Du lịch văn hóa hồi sinh - Nhìn từ một chuyến đi
Sau khi mở cửa du lịch, ngoài Tam Chúc, du khách trở lại Hà Nam với những chuyến du lịch cộng đồng, văn hóa. Điểm đến hấp dẫn nhất vẫn là Khu tưởng niệm Nhà văn Nam Cao, Từ đường Nguyễn Khuyến, đền Lảnh Giang, chùa Bà Đanh, làng nghề dệt lụa Nha Xá…
Sau khi mở cửa du lịch, ngoài Tam Chúc, du khách trở lại Hà Nam với những chuyến du lịch cộng đồng, văn hóa. Điểm đến hấp dẫn nhất vẫn là Khu tưởng niệm Nhà văn Nam Cao, Từ đường Nguyễn Khuyến, đền Lảnh Giang, chùa Bà Đanh, làng nghề dệt lụa Nha Xá…
Giữa tháng 5, trời trở gió mùa. Lạ đến thú vị! Nhà giáo Hoàng Xuân Nghiêm, nguyên là giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương trở lại Hà Nam trong tiết trời mưa gió tầm tã. Ông đi cùng một số người bạn văn chương, trong đó có nhà báo Hải Đường, quê ở Hà Nam. Nghe nói, họ hẹn nhau nhiều lần, nhưng vì dịch bệnh kéo dài, kế hoạch về Hà Nam thăm một số danh lam, di tích văn hóa lịch sử phải hoãn lại nhiều lần. Giờ thì thích hợp rồi, Chính phủ cho mở cửa du lịch vì dịch bệnh đã được kiểm soát, cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới, chẳng có lý do gì mà kế hoạch du lịch phải hoãn thêm lần nữa. Biết là mưa gió tầm tã, đi từ Hà Nội về đến Phủ Lý chừng hơn một giờ đồng hồ, nhưng mưa không lúc nào ngớt. Vợ chồng đứa cháu nhà báo Hải Đường ở Phủ Lý đón họ, làm nhiệm vụ dẫn đường. Điểm đến đầu tiên trong hành trình “Về Hà Nam” là quán canh cá rô nổi tiếng gần xa. Quán quá đông, mấy chiếc xe khách du lịch xếp hàng trước cửa, phải chờ 15 - 20 phút mới có chỗ ngồi. Mấy cụ nhà báo, nhà văn không hề tỏ ra sốt ruột, bằng kinh nghiệm, họ biết phải ngon thì mới đông đến vậy. Chờ một chút để thưởng thức món ngon của Hà Nam thế nào! Ăn xong, ai cũng nức nở khen ngon. Vẫn biết, đây là món ăn rất hợp với người lớn tuổi, với những người từng có thời gắn bó với nông thôn, hòa mình vào cuộc sống dân dã.
Canh cá rô Phủ Lý cũng là món “để đời” với nhiều người, trong đó có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Trong hồi ký của ông viết về những năm tháng công tác ở Hà Nam (1997-2001) trên cương vị là Bí thư Tỉnh ủy: “Bữa ăn hằng ngày... món canh cải cá rô đồng, một món rất đại chúng, nhưng hấp dẫn và dễ ăn. Có thể chỉ ăn món ấy thay cơm được. Ngày ấy, tôi không nghĩ món bánh cuốn chả nướng và bánh canh cá rô đồng sau này trở thành thương hiệu đặc sản nổi tiếng của Phủ Lý, Hà Nam. Hóa ra, tôi là người đã được thưởng thức rất sớm món ăn dân dã, đậm đà hương vị đồng quê sau này rất hút khách ngược xuôi qua tỉnh”.
Câu chuyện ẩm thực Hà Nam tiếp tục được mang lên xe, nói trên một hành trình dài gần 40km từ Phủ Lý về đến Hòa Hậu, huyện Lý Nhân. Họ đến thăm Khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao, khu nhà “Bá Kiến”, sau đó vòng về Bình Lục, thăm Từ đường Nguyễn Khuyến. Đến đâu, đoàn khách văn cũng dừng lại rất lâu, ngắm nghía kỷ vật, bồi hồi và xúc động khi hòa vào không gian ngập tràn ký ức. Đó là ký ức văn chương, một hiện thực trước mắt với những hồi tưởng văn học đan xen. Người trông coi Khu tưởng niệm nhà văn Nam Cao là một cựu chiến binh già, có nước da bánh mật, mái tóc thưa thớt những sợi bạc trắng, nụ cười hiền hậu. Ông lão làm cho đoàn khách ngạc nhiên khi nghe thuyết minh về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nam Cao, về vùng đất nổi tiếng trong văn chương và đời thực. Văn chương thì ai cũng biết, còn đời thực thì biết nhưng khó mà tường tận. Đó là nơi có tới 3 đặc sản nổi tiếng đất nước này, là hồng không hạt, chuối ngự tiến vua, cá kho Đại Hoàng. Miếng ngon để đời là thế!
