Dự kiến sau khi bỏ cấp huyện, cấp xã mới sẽ có 'siêu quyền' về quản lý đất đai
Cơ quan quản lý đang đề xuất nhiều quy định mới sau khi phân cấp phân quyền theo chính quyền hai cấp. Đặc biệt, trong đó UBND cấp xã mới sẽ có thêm nhiều thẩm quyền quản lý đất đai.
Tại cuộc họp nghe báo cáo về việc xây dựng Nghị định quy định phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực nông nghiệp và môi trường, trong bối cảnh tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường - Đỗ Đức Duy cho biết: "Đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai, trong thời gian qua, các địa phương đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, ban hành các văn bản theo yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập các tỉnh, thành phố, sẽ xuất hiện tình trạng không thống nhất đối với một số quy định cụ thể. Cụ thể như, thời gian thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, mức bồi thường vật nuôi cây trồng, mức hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, suất tái định cư tối thiểu, đơn giá bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất; hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất; điều kiện và diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất; tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất... dẫn đến tình trạng suy bì thiệt - hơn giữa các xã, phường, giữa các đối tượng sử dụng đất, từ đó gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai tại địa phương”.

Ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Theo lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai, Luật Đất đai 2024 và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật có nhiều nội dung giao HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để áp dụng cho phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương.
“Để chủ động điều chỉnh quy định phù hợp với chính quyền hai cấp, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án sắp xếp, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện việc sáp nhập khẩn trương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn chủ động rà soát các nội dung được giao quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND cấp tỉnh để sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định thống nhất việc áp dụng một số chính sách về đất đai hoặc quy định áp dụng các chính sách đặc thù tại địa phương sau sáp nhập. Đồng thời, có quy định chuyển tiếp để thực hiện các chính sách đất đai trên địa bàn cấp tỉnh khi đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập đi vào hoạt động, đảm bảo không gián đoạn, không tạo khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Nông nghiệp và Môi trường để được hướng dẫn cụ thể”, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh.
Trước đó, vào ngày 5/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy có Công văn 1680/BNNMT-QLĐĐ gửi Ban Chỉ đạo triển khai xây dựng Đề án sắp xếp, hợp nhất các đơn vị hành chính cấp tỉnh; HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc sáp nhập về việc rà soát quy định trong lĩnh vực đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương hai cấp.
UBND cấp xã thêm nhiều thẩm quyền quản lý đất đai
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng mới có văn bản gửi một số Bộ ngành, địa phương, hiệp hội về việc góp ý dự thảo Nghị định quy định về phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai khi tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Dự thảo Nghị định gửi lấy ý kiến gồm 3 Chương, 11 Điều và 01 Phụ lục kèm theo. Trong đó về thẩm quyền trong Luật Đất đai, Dự thảo giao HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp xã thực hiện thẩm quyền của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp huyện, cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp huyện đang quy định trong Luật Đất đai. Riêng việc quản lý đất có mặt nước là ao hồ đầm thuộc địa bàn nhiều xã, phường thì do UBND cấp tỉnh quyết định (Điều 188). HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã tiếp tục thẩm quyền của mình đang quy định trong Luật Đất đai.
Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, đối với công tác quản lý Nhà nước về đất đai, Luật Đất đai 2024 và các Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật có nhiều nội dung giao HĐND, UBND cấp tỉnh ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành để áp dụng cho phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương.

Cơ quan quản lý đang đề xuất nhiều quy định mới sau khi phân cấp phân quyền theo chính quyền hai cấp. Đặc biệt, trong đó UBND cấp xã mới sẽ có thêm nhiều thẩm quyền quản lý đất đai.
Cụ thể, Luật Đất đai 2024 có 20 nội dung giao HĐND, UBND cấp tỉnh quy định chi tiết thi hành; Nghị định 71/2024/NĐ-CP quy định về giá đất giao 4 nội dung; Nghị định số 88/2024/NĐ-CP quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất giao 11 nội dung; Nghị định số 101/2024/NĐ-CP quy định về điều tra cơ bản đất đai; đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và Hệ thống thông tin đất đai giao 1 nội dung; Nghị định số 102/2024/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai giao 10 nội dung; Nghị định số 104/2024/NĐ-CP quy định về Quỹ phát triển đất giao 3 nội dung; Nghị định số 112/2024/NĐ-CP quy định chi tiết về đất trồng lúa giao 2 nội dung; Nghị định số 123/2024/NĐ-CP quy định về hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai giao 1 nội dung.
Trong thời gian qua, các địa phương đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng, ban hành các văn bản theo yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, sau khi sáp nhập các tỉnh, thành phố, sẽ xuất hiện tình trạng trong phạm vi của tỉnh, thành phố sau thực hiện sáp nhập có sự không thống nhất đối với một số quy định cụ thể.
Các quy định không thống nhất có thể xuất hiện ở các nội dung như: thời gian thực hiện giải quyết thủ tục hành chính, mức bồi thường vật nuôi cây trồng, mức hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, suất tái định cư tối thiểu, đơn giá bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất; hạn mức giao đất, công nhận quyền sử dụng đất; điều kiện và diện tích tối thiểu của việc tách thửa đất, hợp thửa đất đối với từng loại đất; tiêu chí để quyết định thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất... dẫn đến tình trạng suy bì thiệt - hơn giữa các xã, phường, giữa các đối tượng sử dụng đất, từ đó gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai tại địa phương.
Theo Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp còn 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, gồm 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.