Dư địa xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản còn rất lớn
Việt Nam hiện chỉ chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản, vì thế, dư địa và cơ hội cho doanh nghiệp trong nước còn rất lớn.
Chiều ngày 26/8, tại TP. Hồ Chí Minh, diễn ra Hội thảo “Thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và các quy chuẩn để tiếp cận hệ thống phân phối AEON Việt Nam”. Sự kiện do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp với Công ty TNHH AEON TOPVALU và Công ty TNHH AEON Việt Nam tổ chức.
Sự kiện được tổ chức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng hóa vào thị trường Nhật Bản cũng như cập nhật kịp thời cho doanh nghiệp những tiêu chuẩn, quy định mới của AEON đối với các mặt hàng đưa vào chuỗi siêu thị.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh - cho biết, Nhật Bản là đối tác kinh tế - thương mại hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm trở lại đây. Việt Nam và Nhật Bản là đã ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương như: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Những hiệp định thương mại tự do này đã và đang tạo ra các khuôn khổ hợp tác vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư, kinh doanh giữa hai nước.
Theo ông Trần Phú Lữ, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản thời gian qua tương đối cân bằng, bền vững và tăng trưởng ổn định. Thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Nhật Bản 7 tháng đầu năm 2024 đạt 25,87 tỷ USD tăng 4% so với cùng kỳ. Trong đó kim ngạch xuất khẩu Việt Nam sang Nhật Bản đạt 13,46 tỷ USD tăng 2,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Ở góc độ địa phương, TP. Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa TP. Hồ Chí Minh và Nhật Bản. Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại 2 chiều giữa TP. Hồ Chí Minh và Nhật Bản đạt 2,21 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, kim ngạch xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh sang Nhật Bản đạt 1,3 tỷ USD tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong năm 2024, nhiều chương trình trọng điểm của TP. Hồ Chí Minh đã được tổ chức nhằm thúc đẩy và gắn kết bền chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa TP. Hồ Chí Minh và Nhật Bản. Điển hình chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch và sự kiện “Ngày TP. Hồ Chí Minh tại Osaka, Nhật Bản” vào tháng 5/2024; hay chương trình Chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhà nhập khẩu, nhà phân phối Nhật Bản và giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại hệ thống phân phối hiện đại Aeon Nhật Bản vào tháng 6/2024 do ITPC tổ chức. “Hội thảo hôm nay là cơ hội để doanh nghiệp nắm bắt thông tin về xu hướng tiêu dùng và các quy chuẩn của hệ thống AEON, từ đó chuẩn bị tốt hơn cho việc xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản”, ông Trần Phú Lữ kỳ vọng.
Tại hội thảo, đại diện Thương vụ Việt Nam (Bộ Công Thương) tại Osaka - Nhật Bản, AEON Việt Nam đã cập nhật thông tin mới nhất về xu hướng tiêu dùng và nhu cầu của Nhật Bản; làm sao để tăng cường xuất khẩu từ Việt Nam sang Nhật Bản; tiêu chuẩn quản lý chất lượng xuất khẩu qua hệ thống của Aeon; tiêu chuẩn chất lượng chung để trở thành nhà cung cấp của AEON Việt Nam và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam…
Bà Quyền Thị Thúy Hà - Trưởng Chi nhánh Thương vụ Osaka, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản cho biết, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản nên dư địa và cơ hội cho doanh nghiệp Việt còn rất lớn. Đặc biệt cơ hội đối với các ngành hàng.
Cụ thể, đối ngành công nghiệp chế biến, sản xuất chế tạo, Nhật Bản có nhu cầu lớn về các sản phẩm chế biến, gia công cơ khí chế tạo đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, ô tô, sản phẩm gia dụng và thực phẩm.
Với sản phẩm dệt may, tận dụng lợi thế khi Việt Nam tham gia các Hiệp định thương mại tự do như: CPTPP, RCEP đem đến nguồn nhập khẩu nguyên phụ liệu lớn cho ngành dệt may Việt Nam nên khi doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu sản phẩm vào Nhật Bản sẽ rất thuận lợi trong quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Cùng với đó, các Hiệp định thương mại đa phương mà Việt Nam và Nhật Bản là thành viên đều có tác động lớn đến chuỗi cung ứng ngành điện tử, sản xuất ô tô, dệt, may mặc ở Việt Nam. “Như đối với lĩnh vực điện tử, các nước RCEP là đối tác cung cấp bộ phận, linh kiện điện tử lớn nhất của Việt Nam, chiếm tới 66% tổng giá trị nhập khẩu nhóm hàng này. Từ đó, các sản phẩm khi được xuất khẩu sang Nhật Bản cũng sẽ có lợi thế hơn vì giảm được chi phí sản xuất, giảm giá thành”, đại diện Thương vụ tại Osaka nói.
