Du lịch khắc khoải chờ khách
Du khách quốc tế có thể trở lại mạnh mẽ hơn trong thời gian tới… nếu ngành du lịch trong nước biết nắm bắt và cũng có thể là cơ hội bứt phá của lĩnh vực bất động sản du lịch nghỉ dưỡng.
Nỗi lo “đi trước về sau”
Một năm sau thời điểm mở cửa hoàn toàn trở lại, tốc độ hồi phục ngành du lịch - khách sạn của Việt Nam mới đạt 67% so với năm 2019, thấp hơn đáng kể so với mức trung bình 93% của khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC), cho dù là quốc gia đầu tiên trong khu vực thực hiện mở cửa, theo báo cáo công bố mới đây của JLL.
Trong 14 quốc gia được JLL theo dõi, thứ hạng theo tỷ lệ phục hồi ngành du lịch - khách sạn của Việt Nam chỉ cao hơn Myanmar (tỷ lệ 55%) và thấp hơn nhiều so với 2 quốc gia đứng liền trước là Nhật Bản và Philippines (cùng ở tỷ lệ phục hồi 83%).
Theo số liệu của Tổng cục Du lịch, trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 4,6 triệu lượt, tăng 12,6 lần so với cùng kỳ năm trước và hoàn thành 57,5% kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, tỷ lệ khách quay lại Việt Nam vẫn theo xu hướng giảm và chưa có biện pháp giải quyết. Nếu như năm 2019 - thời điểm bùng nổ của ngành du lịch Việt Nam, tỷ lệ khách quay lại chỉ đạt 10% - thấp hơn nhiều so với Thái Lan (82%) và Singapore (89%), thì tới năm 2022, con số này tiếp tục giảm xuống mức 5% và các tháng đầu năm 2023 cũng chưa cải thiện nhiều.
Vấn đề của ngành du lịch, như TS. Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) nhìn nhận, đó là Việt Nam có thừa công suất lưu trú, các hãng hàng không thừa máy bay, tiềm năng du lịch đủ tốt để du khách quốc tế có thể lựa chọn, nhưng đang đánh mất dần 2 thị trường lớn là Trung Quốc và Nga, trong khi Thái Lan đã và đang khai thác rất tốt 2 nguồn khách này.
Còn TS. Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị CEO Group - doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản du lịch cho hay, ngành du lịch Việt Nam đang đối mặt với vấn đề “đi trước về sau” và có nguy cơ bỏ lỡ cơ hội đuổi kịp và vượt lên các nước trong khu vực.
Ngành du lịch hồi phục chậm phần nào ảnh hưởng tới lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng khi nhiều dự án liên tục dời thời gian triển khai bán hàng do lượng “booking” không như kỳ vọng. Báo cáo mới đây của DKRA Việt Nam cho biết, trong tháng 5/2023, nguồn cung mới phân khúc biệt thự biển trên cả nước chỉ có 9 căn (tương đương khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước) và chỉ bán được 1 căn (lượng tiêu thụ giảm 99,6% so với cùng kỳ). Tương tự, phân khúc condotel ghi nhận nguồn cung mới là 139 căn, sụt giảm 82% so với cùng kỳ.
Ông Phạm Lâm, CEO DKRA Group cho hay, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng còn ảm đạm là do nhiều yếu tố như vướng mắc pháp lý chậm được tháo gỡ, lãi suất cao, ngành du lịch phục hồi chậm... và được dự báo chưa có nhiều chuyển biến rõ nét trong ngắn hạn.
Cùng góc nhìn, bà Uyên Nguyễn, Trưởng bộ phận Tư vấn, Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương cho rằng, các cơ chế, chính sách mới được ban hành là tín hiệu tích cực cho thị trường nghỉ dưỡng, nhưng để đi vào thực tiễn sẽ có độ trễ nhất định nên chưa thể sớm khởi sắc.
Có cơ hội bứt tốc
Dù đà hồi phục đang chậm hơn so với các thị trường châu Á khác, nhưng thị trường du lịch Việt Nam vẫn có những điểm nhấn riêng. Số liệu của Colliers cho biết, năm 2019, tỷ lệ lấp đầy của các cơ sở lưu trú du lịch (khách sạn, resort và biệt thự nghỉ dưỡng) đạt 52%, tức trung bình mỗi cơ sở lưu trú trong tổng số 30.000 cơ sở đều kín trên phân nửa số phòng và nhờ lượng khách nội địa.
Đến năm 2022, chỉ số này cải thiện rõ nhất ở các điểm du lịch biển như Vũng Tàu, Đà Nẵng, Nha Trang và Phú Quốc. Dữ liệu từ Google cũng cho thấy, Việt Nam có 6 điểm đến có lượt tìm kiếm tăng 75% mỗi năm gồm Đà Lạt, Phú Quốc, Nha Trang, Vũng Tàu, Phan Thiết và Hội An.
Nguồn cung khách sạn tại Việt Nam đã tăng 3 lần trong 10 năm qua và có thể gia tăng trong 3 năm tới với hơn 100 dự án mới. Các loại phòng từ trung cấp đến hạng sang tăng nhanh nhất, đạt 6,7 lần từ năm 2009 đến năm 2022, trong khi số lượng biệt thự và resort mới trong năm 2022 tăng lần lượt 20% và 34% so với năm trước. Số lượng khách sạn được vận hành bởi các thương hiệu quốc tế dự kiến tăng gấp đôi trong 3 năm tới, từ 127 dự án năm 2022 lên 261 dự án năm 2025.
“Thị trường ngày càng có xu hướng tập trung, khi các chủ đầu tư trong nước có lợi thế sở hữu nhiều bất động sản nghỉ dưỡng hợp tác với các thương hiệu khách sạn quốc tế danh tiếng để chuẩn hóa và nâng cao chất lượng phục vụ cũng như giá trị của tài sản”, ông David Jackson - Tổng giám đốc Colliers Việt Nam đánh giá.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/du-lich-khac-khoai-cho-khach-post324591.html