Một ngày tại Thành Nhà Hồ
Thành Nhà Hồ là một trong những công trình kiến trúc độc đáo bậc nhất Việt Nam. Trải qua hơn 600 năm, di tích này vẫn vững vàng như một minh chứng lịch sử sống động và là điểm đến giàu giá trị văn hóa, lịch sử cho du khách trong và ngoài nước.

Thành Nhà Hồ, điểm đến yêu thích tại Thanh Hóa.
Đi qua cánh đồng bát ngát của những làng quê bình yên, trù phú, chúng tôi đến Thành Nhà Hồ, xã Tây Đô. Cổng thành phía Nam là điểm dừng chân đầu tiên của du khách trong hành trình. Đây là cổng chính và cũng là hạng mục kiến trúc nổi bật nhất còn được bảo tồn nguyên vẹn. Tại đây, có những khối đá xanh đồ sộ, khổng lồ ghép chặt vào nhau không cần chất kết dính, tạo thành mái vòm uy nghi, bền vững. Càng bước lại gần, vẻ đẹp của công trình càng hiện rõ trong từng đường nét vững chãi, gợi nhắc đến một thời vàng son của vương triều Hồ.
Sử sách ghi lại, Thành Nhà Hồ được xây dựng vào năm 1397 dưới thời Hồ Quý Ly, thành từng là kinh đô của nước Đại Ngu. Dù vương triều này chỉ tồn tại trong 7 năm, nhưng dấu ấn để lại về kiến trúc, chính trị và các cải cách vẫn còn nguyên giá trị trong dòng chảy lịch sử dân tộc. Đặc biệt, kỹ thuật xây dựng thành bằng đá quy mô lớn của người xưa vẫn là điều khiến các nhà nghiên cứu hiện đại ngạc nhiên và nể phục. Bên trong khuôn viên thành là một không gian rộng lớn, xanh mát, nơi vẫn lưu giữ nhiều dấu tích của các công trình kiến trúc như nền cung điện, đường trục trung tâm, hệ thống giếng cổ... Nhiều hạng mục đã không còn nguyên vẹn, nhưng khi dạo bước qua từng khu vực, kết hợp cùng câu chuyện của hướng dẫn viên, du khách dễ dàng hình dung được quy mô và tổ chức không gian của một kinh đô cổ.

Khách tham quan tại nhà trưng bày hiện vật.
Không xa đó là Nhà trưng bày di tích Thành Nhà Hồ, nơi lưu giữ hàng trăm hiện vật khảo cổ, hình ảnh tư liệu, mô hình mô phỏng cấu trúc thành và các loại gạch, gốm sứ, vật dụng sinh hoạt từng được tìm thấy trong các đợt khai quật. Không gian trưng bày được thiết kế đơn giản, thân thiện, thuận tiện cho khách tham quan tiếp cận thông tin và hình dung cụ thể hơn về đời sống, sinh hoạt trong thành cổ xưa.
Một trong những điểm đáng chú ý là khu vực Đàn tế Nam Giao, nằm cách thành chính khoảng 2km. Đây từng là nơi triều đình tổ chức các nghi lễ tế trời, cầu cho quốc thái dân an. Được phục dựng trên nền gốc cũ, đàn tế giúp du khách hiểu rõ hơn về nghi thức và tín ngưỡng của triều đại Nhà Hồ với nhiều cải cách tiến bộ, nhất là trong quản lý xã hội, giáo dục và quân sự. Chị Nguyễn Thị Mai, một du khách đến từ thủ đô Hà Nội chia sẻ “Ban đầu tôi thắc mắc Thành Nhà Hồ có gì để có thể níu chân du khách trong một ngày. Tuy nhiên, tôi đã có một ngày rất thú vị tại đây với những câu chuyện lịch sử hào hùng, trải nghiệm tham quan, ẩm thực và không thiếu những bức ảnh đẹp. Đặc biệt, không gian xung quanh thành rất yên bình, giúp chúng tôi thư giãn thoải mái”.
Sự yên bình đó một phần đến từ chính nhịp sống của người dân trong khu vực “nội thành”. Họ vẫn sinh hoạt, sản xuất ngay bên cạnh di tích, tạo nên sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ, giữa cuộc sống thường ngày và giá trị di sản. Chính điều này là nét riêng hiếm có, mang lại cảm giác gần gũi cho du khách. Hầu hết các hộ dân sống tại đây đều đã quen với việc đón khách du lịch, nhất là các đoàn khách quốc tế về tham quan, khảo sát. Bởi lẽ đó, với niềm tự hào di tích, họ sẵn sàng giao lưu cùng du khách, kể chuyện xưa, hướng dẫn đường đi hay chỉ đơn giản là mời nhau chén nước chè... Trong thành có gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP để du khách thưởng thức và mua sắm.

Gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP, nơi du khách trải nghiệm mua sắm.
Trong những năm gần đây, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ thường xuyên tổ chức các hoạt động, chương trình mới, mang đến cho du khách nhiều trải nghiệm thú vị. Bên cạnh các khu trưng bày hiện vật ngoài trời, trung tâm còn để tổ chức các trò chơi dân gian và giới thiệu nét độc đáo ẩm thực địa phương; tổ chức các chương trình giáo dục di sản như “Rực rỡ cố đô”, “Cho chữ đầu xuân”... Đặc biệt, trung tâm ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số nhằm gia tăng trải nghiệm và mang di sản đến gần hơn với công chúng như sử dụng công nghệ thuyết minh 3D, tích hợp mã QR nghe thuyết minh tự động, số hóa hiện vật...
Một ngày tại Thành Nhà Hồ sẽ trọn vẹn và thú vị hơn nếu du khách ở lại lưu trú tại địa phương. Ngắm hoàng hôn buông trên tường đá cổ, rồi đi chợ nghe tiếng nói cười của người dân quê, khoảnh khắc kỳ diệu và những thanh âm của cuộc sống không chỉ tạo ra những bức ảnh đẹp mà còn là ký ức luyến lưu mãi trong lòng du khách.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/mot-ngay-tai-thanh-nha-ho-38113.htm