Dự báo NIM quý 4 của Ngân hàng ACB giảm nhẹ, lãi cả năm nay có thể tăng gần 16%
Theo các đánh giá mới nhất, NIM của Ngân hàng ACB (mã cổ phiếu ACB) trong quý 4/2023 có thể tiếp tục giảm nhẹ khi ngân hàng này đẩy mạnh gói tín dụng ưu đãi lãi suất 50.000 tỷ đồng.
Trong quý 3/2023, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng TMCP Á Châu (Ngân hàng ACB, mã cổ phiếu ACB - sàn HoSE) ghi nhận nhiều điểm đáng chú ý. Cụ thể, thu nhập lãi thuần (NII) của ngân hàng này đạt 6.209 tỷ đồng, tăng 2,9% so với quý 3/2022 nhưng giảm nhẹ 0,6% so với quý 2/2023, giảm nhẹ so với quý trước do ngân hàng thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Tuy nguồn thu từ lãi thuần giảm nhẹ, thu nhập từ hoạt động đầu tư trong kỳ tăng tới 19% giúp tổng thu hoạt động (TOI) đạt 8.424 tỷ đồng.
Kết quả, Ngân hàng ACB báo lợi nhuận trước thuế đạt 5.035 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm nay, Ngân hàng ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế 15.024 tỷ đồng, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm ngoái (hoàn thành 75% mục tiêu lợi nhuận cả năm). Qua đó, trở thành một trong số ít ngân hàng vẫn còn duy trì được tốc độ tăng trưởng 2 chữ số.
Đáng chú ý, xét về tăng trưởng tín dụng, tính tới cuối quý 3/2023, tổng tín dụng của Ngân hàng ACB đạt 449.752 tỷ đồng, tăng 8,7% so với thời điểm đầu năm (so với mức 4,9% đạt được trong quý 2/2023). Mức tăng trưởng này cao hơn so với mức trung bình 6,9% của toàn ngành. Điều này cho thấy, các chính sách cho vay lãi suất ưu đãi của ngân hàng này đã phát huy tác dụng trong việc thúc đẩy tín dụng.
Hiện mảng bán lẻ chiếm tỷ trọng hơn 93% danh mục cho vay của Ngân hàng ACB và ngân hàng này không tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro cao như cho vay tiêu dùng, cho vay tín chấp, cho vay kinh doanh bất động sản….
Theo đánh giá của nhiều tổ chức tài chính, với chủ trương coi trọng chất lượng tín dụng hơn tăng trưởng, Ngân hàng ACB nhiều khả năng sẽ không sử dụng hết room tăng trưởng 14,5% được Ngân hàng Nhà nước cấp trong năm nay.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành ngân hàng đang đối mặt với rủi ro nợ xấu tăng cao như hiện nay thì điều này có thể là một yếu tố tích cực chứ không phải tiêu cực đối với Ngân hàng ACB. Điều này đã được thể hiện qua việc tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng ACB vào cuối quý 3/2023 chỉ ở mức 1,2%, tăng nhẹ 10 điểm cơ bản so với quý 2/2023.
Trong đó, nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) của ngân hàng đã giảm nhẹ từ 0,9% trong quý 2/2023 xuống chỉ còn 0,8% trong quý 3/2023. Qua đó, duy trì được tỷ lệ nợ xấu thuộc nhóm thấp nhất toàn ngành ngân hàng hiện nay. Đặc biệt, tốc độ gia tăng nợ xấu của Ngân hàng ACB trong 2 quý liên tiếp vừa qua đều thấp hơn mức trung bình ngành.
Với mức nợ xấu được kiểm soát tốt, trong quý 3/2023, Ngân hàng ACB chỉ phải trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 521 tỷ đồng, giảm mạnh 26% so với quý 2/2023. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ngân hàng (LLR) hiện vẫn đạt mức an toàn 95%. Với mức bao phủ nợ xấu cao và chất lượng tài sản tốt, các tổ chức tài chính nhận định Ngân hàng ACB sẽ không cần đẩy mạnh công tác trích lập dự phòng như các ngân hàng khác.
Xem thêm: "Ngân hàng ACB: Dự báo tỷ lệ hình thành nợ xấu sẽ giảm xuống trong nửa cuối năm nay" trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Đối với NIM, do lãi suất cho vay giảm nhanh hơn lãi suất huy động, và Ngân hàng ACB đẩy mạnh triển khai các chương tình ưu đãi lãi suất, biên lãi thuần của ngân hàng này có xu hướng giảm nhẹ. Cụ thể, trong quý 3/2023, biên lãi thuần của Ngân hàng ACB đạt 4,2%, giảm nhẹ 20 điểm cơ bản so với quý 2/2023. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn đảm bảo mức sinh lời thuộc nhóm cao nhất thị trường hiện nay, với ROE ở mức 24,5%.
Trong quý cuối năm, Ngân hàng ACB cho biết sẽ tiếp tục triển khai gói tín dụng 50.000 tỷ với mức lãi suất ưu đãi giảm 3%/năm. Theo đó, hãng chứng khoán DSC dự phóng NIM của Ngân hàng ACB có thể sẽ tiếp tục giảm 20 điểm cơ bản trong quý 4/2023 trước khi dần phục hồi trở lại trong năm sau.
Hãng chứng khoán Shinhan Securities Vietnam (SSV) kỳ vọng mặc bằng lãi suất thấp duy trì trong nửa đầu năm sau cùng với tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) được cải thiện sẽ giúp NIM của Ngân hàng ACB đạt trung bình 4,24% trong năm 2024.
DSC hiện dự báo lợi nhuận trước thuế cả năm 2023 của Ngân hàng ACB đạt 19.805 tỷ đồng, tăng 15,7% so với mức thực hiện của năm 2022. Trong khi đó, SSV thận trọng dự báo mức lợi nhuận trước thuế đạt 18.627 tỷ đồng, tương ứng tăng 9% so với năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, trong ngày 8/11, cổ phiếu ACB có giá tham chiếu tại mức 22.100 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 23% so thời điểm đầu năm nay.