Du lịch sinh thái tạo đà cho nông thôn mới huyện Bá Thước
Với tài nguyên thiên nhiên và danh lam thắng cảnh phong phú, Bá Thước đang trở thành điểm sáng trên bản đồ du lịch tỉnh Thanh Hóa. Đặc biệt, hiệu quả của lĩnh vực du lịch kết hợp nông nghiệp đang góp phần thúc đẩy xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Để từng bước phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp và bền vững, những năm qua, huyện Bá Thước đã chú trọng xây dựng các quy hoạch khu du lịch Son - Bá - Mười, khu du lịch thác Muốn, cùng nhiều điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển du lịch cộng đồng.
Thúc đẩy du lịch sinh thái
Trước năm 2018, kinh tế gia đình chị Hà Thị Tuyết, xã Thành Lâm còn gặp nhiều khó khăn. Nhưng kể từ khi các điểm du lịch tại địa phương dần nổi tiếng, du khách ghé thăm thường xuyên, chị Tuyết đăng ký theo học nghề đầu bếp và các lớp học ngắn hạn dạy kỹ năng làm du lịch cộng đồng.
Có kiến thức chị Tuyết mạnh dạn vay vốn mở homestay, hút khách tới tham quan, trải nghiệm. Nhờ làm du lịch, gia đình chị Tuyết không những thoát nghèo, mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động địa phương với mức thu nhập 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ là những “cánh chim lẻ”, phong trào phát triển du lịch cộng đồng ở xã Thành Sơn đang ngày càng lan rộng, cho hiệu quả cao, tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Theo thống kê, tính riêng năm 2022, số lượng khách du lịch đến với xã Thành Lâm là 20.150 lượt khách, trong đó có 3.060 lượt khách quốc tế. Từ đầu năm 2023 đến nay, xã đón hơn 12.000 khách du lịch, trong đó có 4.216 lượt khách quốc tế.
Ông Bùi Hải Đường, Bí thư Đảng ủy xã Thành Lâm, cho hay cụ thể hóa Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ huyện Bá Thước lần thứ XXIII, Đảng ủy xã đã ban hành Nghị quyết về việc phát triển du lịch xã Thành Lâm giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, xã tập trung khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế nguồn tài nguyên du lịch phong phú sẵn có của xã, đặc biệt hai cảnh quan ruộng bậc thang, các sinh hoạt văn hóa của đồng bào dân tộc Thái. Bên cạnh đó, xã tích cực huy động mọi nguồn lực đề đầu tư kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất; xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng để thu hút khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng.
“Phát triển mô hình du lịch cộng đồng đã giúp các hộ gia đình trong xã Thành Lâm có nguồn thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Hiệu quả của ngành du lịch trở thành điểm tựa để xã thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới”, ông Đường cho hay.
Nâng cao hiệu quả nông nghiệp
Nhờ chiến lược phát triển đúng hướng, các địa danh như thôn Đôn (xã Thành Lâm), Kho Mường (xã Thành Sơn), Lặn Ngoài (xã Lũng Niêm), hay các thôn Son - Bá - Mười (xã Lũng Cao), thác Hiêu (xã Cổ Lũng), thác Muốn (xã Điền Quang), hồ Duồng Cốc (xã Điền Hạ), thác Dần Long (xã Lương Ngoại),... ngày càng nổi tiếng. Đến những địa điểm trên, du khách được trải nghiệm, hòa mình với thiên nhiên núi rừng, đắm chìm trong bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Thái, huyện Bá Thước.
Theo lãnh đạo HĐND huyện Bá Thước, để phát huy thế mạnh về du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn, huyện Bá Thước đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HU về phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025.
