Du lịch Hải Lăng, nhìn từ lễ hội 'Phá trằm' Trà Lộc

Lễ hội 'Phá trằm' Trà Lộc năm 2024 diễn ra vào ngày 31/8 thu hút hàng nghìn người dân và du khách trong và ngoài nước tham gia. So với những năm trước, lượng khách đến Hải Lăng tăng đột biến, báo hiệu một bước đột phá trong phát triển du lịch của địa phương.

Lễ hội “Phá trằm” Trà Lộc năm 2024 thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước - Ảnh: MINH ANH

Lễ hội “Phá trằm” Trà Lộc năm 2024 thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài nước - Ảnh: MINH ANH

Theo các cụ cao tuổi làng Trà Lộc, trước đây, sau mỗi đợt thu hoạch lúa vụ hè thu, nông dân thường xả hết nước trong trằm để bắt cá làm thực phẩm. Đồng thời, việc xả nước bắt cá nhằm giúp làm sạch lòng hồ, thay thế nguồn nước mới, cải tạo cảnh quan. Về sau, việc làm này trở thành thông lệ truyền thống và được địa phương quan tâm tổ chức thành lễ hội.

Nét độc đáo của lễ hội “Phá trằm” là người tham gia chỉ được phép bắt cá bằng các ngư cụ thô sơ với phương pháp thủ công, không được sử dụng điện hoặc các phương pháp đánh bắt tận diệt. Quá trình “Phá trằm” nếu ai bắt được cá lớn, phải hô lên thật to để động viên những người khác.

Trằm Trà Lộc là một khu rừng tự nhiên hiếm hoi còn lại của huyện Hải Lăng tồn tại hàng trăm năm. Trung tâm khu rừng là một hồ nước rộng tạo ra môi trường xanh, sạch, đẹp và được Nhân dân thôn Trà Lộc chăm sóc, bảo vệ từ đời này qua đời khác.

Với những lợi thế về phát triển du lịch, từ rất sớm, Hải Lăng đã được xác định là một mắt xích quan trọng trong cụm du lịch phía Nam của tỉnh mà trung tâm chủ yếu là tuyến du lịch Thành Cổ Quảng Trị - La Vang - Trằm Trà Lộc - Mỹ Thủy. Các khu, điểm du lịch như: Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang, bãi tắm Mỹ Thủy thu hút lượng du khách ngày càng đông. Các khu, điểm du lịch sinh thái tiềm năng như: thác Chơờng, thác Chàn Hoàng, hồ Cầu Mưng, thác Heo, hồ Khe Khế, trằm Lớn, trằm Khang, đập Trén... đã được khảo sát, đưa vào quy hoạch kêu gọi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển các dịch vụ để thu hút du khách. Đến nay, toàn huyện có 25 cơ sở lưu trú với 221 buồng, phòng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Cáp Xuân Tá cho biết: “Năm 2023, lượng khách du lịch đến huyện Hải Lăng đạt 213.000 lượt khách, doanh thu đạt 25 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng khách đến tham quan du lịch trên địa bàn huyện ước đạt 84.000 lượt khách, doanh thu ước đạt 10 tỉ đồng. Hằng năm, ngành du lịch tạo việc làm cho khoảng 600 lao động”.

Theo lãnh đạo huyện Hải Lăng, mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế về du lịch, nhưng Hải Lăng gặp nhiều khó khăn về kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực. Khu du lịch Thác Chơờng nằm trong danh mục khu vực tiềm năng ưu tiên quy hoạch du lịch tỉ lệ 1/2000 giai đoạn 2022-2030 nhưng hiện nay chưa được hỗ trợ lập quy hoạch.

Huyện đang đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí lập quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch Thác Chơờng tỉ lệ 1/2000; khảo sát, quảng bá kêu gọi đầu tư tại Khu du lịch Thác Chơờng. Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đối với các khu, điểm du lịch huyện Hải Lăng, nhất là cơ sở hạ tầng tại Khu du lịch sinh thái Trà Lộc.

Với mảnh đất có bề dày lịch sử, đặc biệt là các di tích lịch sử nổi tiếng, dấu ấn của những năm tháng chiến tranh vĩ đại của dân tộc, Hải Lăng hiện có hàng chục di tích được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia như: Đình làng Câu Nhi và danh nhân Bùi Dục Tài; Nhà thờ Long Hưng; Ngã ba Long Hưng; di tích vụ thảm sát Mỹ Thủy; Nhà thờ La Vang; nhà rường cổ ở làng Hội Kỳ (Hải Chánh). Bên cạnh đó, Hải Lăng còn có nhiều sản phẩm nổi tiếng như: bánh ướt làng Phương Lang; rượu gạo Kim Long; nước mắm Mỹ Thủy (Hải Ba); canh ám làng Lam Thủy (Hải Hưng); cháo bột Diên Sanh (Hải Thọ)...

Hải Lăng có nhiều sông như: sông Nhùng, sông Ô Lâu, sông Bến Đá, sông Vĩnh Định...; nhiều thác ghềnh như: thác Chơờng, thác Chàn... ở thượng nguồn những con sông với cảnh quan đẹp và hấp dẫn có thể lập các tour du lịch trên sông.

Tham gia lễ hội “Phá trằm” Trà Lộc năm 2024, anh Le Sony Bao, sinh viên Đại học Washington, Hoa Kỳ cho biết: “Thật tình cờ và lý thú khi chúng tôi tham gia những lễ hội như thế này trên đất nước Việt Nam của các bạn. Đây là trải nghiệm độc đáo thể hiện sự vui vẻ, tinh thần đoàn kết và bình đẳng của con người. Những tấm ảnh, video được chúng tôi quay lại và gửi cho bạn bè nhiều nước khiến họ cũng rất quan tâm và mong muốn có dịp đến tìm hiểu đất nước, con người Việt Nam và huyện Hải Lăng”.

Với ưu thế này đã tạo điều kiện thuận lợi cho Hải Lăng trong việc phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn, góp phần nâng cao đời sống cho Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng để hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch Hải Lăng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền địa phương, UBND tỉnh, thì cũng rất cần sự tham gia tích cực của cộng đồng doanh nghiệp và người dân theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng và hiệu quả hơn.

Minh Anh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/du-lich-hai-lang-nhin-tu-le-hoi-pha-tram-tra-loc-188109.htm