'Dù chỉ còn 1% khả năng giáo dục học sinh, cũng phải bám lấy để đồng hành cùng các em'
Trường học không phải là trại lính. Dù chỉ còn 1% khả năng để giáo dục học sinh, cũng phải bám lấy để đồng hành cùng các em, thay vì kỷ luật hay đuổi học.
Đó là phương châm của cô giáo Nguyễn Thị Hiền - trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An, người đã đạt giải nhất trong cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.
Chia sẻ bên lề lễ tổng kết và trao giải chiều ngày 29-12, cô giáo Hiền cho biết phương châm đó là một trong những bài học mà cô kế thừa từ người đồng nghiệp đi trước, thầy giáo Trần Thọ Đổng, cũng là nhân vật chính trong bài viết mà cô gửi dự thi.
Trong bài viết của cô Hiền, thầy giáo Trần Thọ Đổng là người bình dị, gần gũi, ấm áp và chân thành. “Những năm tháng đầu tiên sau khi ra trường, tôi thân cô thế cô từ Thanh Hóa vào Nghệ An, được thầy dìu dắt rất nhiều. Đó là người đã ở bên tôi trong suốt quá trình công tác và giáo dục học sinh đầy khó khăn, vất vả”, cô giáo Hiền kể lại.
Thầy Đổng luôn dặn cô: Trường học không phải là trại lính. Để giáo dục học sinh, không thể chỉ kỷ luật hay đuổi học các em. Với 14, 15 tuổi, nếu bị đẩy ra cuộc đời, liệu các em sẽ ra sao và trở nên như thế nào?
“Tôi luôn trung thành với phương châm ấy, nỗ lực đồng hành, giáo dục học sinh đến cùng. Tại hội trường hôm nay, có nhiều học sinh của tôi, trong đó có nhiều em cá biệt. Một trong số đó đã từng nói với tôi rằng: Nếu không gặp được cô, thì đời em có lẽ đã khác”, cô Hiền chia sẻ.
Cô Hiền còn thấm thía quan điểm của người đồng nghiệp đi trước, rằng "học sinh không phải trang giấy trắng".
“Khi các em đến với chúng tôi, phần nào nhân cách, cá tính của các em đã được định hình, hình thành từ trước. Vì vậy, chỉ có sách giáo khoa chung, trường chung, lớp chung, nhưng phương thức giáo dục thì cần phải riêng biệt. Với mỗi em, dựa theo cá tính riêng, thầy cô giáo nên có phương thức giáo dục học sinh riêng, bởi không có một công thức chung cho tất cả các em”, cô Hiền nói.
Ông Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhận định, thông qua tác phẩm dự thi sâu sắc này, có thể thấy được rằng cuộc đời làm nghề giáo của thầy Trần Thọ Đổng phát đi một thông điệp: “Không cần phải là người xuất chúng, ngay cả những người bình thường nhất cũng có thể là người truyền cảm hứng, miễn là chúng ta có một tấm lòng”.
Tác phẩm của cô Hiền nằm trong tổng số hơn 80.000 tác phẩm dự thi năm nay. Theo đánh giá của ban tổ chức cuộc thi, chất lượng các tác phẩm tốt, nhiều tác phẩm để lại ấn tượng sâu sắc, có sự đầu tư công phu từ nội dung đến hình thức thể hiện.
“Dù còn nhiều tồn tại, trầy xước, thách thức, thiếu thốn, thậm chí là những sự bất đồng trong quan hệ thầy trò, nhưng tôi cho rằng đó chỉ là một vài trường hợp cá biệt.
Đạo thầy trò có thể lúc này, lúc khác, nhưng vẫn là một truyền thống tốt đẹp của người Việt và luôn được gìn giữ, xuyên suốt. Hơn 80.000 tác phẩm gửi về dự thi chính là câu trả lời thuyết phục nhất cho câu hỏi rằng liệu ngày nay đạo thầy trò có còn nguyên vẹn như xưa hay không?”, cô giáo Hiền chia sẻ.
Theo cô Hiền, hơn 80.000 tác phẩm đều được viết từ tình cảm thật, không hư cấu. Những nhân vật xuất hiện đều là người thật, việc thật trong đời sống hàng ngày.
“Tôi biết trong cuộc thi này, nhiều người tham gia là các em học sinh lớp 4, lớp 5, cũng có những người đầu hai thứ tóc như tôi. Có những nhân vật là thầy, cô giáo còn rất trẻ, cũng có những nhân vật giờ ở tuổi 85, tuổi 86. Nói vậy để thấy rằng, dù ở lứa tuổi nào, đạo thầy trò và tình yêu thương trong giáo dục vẫn luôn được duy trì xuyên suốt”, cô giáo Hiền nhấn mạnh.
Cuộc thi viết "Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường" được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức lần đầu tiên vào năm 2011.
Năm 2023, cuộc thi nhận được hơn 80.000 tác phẩm gửi về dự thi. Ban giám khảo đã lựa chọn được 44 tác phẩm vào vòng chung khảo, quyết định trao 2 giải nhất, 4 giải nhì, 6 giải ba, 10 giải khuyến khích, cùng một số giải thưởng phụ.