Du lịch kết hợp trang trại tại vùng cao Khánh Hòa
Từ vùng đất từng chuyên trồng cây trái và chăn nuôi truyền thống, nay vùng miền núi tỉnh Khánh Hòa đang mở hướng đi mới: kết hợp nông nghiệp với du lịch cộng đồng. Những vườn bưởi, vườn cherry, ao cá, suối thác... đang trở thành điểm trải nghiệm sinh thái thu hút du khách.
Với nhiều người, cherry là hình ảnh quen thuộc trên mạng xã hội nhưng lại là loại quả ít khi được nhìn tận mắt, chạm tận tay. Ấy vậy mà giữa núi rừng xã Trung Khánh Vĩnh (trước đây là xã Khánh Trung, huyện Khánh Vĩnh cũ), tỉnh Khánh Hòa, một khu vườn treo trĩu quả cherry đang khiến không ít người bất ngờ. Những chùm quả căng mọng, chuyển sắc từ đỏ sẫm, ánh tím đến đen tuyền, lấp ló trong tán lá xanh, đung đưa theo gió núi.
Nhiều du khách lần đầu bước vào khu vườn đã phải dừng lại thật lâu, ngỡ như đang đứng giữa khung cảnh miền ôn đới châu Âu. Anh Nguyễn Văn Quỳnh, du khách đến từ Nha Trang chia sẻ: “Ấn tượng đầu tiên là quả đỏ mọng, nhìn rất tươi. Cảm giác tràn đầy sức sống và thích thú vô cùng”.

Trái cherry được trồng thành công, thu hút sự quan tâm của nhiều khách hàng
Miền núi tỉnh Khánh Hòa được thiên nhiên ưu đãi với cảnh quan hùng vĩ, nhiều thác nước hoang sơ, suối trong mát lành. Cộng đồng các dân tộc Raglai, T’rin, Ê Đê... sinh sống lâu đời tại đây còn lưu giữ nhiều lễ hội truyền thống, làn điệu dân ca, món ăn đặc sản và nghề thủ công. Đây là những chất liệu quý giá để phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm đặc trưng vùng cao.
Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã ban hành nhiều chủ trương nhằm phát triển du lịch miền núi. Một số sản phẩm bước đầu được hình thành và thu hút khách như: tour leo núi Tà Giang, săn mây trên đỉnh Ba Cụm, thác Tà Gụ ở Khánh Sơn; Công viên du lịch Yang Bay, khu nông trại Hoa Quả Sơn ở Trung Khánh Vĩnh. Đặc biệt, bưởi da xanh, cây trồng chủ lực ở miền núi không chỉ giúp hàng ngàn hộ thoát nghèo mà còn mở ra hướng đi mới khi kết hợp làm du lịch cộng đồng.
Ông Đoàn Văn Hưởng, Giám đốc Hợp tác xã Hiệu Linh, xã Nam Khánh Vĩnh (trước đây là xã Khánh Thành), cho biết: Hợp tác xã có tới 90% thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Raglai. Việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng không chỉ góp phần quảng bá sản phẩm, văn hóa địa phương mà còn giúp nâng cao giá trị nông sản, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người dân.
“Mình làm du lịch cộng đồng chủ yếu là để quảng bá sản phẩm của địa phương. Du khách đến vườn thì trước hết là được trải nghiệm, ăn bưởi tại chỗ, rồi có thể tham gia chăm sóc cây bưởi. Ở vườn cũng có ao, hồ nuôi cá, nếu khách có nhu cầu thì được trải nghiệm bắt cá. Nói chung là có rất nhiều hoạt động để khách tham quan và trải nghiệm”, ông Đoàn Văn Hưởng nói.

Du khách thích thú trải nghiệm các vườn cây ăn trái tại miền núi Khánh Hòa
Không chỉ cherry hay bưởi, những mô hình trang trại kết hợp du lịch với sản phẩm địa phương như nuôi dê, nuôi cá suối, trồng cây ăn trái cũng đang phát triển tại nhiều nơi ở miền núi Khánh Hòa. Những mô hình này không đòi hỏi quy mô quá lớn, nhưng cần sự kiên trì, đầu tư bài bản, nhất là trong cách làm du lịch.
Tuy nhiên, quá trình phát triển du lịch ở khu vực miền núi vẫn gặp nhiều khó khăn do xuất phát điểm thấp, hạ tầng còn yếu, thiếu kinh nghiệm quản lý và chưa có quy hoạch tổng thể rõ ràng. Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư chiến lược còn hạn chế. Trong bối cảnh Khánh Hòa đã chuyển sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp, các xã miền núi có điều kiện thuận lợi hơn để chủ động quy hoạch, phối hợp phát triển du lịch cộng đồng theo hướng hiệu quả và bền vững.
Từ góc độ ngành nông nghiệp, mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch đang mở ra hướng đi mới cho vùng miền núi, giúp nâng cao thu nhập và giữ chân lao động tại chỗ. Các địa phương đang phối hợp với ngành chức năng xây dựng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi kết hợp du lịch sinh thái; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng làm du lịch, hướng dẫn chăm sóc cây trồng, nuôi cá, chế biến sản phẩm nông nghiệp phục vụ khách tham quan.

Cận cảnh trái cherry trồng tại miền núi Khánh Hòa
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Khánh Hòa cho biết, để mô hình này phát triển bền vững, cần gắn với việc đào tạo nghề phù hợp cho đồng bào dân tộc thiểu số, lồng ghép bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống như lễ hội, dân ca, nghề thủ công… tạo nét riêng cho mỗi điểm đến, vừa phát triển kinh tế, vừa giữ gìn bản sắc vùng cao.
“Nếu phát triển được các mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với tiêu thụ nông sản của vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì sẽ rất hữu ích. Du lịch không chỉ giúp tiêu thụ sản phẩm mà còn giúp bà con nâng cao kỹ năng sống – từ lao động sản xuất đến kỹ năng xã hội, giao tiếp, giao lưu văn hóa. Quan trọng là giúp bà con thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức một cách tích cực”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nói.
Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/du-lich-ket-hop-trang-trai-tai-vung-cao-khanh-hoa-post1214713.vov