Du lịch các tỉnh Tây Nguyên: Khi nào mới liên kết, phát huy để phát triển?

Đã đến lúc phải có một 'nhạc trưởng' đóng vai trò hạt nhân kết nối, điều phối lộ trình phát triển chung cho ngành du lịch Tây Nguyên; chịu trách nhiệm chỉ đạo, tư vấn các tỉnh, thành trong khu vực thực hiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch nói chung.

Chưa phát huy tiềm năng

Câu chuyện liên kết, phát triển du lịch tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên được nhắc đến từ lâu, nhưng đến nay vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả cho các địa phương. Sự liên kết giữa các địa phương để phát triển “ngành công nghiệp không khói” vẫn chưa được phát huy để khai thác tiềm năng, lợi thế vốn có của đại ngàn Tây Nguyên.

Còn nhớ, tại một diễn đàn xúc tiến đầu tư vào Đăk Lăk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến tiềm năng văn hóa bản địa, truyền thống giàu ý chí cách mạng của người dân Tây Nguyên, rồi các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đây cũng là những yếu tố quan trọng để phát triển du lịch theo hướng bền vững, hiệu quả, Thủ tướng nói và chỉ đạo cần “lấy văn hóa làm trụ cột quan trọng để phát triển bền vững Tây Nguyên”.

Các địa phương phải có sự quyết tâm để kết nối phát triển du lịch Tây Nguyên

Các địa phương phải có sự quyết tâm để kết nối phát triển du lịch Tây Nguyên

Song cho đến nay, ngành du lịch của các địa phương trong khu vực chưa thực sự phát huy tiềm năng vốn có, chưa tạo sự bứt phá.

Theo ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các địa phương Tây Nguyên phải xác định cho được sản phẩm đặc trưng là gì, từ đó có chiến lược quảng bá gây ấn tượng mạnh với du khách. Cùng đó, công tác quảng bá, tiếp thị phải có điểm nhấn để lan tỏa, kết nối các tuyến điểm...

Ông Thọ cho rằng, cần tạo sự đột phá phát triển du lịch bằng các chương trình trọng tâm như đào tạo nguồn nhân lực; phát triển du lịch sinh thái; phát triển nông nghiệp công nghệ cao (cà phê, chè, trung tâm nấm của Việt Nam…); phát triển ngành công nghiệp chế biến, tiêu dùng từ nguyên liệu địa phương; công nghệ trí tuệ nhân tạo; hình thành các tour ẩm thực kết hợp văn hóa lịch sử các dân tộc bản địa.

Đặc biệt, cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao đi đôi với nâng cao tư duy làm du lịch cho người dân để tạo nên những homestay, farmstay, từ đó hình thành loại hình du lịch xanh. Cùng với du lịch sinh thái thì đây chính là sản phẩm đặc biệt mà Tây Nguyên có thế mạnh.

Cần sự liên kết bền vững

Để tìm lời giải cho bài toán khó, mới đây, tại Diễn đàn hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Xây dựng vùng du lịch văn hóa - sinh thái Tây Nguyên: Tiềm năng và những vấn đề” do Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên phối hợp với UBND tỉnh Đăk Lăk tổ chức, câu chuyện liên kết phát triển du lịch Tây Nguyên được bàn thảo sôi nổi.

Thực trạng của du lịch Tây Nguyên được ông Nguyễn Tấn Danh, Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch nhìn nhận, nhận thức và cách làm du lịch của các DN cùng cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực này còn chưa nhất quán, quá đơn lẻ, thụ động, thậm chí là cục bộ địa phương. Và một vấn đề rất quan trọng là thiếu sự liên kết, từ thu hút đầu tư, kích cầu, đến xây dựng và giới thiệu, quảng bá sản phẩm du lịch của từng địa phương và cả khu vực.

Còn theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, vấn đề liên kết du lịch, trước đây và hiện nay đang được đề cập thông qua các sản phẩm, chương trình du lịch như Con đường Di sản miền Trung - Tây Nguyên; Đường Trường Sơn huyền thoại; Con đường xanh Tây Nguyên và tour Carnaval hành lang kinh tế Đông - Tây… đi qua nhiều tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Song thực tế là không phát huy được hiệu quả do thiếu sự liên kết chặt chẽ trong quá trình tổ chức, thực hiện.

Từ đó dẫn đến hệ quả, sản phẩm du lịch trùng lặp cả về tính chất lẫn thời điểm diễn ra, nhất là loại hình du lịch văn hóa được DN tổ chức, khai thác trong các cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ. Điều này khiến không tạo nên chuỗi sự kiện và dẫn tới tình trạng cạnh tranh, phân chia thị trường khách du lịch.

Theo TS. Nguyễn Duy Thụy, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên, đã đến lúc phải có một “nhạc trưởng” đóng vai trò hạt nhân kết nối, điều phối lộ trình phát triển chung cho ngành du lịch Tây Nguyên; chịu trách nhiệm chỉ đạo, tư vấn các tỉnh, thành trong khu vực thực hiện cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển du lịch nói chung. Theo đó, phải có cơ chế giám sát chặt chẽ và thường xuyên để khắc phục tình trạng tư duy địa phương cục bộ trong liên kết nội vùng để vừa đạt được mục tiêu đặt ra, vừa không để phân tán nguồn lực đầu tư, cũng như thu hút du khách…

Đồng thời, các địa phương cũng phải có sự quyết tâm lớn, sự thống nhất cao thì mới có thể đưa du lịch phát triển theo đúng quỹ đạo.

Bài và ảnh Chí Thiện

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/du-lich-cac-tinh-tay-nguyen-khi-nao-moi-lien-ket-phat-huy-de-phat-trien-95514.html