Tương tự, sản phẩm thủ công mỹ nghệ, sản phẩm từ gỗ, Nhật Bản là thị trường mà người tiêu dùng sẵn lòng trả giá cao cho những sản phẩm độc đáo và có giá trị nghệ thuật. Các sản phẩm quà tặng, làm thủ công có giá trị cao, như đồ gốm, đồ mỹ nghệ, và sản phẩm thêu, mây tre đan truyền thống của Việt Nam đều rất được ưa thích tại Nhật Bản.
Đối với ngành dịch vụ, Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực dịch vụ, bao gồm du lịch, giáo dục, tài chính, và công nghệ thông tin. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam có tiềm năng phát triển xuất khẩu trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đặc biệt là khi người tiêu dùng Nhật Bản ngày càng chuyển từ mua sắm truyền thống sang mô hình mua sắm trực tuyến. Việc tận dụng xu hướng này có thể mang lại cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam…
Ngoài ra, Nhật Bản có nhu cầu cao về các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là thực phẩm an toàn và hữu cơ. Các sản phẩm nông nghiệp mà không thích hợp để trồng, canh tác tại Nhật Bản nhưng nhu cầu lớn và được nhận định sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới như cà phê, hạt điều, trái cây nhiệt đới, rau củ quả đông lạnh,... đây đều là các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam
Chính vì vậy, tiềm năng và dư địa cho Việt Nam tại Nhật Bản cho các sản phẩm nông lâm thủy sản còn rất lớn. Kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này của Nhật Bản cao và tăng trưởng mạnh những năm gần đây (khoảng 30% trong năm 2022).
Ngoài thông tin về cơ hội và tiềm năng xuất khẩu cho doanh nghiệp trong nước, đại diện Thương vụ tại Osaka cũng lưu ý, đặc trưng nhu cầu thị trường Nhật Bản, quy định khắt khe, tiêu chuẩn cao, tập quán tiêu dùng, xu hướng ưu tiên mục tiêu phát triển bền vững.
Do đó, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng các yêu cầu của thị trường Nhật Bản như: các quy định và tiêu chuẩn cao về chất lượng sản phẩm; yếu tố về thẩm mỹ, tính tiện dụng trong bao bì mẫu mã; mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện môi trường đòi hỏi trách nhiệm xã hội cao của nhà sản xuất.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đầu tư nghiên cứu, cải tiến sản phẩm, nâng cao chất lượng, khắc phục các nhược điểm, tìm tòi các kỹ thuật mới, chăm chút trong tất cả các quy trình từ canh tác, thu hoạch, bảo quản hay sản xuất đến đóng bao bì, lưu thông.
“Doanh nghiệp luôn coi trọng chất lượng và dịch vụ như chính uy tín của doanh nghiệp, của thương hiệu quốc gia. Tăng cường tham gia các hoạt động, chương trình quảng bá, xúc tiến, giới thiệu phù hợp tại Nhật, hướng đến mục tiêu chinh phục khách hàng Nhật” - bà Quyền Thị Thúy Hà lưu ý.
Chia sẻ tại sự kiện, ông Shiotani Yuichiro - Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON TOPVALU Việt Nam - cho biết, sản phẩm thực phẩm rất được ưu thích tại Nhật Bản, tiềm năng về xuất khẩu không chỉ AEON tại Nhật Bản mà tất cả các hệ thống của AEON tại các nước. Điểm mấu chốt sản phẩm của Việt Nam tiếp cận được người tiêu dùng Nhật Bản chính là hương vị, hương vị phải ngon phù hợp với người tiêu dùng Nhật Bản.
Để hỗ trợ xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Nhật Bản và hệ thống của AEON, ông Shiotani Yuichiro cho hay, Công ty TNHH AEON TOPVALU Việt Nam đã và đang hướng dẫn kỹ thuật, tiêu chuẩn chất lượng để những doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có thể sản xuất ra những sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản cũng như hệ thống của AEON tại các nước.
Hội thảo đã cung cấp cho các doanh nghiệp những thông tin cần thiết về xu hướng tiêu dùng tại thị trường Nhật Bản cũng như các quy định của hệ thống phân phối AEON. Qua đó, giúp doanh nghiệp có bước chuẩn bị tốt hơn cho việc thâm nhập thị trường Nhật Bản trong thời gian tới.