Dự báo nhu cầu dầu, 'câu hỏi không dễ có lời giải' của thời đại

Ả Rập Xê-út vừa thông báo sẽ gia hạn việc cắt giảm sản lượng tự nguyện 1 triệu thùng dầu thô mỗi ngày cho đến cuối năm nay.

Vương quốc này cũng giữ nguyên giá bán chính thức cho thị trường châu Á khi giao hàng trong tháng cuối năm do lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu sụt giảm.

Các động thái kể trên đã làm dấy lên những nghi ngờ mới về triển vọng nhu cầu dầu mỏ, với một số người cho rằng hành vi của Ả Rập Xê-út có thể cho thấy sự không chắc chắn về thị trường vàng đen. Nhu cầu dầu mỏ và tương lai của ngành dầu khí đã trở thành một trong những "câu hỏi không dễ có lời giải" của thời đại.

Hồi đầu tuần này, ông lớn năng lượng Aramco của Ả Rập Xê-út đã báo cáo lợi nhuận giảm 23% trong Quý III, do giá dầu giảm và doanh số bán hàng thấp hơn - doanh số thấp hơn là do việc cắt giảm tự nguyện.

Kết quả đúng như mong đợi, và trên thực tế, nó còn tốt hơn những gì các nhà phân tích đã dự đoán. Tuy nhiên, nó làm dấy lên hoài nghi về sự phục hồi của nhu cầu dầu trong tương lai.

Nhà báo Clyde Russell của Reuters, đã trở thành người mới nhất bày tỏ những nghi ngờ này, khi cho rằng "Việc gia hạn cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày có lẽ là một sự thừa nhận ngầm rằng nhu cầu dầu thô không mạnh như OPEC mong đợi".

Có thể xảy ra trường hợp OPEC đã đánh giá quá cao nhu cầu dầu, nhưng cũng có thể không có người tham gia nào trên thị trường dầu mỏ có thể giữ tồn kho và kiểm soát tất cả các yếu tố ảnh hưởng đến giá cả.

Ví dụ, đợt giảm giá mới nhất đang diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều nghi ngờ về sự gián đoạn nguồn cung ở Trung Đông do cuộc xung đột Israel - Hamas. Ban đầu, cái gọi là phí bảo hiểm chiến tranh đã khiến giá các chuẩn dầu tăng vài USD, nhưng khi thời gian trôi qua và không có sự gián đoạn nào xảy ra, phí bảo hiểm đó bắt đầu biến mất.

Trong khi đó, sự liên hệ chặt chẽ của thị trường dầu mỏ với dữ liệu kinh tế Trung Quốc một lần nữa lại được thể hiện khi Bắc Kinh báo cáo xuất khẩu sụt giảm trong tháng 10. Bất chấp sự gia tăng trong nhập khẩu dầu, nhưng dữ liệu rõ ràng khiến các nhà giao dịch nghĩ rằng Trung Quốc đang chậm lại.

Nhà phân tích Fiona Cincotta của City Index nói với Reuters: "Dữ liệu báo hiệu sự suy giảm liên tục trong triển vọng kinh tế Trung Quốc do nhu cầu suy giảm ở điểm đến xuất khẩu lớn nhất của đất nước".

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cho cả năm nay và năm tới. IMF hiện dự báo GDP của Trung Quốc sẽ tăng 5,4%, từ mức 5% trong dự báo trước đó.

Liên quan đến nhu cầu dầu mỏ ở phương Tây, Liên minh châu Âu gần đây đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về tình trạng khó lường của kho nhiên liệu và khả năng thiết lập một thứ gì đó giống như kho dự trữ chiến lược dầu diesel. Điều này không hẳn cho thấy nhu cầu về dầu và các sản phẩm dầu thấp hơn mà là nguồn cung thấp hơn mong muốn.

Tuy nhiên, cùng lúc đó, xuất khẩu của OPEC đang gia tăng, điều này đã gây áp lực lên giá vì nó có thể cho thấy có nguồn cung dồi dào, làm dịu đi lo ngại về tình trạng thiếu hụt.

Nhà phân tích Giovanni Staunovo tại UBS nói: "Xuất khẩu dầu thô của OPEC tăng khoảng 1 triệu thùng/ngày kể từ mức thấp trong tháng 8 do nhu cầu nội địa giảm theo mùa ở Trung Đông. Có vẻ như nguồn cung quá lớn để các quốc gia tiêu thụ dầu có thể hấp thụ”.

Tuy nhiên, nó có thể không chỉ là khối lượng cung cấp. Reuters hồi đầu tuần này đưa tin, các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đang giảm công suất hoạt động vì lợi nhuận giảm, nhưng cũng vì chính phủ chưa ban hành hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu bổ sung. Thông tin này cho thấy có nhu cầu lớn về nhiên liệu bên ngoài Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh đang hạn chế hạn ngạch.

Chủ đề về nhu cầu dầu và triển vọng của nhu cầu chắc chắn là một chủ đề thảo luận hấp dẫn. Khi IEA vào tháng trước dự đoán nhu cầu sẽ đạt đỉnh trước năm 2030, với việc áp dụng rộng rãi xe điện là lý do chính.

Trong khi đó, OPEC tiếp tục thể hiện niềm tin vào sức khỏe của nhu cầu dầu. Phải thừa nhận rằng, không gì khác hơn những gì người ta mong đợi từ một liên minh xuất khẩu dầu mỏ. Vì vậy bản thân nó không thực sự quan trọng. Điều này quan trọng trong bối cảnh OPEC và các đối tác OPEC+ chiếm khoảng 40% sản lượng dầu toàn cầu.

Có thể Ả Rập Xê-út lo lắng về nhu cầu và đó là lý do tại sao nước này gia hạn cắt giảm sản lượng. Có lẽ Riyadh muốn giá dầu cao hơn nữa để có thể tiếp tục xây dựng dự án Neom trị giá 500 tỷ USD. Trên thực tế, điều đó không quan trọng. Điều quan trọng là nếu muốn, Ả Rập Xê-út có thể loại bỏ nhiều thùng dầu hơn ra khỏi thị trường nếu cần.

Một động thái giả định như vậy có thể mang đến điều ngược lại với thông điệp mong muốn, đó là củng cố sự không chắc chắn về nhu cầu.

Bình An

OP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/du-bao-nhu-cau-dau-cau-hoi-khong-de-co-loi-giai-cua-thoi-dai-698954.html