Sức bật mới cho Quảng Ngãi trên bản đồ du lịch
Lý Sơn- 'viên ngọc biển đảo' và Măng Đen- 'viên ngọc xanh' của đại ngàn, cùng hội tụ, tạo nên sức bật mạnh mẽ cho du lịch Quảng Ngãi. Sự hòa quyện rừng - biển mở ra hướng đi bền vững, từng bước đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
TIỀM NĂNG SONG HÀNH
Sau hợp nhất tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum, tỉnh Quảng Ngãi mới không chỉ mở rộng về địa lý mà còn gia tăng sức mạnh nhờ hội tụ ba vùng sinh thái: Biển đảo, đồng bằng và cao nguyên. Trong đó, Lý Sơn và Măng Đen là 2 điểm sáng nổi bật, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đặc khu Lý Sơn nhìn từ trên cao.
Nằm cách đất liền khoảng 15 hải lý, Đặc khu Lý Sơn từ lâu được mệnh danh là “vương quốc tỏi”, nổi tiếng với biển xanh, cát trắng, những miệng núi lửa hàng triệu năm tuổi cùng hệ thống di sản văn hóa biển đảo phong phú.
Du khách đến Lý Sơn không chỉ được chiêm ngưỡng các thắng cảnh độc đáo như Hang Câu, Chùa Hang, Cổng Tò Vò, đỉnh núi Thới Lới, mà còn có thể trải nghiệm đời sống mộc mạc của cư dân đảo, theo chân ngư dân ra khơi hay tham quan các ruộng tỏi trắng muốt trên nền cát biển.

Thiên nhiên ban tặng cho Lý Sơn nhiều cảnh đẹp.
Không chỉ có thiên nhiên ban tặng cảnh sắc hữu tình, Lý Sơn còn được ví như “bảo tàng sống” của chủ quyền biển đảo Việt Nam. Trên đảo, nhiều di tích thiêng liêng như đình làng An Vĩnh, Âm Linh Tự, Nhà trưng bày Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải… vẫn được gìn giữ, kể lại câu chuyện về những hùng binh Hoàng Sa năm xưa, giong buồm vượt trùng khơi, gìn giữ biển trời Tổ quốc.
Những năm gần đây, Lý Sơn đang đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái biển, du lịch cộng đồng gắn với bảo vệ môi trường biển đảo. Các tour tham quan đảo Bé, lặn ngắm san hô, tìm hiểu nghề tỏi ngày càng thu hút du khách. Hệ thống giao thông, hạ tầng lưu trú, dịch vụ trên đảo được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện để Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo quốc gia.

Măng Đen thu hút du khách bởi những hồ nước tĩnh lặng, thác nước hùng vĩ. Ảnh: BAN NGUYÊN
Nếu Lý Sơn là “viên ngọc giữa biển Đông” thì Măng Đen lại được mệnh danh là “viên ngọc xanh” của đại ngàn, với độ cao hơn 1.200m so với mực nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm. Nơi đây hội tụ rừng thông bạt ngàn, những thác suối còn nguyên vẹn như thác Pa Sỹ, suối Đăk Pne, hồ Đắk Ke, rừng nguyên sinh với hệ động thực vật phong phú, nhiều loài quý hiếm cần được gìn giữ.
Măng Đen còn mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào Xê Đăng, Mơ Nâm, H’rê với những lễ hội truyền thống, tiếng cồng chiêng vang vọng, nếp nhà rông, nghề thủ công và ẩm thực bản địa đặc sắc như cơm lam, gà nướng, rượu cần. Du khách đến Măng Đen có thể trải nghiệm các tour trekking, săn mây, cắm trại, lưu trú cộng đồng, hòa mình vào nhịp sống bình yên của đồng bào bản địa.

