhiều chuyển biến tích cực. “Qua thanh tra, kiểm toán đã kịp thời chấn chỉnh, xử lý vi phạm và kiến nghị thu hồi, xử lý tài chính, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có sai phạm; chuyển các vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra…” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đánh giá...
Đặc biệt, theo bà Lê Thị Nga, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ việc tồn đọng, kéo dài hoặc vụ việc mới phát sinh, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương; trong đó có nhiều vụ án tham nhũng lớn, phức tạp, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm; tích cực áp dụng các biện pháp truy tìm, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Xử lý dứt điểm hậu quả các vụ án tham nhũng
Mặc dù có những bước tiến mới trong công tác PCTNTC, song Ủy ban Tư pháp nhận định, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp, nổi lên là các sai phạm lớn ở một số lĩnh vực như: Quy hoạch, xây dựng, năng lượng, đấu thầu, quản lý tài sản công, quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản... Phương thức, thủ đoạn phổ biến là lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp, lợi dụng ảnh hưởng của người có chức vụ, quyền hạn... để trục lợi. “Tình trạng này cho thấy việc triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng thời gian qua mặc dù đã được quan tâm nhưng còn chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhiều biện pháp phòng ngừa còn mang tính hình thức. Tham nhũng tiếp tục xảy ra ngay trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTNTC. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn còn diễn ra” - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh.
Vấn đề khác cần quan tâm là tài sản phải thu hồi trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế còn tồn đọng lớn, nhiều tài sản phải thu hồi nhưng chưa được làm rõ về tình trạng pháp lý khi tiến hành kê biên, gây khó khăn cho giai đoạn thi hành án.
Đáng chú ý, cơ quan thẩm tra chỉ ra, nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN là thực trạng đã được nhận diện rõ từ nhiều năm qua, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục hiệu quả. Do đó, Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống có hiệu quả.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy cho rằng, cần sớm hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát và đề xuất hoàn thiện pháp luật về các lĩnh vực có liên quan, góp phần vào công cuộc PCTNTC và phòng, chống vi phạm pháp luật nói chung. Cùng với đó, bà Nguyễn Phương Thủy đề nghị, cần rà soát, nghiên cứu và đề xuất các giải pháp cần thiết để có cơ sở pháp lý xử lý một cách dứt điểm, có hiệu quả các vấn đề phát sinh từ hậu quả của các vụ án về tham nhũng.
“Án tham nhũng đã xử xong, nhưng hậu quả còn lại, quyền lợi của các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có liên quan đến hành vi tham nhũng bị ảnh hưởng. Vậy xử lý những việc đó như thế nào? Chúng tôi thấy các cơ quan còn rất nhiều vướng mắc và đến nay cũng chưa thấy báo cáo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những giải pháp để xử lý vấn đề này. Nếu cứ tiếp tục kéo dài như thế này sẽ để lãng phí một nguồn lực rất lớn về đất đai, cũng như các dự án đang triển khai dở phải dừng lại để chờ quyết định của các cơ quan có thẩm quyền” - bà Thủy nêu thực tế và đề nghị vấn đề này cần tập trung xử lý trong năm 2025.
Quan tâm đến các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng, cùng với công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo, để góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, cần quan tâm tới biện pháp về chuyển đổi số trong phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, cần có những mô hình thí điểm hoặc đánh giá tổng kết đậm nét hơn về những kiến nghị trong chuyển đổi số trong công tác PCTNTC thời gian tới./.