Người dân Hòa Hậu giờ đây biết cách làm du lịch cộng đồng tương đối linh hoạt. Họ kho cá bán tại khu nhà “Bá Kiến”. Chị chủ quán, nhà đối diện với nhà “Bá Kiến” nói với khách: Mỗi ngày nhà chị kho hàng trăm nồi, ít cũng vài chục cho khách tham quan. Ai cũng có thể mua món đặc sản cá trắm đen kho riềng, tương cua, nước mắm, chanh ớt… trong nồi đất nung mua từ Nghệ An, Thanh Hóa với các mức giá khác nhau, hợp túi tiền du khách. Trong khi chị chủ quán xếp hàng cho khách ngay ngắn, đẹp đẽ thì anh chồng pha trà, lấy thuốc mời khách, xởi lởi kể chuyện làng quê mình. Khách ngồi nghe chuyện, nhìn bà chủ làm hàng, thỉnh thoảng dõi mắt về phía nhà “Bá Kiến”, lòng bỗng mênh mông xúc cảm. Anh chủ quán nói, từ hôm mở cửa du lịch, du khách về đây đông dần. Trước nhà anh không bán cá kho đận này, nhưng giờ khách đến tham quan di tích bao giờ cũng hỏi mua chuối ngự, cá kho làm quà. Chuối năm nay thì mất mùa, khó kiếm chuối ngon tại vườn. Còn cá kho thì đáp ứng nhu cầu của khách sẵn hơn, dễ hơn…
Về Từ đường Nguyễn Khuyến, khách có thể được chiêm ngưỡng không gian thôn quê bình dị và nên thơ. Vẫn còn đâu đó dáng nét của “Thu vịnh” năm nao bởi hàng trúc nghiêng bóng bên bờ, bởi những âm thanh vọng về từ mặt ao vừa hứng đón trận mưa rào mùa hạ… Ông Tùng, cháu nhiều đời của nhà thơ Tam Nguyên đang trông coi từ đường vừa nằm nghỉ một chút sau khi tiếp một đoàn khách là học sinh đến thắp hương xin cụ được đỗ đạt trong kỳ thi tới thì lại ngồi dậy tiếp đoàn khách từ Hà Nội về thăm. Hướng dẫn viên du lịch không bằng cấp, không chứng chỉ, không được đào tạo chuyên môn như ông Tùng mà vẫn làm ngơ ngẩn tinh thần du khách, nhất là khách văn. Ông nói về cuộc đời và sự nghiệp của cụ Tam Nguyên vanh vách, dẫn chương, trích cú làu làu… Tại đây, có quá nhiều chỗ để du khách chụp ảnh làm kỷ niệm.
Nhà giáo Hoàng Xuân Nghiêm cứ lưu luyến ở các điểm đến trong chuyến du lịch này. Ông nói, Hà Nam chẳng cách Hà Nội bao xa, vậy mà có những điểm du lịch có thể đi về trong ngày tiện lợi mà thú vị thế này mới đáng nhớ. Nhà báo Hải Đường xúc động đến mức bật ra một bài thơ “cứa lòng” những ai yêu văn chương, biết về Nam Cao và “làng Vũ Đại ngày ấy”: “Mưa làng Vũ Đại mưa dai/ Ngôi nhà Bá Kiến mưa dài trăm năm/ Lặng nghe sau lớp ngói trầm/ Lời trao lương thiện ân cần đón đưa”… Đó là chuyện của một đoàn du khách trở lại Hà Nam sau những tháng ngày du lịch tạm thời đóng cửa để phòng, chống dịch.
Hành trình du lịch văn hóa ở Hà Nam còn nhiều điểm hấp dẫn, đông khách hơn thế những ngày qua. Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết, giờ đây, du khách biết đến Hà Nam không chỉ vì có Tam Chúc, chùa Bà Đanh, đền Trần Thương, đền Lảnh Giang… mà còn nhiều điểm du lịch văn hóa khác. Ngay từ những ngày đầu mở cửa, Hà Nam đã đón một lượng khách trở lại các khu điểm du lịch này đông bất ngờ. Đó cũng là thời gian Hà Nam đã tổ chức thành công một số sự kiện thể thao tầm cỡ quốc gia, quốc tế như Giải Marathon “Vì an toàn giao thông”, SEA Games 31, tạo điểm nhấn vô cùng đặc biệt cuốn hút du khách tìm về Hà Nam.
Ông Nguyễn Văn Trọng khẳng định: “Chúng tôi đã đạt được mục tiêu của mình đưa hình ảnh về mảnh đất và người Hà Nam đến với bạn bè trong và ngoài nước qua các sự kiện này nhờ sự tổ chức thành công và đầy uy tín. Đó cũng là một trong những giải pháp phục hồi và phát triển du lịch trong tình hình mới. Vì thế, chỉ trong 6 tháng đầu năm, Hà Nam đã đón gần 1,9 triệu lượt khách du lịch, đạt trên 71% kế hoạch năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt 75.500 lượt người. Doanh thu du lịch ước đạt trên 1.280 tỷ đồng”.