Trong năm 2022, huyện đã đón được 82.646 lượt khách, vượt 122% so với năm trước, cao nhất từ trước đến nay. Hiện, toàn huyện có 94 cơ sở lưu trú, trong đó số cơ sở lưu trú dạng homestay, khu nghỉ dưỡng tại Khu du lịch Pù Luông là 74 cơ sở, công suất đón khoảng trên 1.300 lượt khách/ngày/đêm, giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 400 lao động địa phương.
Tổng doanh thu từ các hoạt động du lịch năm 2022 ước khoảng 120 tỷ đồng, qua đó góp phần vào nhiều tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới, như xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái...
Cùng với du lịch, huyện Bá Thước cũng đang đẩy mạnh thúc đẩy du lịch theo hướng hàng hóa, trong đó chủ động nâng cao vai trò của các HTX, doanh nghiệp để hình thành các chuỗi giá trị.
Năm 2015, được sự hỗ trợ từ cơ quan chức năng địa phương, 7 hộ gia đình dân tộc Mường ở xã Ái Thượng, huyện Bá Thước đã liên kết cải tạo vườn tạp, đầu tư làm giàn trồng gấc ở trên, trồng gừng ở dưới và thành lập HTX nông sản Bá Thước.
Các hộ dân tham gia mô hình của HTX sẽ được hỗ trợ kỹ thuật cải tạo vườn tạp cũng như cung cấp những kiến thức cơ bản để chăm sóc gừng, gấc theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Các thành viên có nhu cầu mua giống, mua phân bón sẽ được HTX giới thiệu đơn vị cung cấp đạt chất lượng, giá cả hợp lý.
Đến nay, HTX nông sản Bá Thước đang thu hút trên 20 hộ thành viên, nông dân liên kết, 2/3 trong số đó là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số (chủ yếu là người Mường). HTX đang trở thành điểm tựa vững vàng trong quá trình phát triển sản xuất của thành viên, đặc biệt là lao động nữ trên địa bàn
Nông thôn chuyển mình
Bên cạnh sản phẩm gấc, gừng chủ lực, trong hơn 3 năm qua, HTX nông sản Bá Thước chủ động đa dạng giống cây trồng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Điển hình, 2 ha ớt của HTX hiện đang cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra, HTX còn trồng thêm các loại rau, củ đậu, dưa vàng… Hầu hết các dòng sản phẩm của HTX đều có hợp đồng hỗ trợ bao tiêu của doanh nghiệp.
Cũng giống như HTX nông sản Bá Thước, HTX Dịch vụ phát triển mô hình con nuôi đặc sản vịt Cổ Lũng đang là mô hình kinh tế điểm, góp phần quan trọng trong mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước.
Hiện, HTX đang phát triển với quy mô đàn khoảng 2.000 con, thực hiện chăn nuôi vịt sinh sản, vịt thương phẩm và ấp nở trứng vịt. Nhờ được tập huấn kỹ thuật và tham gia các mô hình chăn nuôi tiêu biểu, thành viên HTX thay đổi phong tục tập quán chăn nuôi theo hình thức chăn thả, không phụ thuộc vào nguồn thức ăn từ tự nhiên mà chủ động tạo nguồn thức ăn tại chỗ.
Hiệu quả của quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái, cùng những đóng góp của các HTX, đang là chìa khóa để nông thôn mới huyện Bá Thước chuyển biến mạnh mẽ.
Các sản phẩm nông nghiệp từ các làng nghề truyền thống hướng tới phát triển sản phẩm OCOP đang là điểm nhấn thu hút khách du lịch đến tham quan. Toàn huyện có 5 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao là mật ong rừng, lạp sườn họ Hoàng, khâu nhục họ Hoàng, trà quýt hoi, vịt Cổ Lũng.
Đến nay, toàn huyện có 3 xã, 82 thôn đạt chuẩn nông thôn mới, 3 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 thôn nông thôn mới gắn với du lịch sinh thái cộng đồng (thôn Kho Mường, xã Thành Sơn; thôn Đôn, xã Thành Lâm; thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm; phố Đoàn, xã Lũng Niêm).