Măng Đen hấp dẫn du khách bởi khí hậu, văn hóa địa phương, ẩm thực và nhiều nét độc đáo thiên nhiên. Ảnh: TIÊU DAO
Những năm gần đây, Măng Đen đã thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Các mô hình homestay, farmstay mọc lên giữa rừng thông, mở ra không gian nghỉ dưỡng xanh, gần gũi thiên nhiên, đáp ứng xu hướng du lịch chậm, tìm về thiên nhiên, chăm sóc sức khỏe. Măng Đen đang từng bước khẳng định vai trò là trung tâm du lịch xanh của Tây Nguyên, là “cánh rừng” bổ sung cho “cánh sóng” biển đảo Lý Sơn, tạo nên tuyến du lịch liên vùng rừng – biển độc đáo, ít nơi nào có được.
LIÊN KẾT RỪNG - BIỂN, "CHẮP CÁNH" DU LỊCH QUẢNG NGÃI
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang nhấn mạnh, sau khi hợp nhất, Quảng Ngãi sở hữu lợi thế khác biệt để phát triển du lịch bền vững, khi vừa có Lý Sơn – “viên ngọc biển đảo”, vừa có Măng Đen – cao nguyên xanh mát được ví như “Đà Lạt thứ hai”. Đây sẽ là hai cực phát triển quan trọng, tạo động lực để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trụ cột của tỉnh.
Theo Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị, Lý Sơn được định hướng trở thành trung tâm du lịch biển đảo quốc gia. Tỉnh đã xây dựng đề án phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái biển, khám phá địa chất núi lửa, trải nghiệm văn hóa ngư dân thông qua các lễ hội truyền thống, di tích lịch sử, tín ngưỡng và ẩm thực đặc sắc.

Đảo Bé Lý Sơn - 'hòn ngọc xanh' giữa trùng khơi.
Trong khi đó, Măng Đen được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng tầm cỡ, khai thác tối đa lợi thế khí hậu mát mẻ, rừng nguyên sinh và văn hóa giàu bản sắc của Tây Nguyên. Tỉnh đã triển khai nhiều tour liên kết như tour Măng Đen – Lý Sơn, kết hợp các điểm đến nổi bật như Thiên Ấn, Sa Huỳnh, các làng nghề truyền thống, đồng thời phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm trải nghiệm đa dạng để thu hút du khách.
Để phát huy tối đa tiềm năng, Quảng Ngãi xác định hạ tầng là yếu tố then chốt. Tỉnh đang tập trung đầu tư các tuyến kết nối chiến lược như cao tốc Quảng Ngãi – Kon Tum, đường ven biển Dung Quất – Sa Huỳnh, đồng thời đề xuất xây dựng sân bay tại Lý Sơn và Măng Đen nhằm mở rộng khả năng tiếp cận du khách quốc tế. Riêng tại Lý Sơn, các dự án cảng Sa Kỳ – Lý Sơn, hạ tầng chống xói lở và các khu nghỉ dưỡng, công viên văn hóa, hạ tầng du lịch xanh đang được đẩy nhanh tiến độ.

Hoa anh đào nở rộ trong mùa lạnh tháng 10 và 11 ở Măng Đen. Ảnh: TIÊU DAO
Phát triển bền vững cũng được tỉnh Quảng Ngãi đặt lên hàng đầu. Tại Lý Sơn, nơi chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu và áp lực du lịch, tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý rác thải, bảo vệ rạn san hô, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo. Ở Măng Đen, trọng tâm là phát triển các khu nghỉ dưỡng sinh thái gắn với gìn giữ rừng nguyên sinh và văn hóa Tây Nguyên.
“Tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thông qua công tác quy hoạch đồng bộ, cơ chế ưu đãi, thủ tục hành chính minh bạch, thu hút các tập đoàn lớn đầu tư phát triển các dự án du lịch cao cấp”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang cho biết.
Song song đó, Quảng Ngãi đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Lý Sơn, Măng Đen ra thế giới qua truyền thông số, mạng xã hội, hội chợ du lịch quốc tế, đồng thời chuyển đổi số trong quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên du lịch để hỗ trợ du khách tra cứu thuận tiện. Tỉnh cũng phối hợp với các doanh nghiệp lữ hành thiết kế các sản phẩm du lịch đặc trưng, nhấn mạnh liên kết rừng – biển, tạo sức bật mới cho du lịch Quảng Ngãi sau sáp nhập.

Bãi biển với làn nước trong xanh trên Đảo bé Lý Sơn.
“Với sự kết hợp độc đáo giữa Lý Sơn và Măng Đen, Quảng Ngãi sẽ tận dụng tối đa lợi thế rừng và biển, đầu tư hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh quảng bá và phát triển bền vững, phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Tôi tin rằng, với sự đồng lòng của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, Quảng Ngãi sẽ sớm trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch quốc gia và quốc tế”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang kỳ vọng.
Từ sự định hướng bài bản, cùng sự chung sức của chính quyền, doanh nghiệp và người dân, Lý Sơn và Măng Đen sẽ là “đôi cánh” mạnh mẽ, chắp cánh cho du lịch Quảng Ngãi bứt phá, ghi dấu ấn mới trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực.
Bài, ảnh: LINH ĐAN
Nguồn Quảng Ngãi: https://baoquangngai.vn/suc-bat-moi-cho-quang-ngai-tren-ban-do-du-lich-54157.htm