Dự kiến đến 15/7, thêm 3.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sinh phẩm y tế được gia hạn số đăng ký
Đây sẽ là đợt công bố thứ 2 về gia hạn hiệu lực số đăng ký. Như vậy, cùng với đợt gia hạn đầu tháng 6, sẽ có khoảng gần 10.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sinh phẩm y tế, vaccine được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế gia hạn hiệu lực số đăng ký.
Ông Lê Việt Dũng- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cho biết, dự kiến đến 15/7/2022, sẽ có khoảng 3.000 thuốc, nguyên liệu làm thuốc, sinh phẩm y tế... có giấy đăng ký lưu hành hết hạn ngày 31/12/2022 được công bố gia hạn hiệu lực số đăng ký theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Nghị định số 29/2022/NĐ-CP ngày 29/4/2022 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 ngày 30/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đây sẽ là đợt công bố thứ 2 về gia hạn hiệu lực số đăng ký. Trước đó, đầu tháng 6/2022, Cục Quản lý Dược thông báo 6.251 thuốc, nguyên liệu làm thuốc nước ngoài; thuốc, nguyên liệu sản xuất trong nước, vaccine và sinh phẩm y tế gồm 4.631 thuốc sản xuất trong nước, 1.427 thuốc nước ngoài và 193 vaccine, sinh phẩm y tế hết hạn trước 30/6/2022 được gia hạn hiệu lực số đăng ký.
Các thuốc điều trị được gia hạn thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau như thuốc điều trị bệnh đường hô hấp, dạ dày, kháng sinh, thuốc hạ sốt giảm đau...
Cùng đó, ông Lê Việt Dũng cũng thông tin, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho 963 thuốc.
Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với các bệnh viện trực thuộc Bộ và Sở Y tế các tỉnh, thành phố về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các địa phương và giải pháp Bộ Y tế đã triển khai diễn ra ngày 29/6, chia sẻ về những giải pháp nhằm giải quyết tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị tại các cơ sở khám chữa bệnh, ông Nguyễn Hoàng Long, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính cho biết, thời gian qua, Bộ Y tế đang tập trung vào 3 nhóm giải pháp chính bao gồm: Chủ động đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị tăng cường năng lực, hiệu quả công tác mua sắm, đấu thầu; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá thuốc; đẩy mạnh cấp phép, quản lý giá trang thiết bị y tế…
Theo đó, tiếp tục tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận đăng ký thuốc, giải quyết các hồ sơ tồn đọng theo đúng quy định. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện để ban hành các văn bản liên quan đến đẩy mạnh cấp phép lưu hành.
Phối hợp với Bộ Tài chính để sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư số 277/2016/TT-BTC có mức phí đăng ký thuốc phù hợp, tăng thù lao chi trả cho chuyên gia; nghiên cứu sửa đổi Luật Dược theo hướng đổi mới cơ chế cấp phép nhằm giải quyết tồn đọng, cấp phép nhanh và tăng cường phân cấp phân quyền; tổ chức các đơn vị thẩm định hồ sơ độc lập.
Cấp phép nhanh nhất khi có đề nghị của các cơ sở nhập khẩu, cơ sở khám chữa bệnh đối với các thuốc hiếm về nguồn cung, sử dụng cho bệnh hiếm, nhu cầu điều trị của bệnh viện. Đối với một số thuốc hiếm, nguồn cung ít cụ thể (Dextran, Diazepam...), Bộ Y tế làm việc trực tiếp với cơ sở khám chữa bệnh và các nhà sản xuất, cung cấp để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc...
Bộ Y tế cho biết có 28/34 Sở Y tế được khảo sát cho biết có thiếu thuốc điều trị cho người bệnh tại địa phương, 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị.
Trong đó, các thuốc thiếu tại cơ sở khám chữa bệnh bao gồm một số thuốc kháng sinh dự trữ dùng để điều trị bệnh nhân nặng, thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần, một số thuốc tim mạch, điều trị tăng huyết áp, thuốc điều trị sốt xuất huyết, thuốc nhãn khoa, vị thuốc cổ truyền.
Bên cạnh đó, có 26/34 Sở Y tế và 15/21 BV tuyến Trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất. Mặt hàng vật tư tiêu hao, hóa chất báo cáo thiếu chủ yếu là hóa chất dùng xét nghiệm.
Có 14/34 Sở Y tế và 8/21 BV tuyến Trung ương báo cáo có tình trạng thiếu trang thiết bị y tế như các trang thiết bị y tế chuyên sâu: Thiết bị phòng mổ, thiết bị chuyên ngành thần kinh, tim mạch, nội soi tai mũi họng, mắt, tiêu hóa, hô hấp, hồi sức tích cực, thiết bị chẩn đoán hình ảnh, thiết bị xét nghiệm chuyên sâu.
Thái Bình