Du lịch xanh. Bài 3: Đâu chỉ mỗi môi trườngMàu của liên kếtNhững sắc màu lạ

Và Bình Thuận cũng đang bắt đầu cho mô hình du lịch xanh cụ thể, dù hiện tại việc xanh hóa nền du lịch đã diễn ra theo nhu cầu thu hút khách đến từ nhiều năm trước.

Du lịch xanh

Điểm khác biệt mà chỉ riêng lĩnh vực du lịch mới có, đó là sự liên kết mang tính khu vực Đông Nam Á, vừa thể hiện nét rất chung nhưng cũng rất riêng. Điều đó được thể hiện qua việc ASEAN đã nghiên cứu, xây dựng Chiến lược phát triển Du lịch ASEAN giai đoạn 2016 - 2025, trong đó có nội dung ưu tiên phát triển du lịch xanh, bền vững, hài hòa, thống nhất và có hiệu quả. Để cụ thể hóa nội dung này, cộng đồng Du lịch ASEAN đã xây dựng và ban hành 8 Bộ tiêu chuẩn về du lịch xanh. Từ đó đến nay, có một số khách sạn, khu du lịch cộng đồng, du lịch Mice, thành phố du lịch, homestay… ở Việt Nam được đạt giải, trong đó có Khu Nghỉ Seahorse & spa ở Bình Thuận với giải thưởng Khách sạn xanh ASEAN. Bên cạnh những lợi ích mang lại sau giải thưởng, điều đáng nói, những tiêu chuẩn đưa ra ấy của ASEAN khuyến khích cái riêng, cái bản sắc của từng vùng, miền, quốc gia nên đã kích thích sự tò mò, háo hức khám phá của du khách. Do đó, đã tạo sức hút cho liên kết du lịch trên thêm bền chặt, mang màu sắc của văn hóa, của hy vọng.

Tương tự như màu của liên kết trên, mới đây 7 tỉnh và thành phố thuộc miền Đông Nam bộ, trong đó có Bình Thuận đã thỏa thuận, thống nhất cam kết tham gia chương trình kích cầu du lịch với chủ đề “7 địa phương - du lịch an toàn và hấp dẫn”. Mục tiêu của chương trình là tạo ra sự liên kết giữa các cơ quan quản lý nhà nước của địa phương, giữa các địa phương và doanh nghiệp trong việc tham gia và xây dựng những chương trình kích cầu thu hút khách du lịch nhằm khôi phục nhanh thị trường khách du lịch sau dịch Covid-19, trong đó lấy khách du lịch nội địa làm trọng tâm. Theo đó, sẽ triển khai chương trình quảng bá, truyền thông về du lịch an toàn, sẽ xây dựng bản đồ số du lịch an toàn tại địa phương, đồng thời tích hợp vào bản đồ chung của 7 địa phương, đưa thành 1 nội dung truyền thông chính để du khách dễ dàng tra cứu các điểm đến, sản phẩm và dịch vụ an toàn, tạo sự an tâm cho khách hàng trước khi đặt dịch vụ… Kết quả như thế nào cần có thời gian nhưng chính sự chung sức của 7 tỉnh, thành trên giúp du khách có cơ hội lựa chọn trên mọi khía cạnh. Chắc chắn, sự lựa chọn ấy không ở giá cao hay thấp, vì vốn dĩ chương trình đã ban hành mức giá cực kỳ cạnh tranh, nên vấn đề chính vẫn là tính chất của du lịch nơi ấy, là du lịch xanh.

Đồi cát Trinh Nữ và Bàu Trắng. Ảnh: N.Lân

Theo ông Ngô Minh Chính, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận, chính những liên kết du lịch trên nhằm tìm điểm chung nhất để cùng nhau phát triển, để cùng nhau vượt qua khó khăn lúc dịch bệnh cũng đã thể hiện nghĩa bóng của du lịch xanh. Du lịch xanh có nghĩa rất rộng, bao trùm nhiều khía cạnh trong đời sống hoạt động du lịch. Đó không chỉ đơn thuần là du lịch thân thiện với môi trường, mà yếu tố xanh ấy còn thể hiện qua sự đa dạng sinh học, sinh thái của vùng đó; qua sự mến khách của người dân, sự chuyên nghiệp trong phục vụ du khách cũng như có kiến thức, hiểu biết về tự nhiên, xã hội… của đội ngũ nhân lực phục vụ du lịch; qua văn hóa riêng biệt mà du khách có thể tìm hiểu, trải nghiệm ăn, ở nhà dân từ mô hình homestay… và cụ thể như cây xanh cũng phải là cây bản địa. Vì vậy, xây dựng du lịch xanh là một quá trình cần sự chung tay của cả cộng đồng, cả về nhận thức lẫn hành động.

Nói cần sự chung tay của cộng đồng, vì tất cả những “báu vật” của du lịch xanh đều nằm trong chính cộng đồng, do nhân dân đóng vai trò quyết định góp phần giữ gìn, tôn tạo. Nhất là Bình Thuận hiện có cả 1 kho tàng về tài nguyên nhân văn với hàng loạt di tích lịch sử - văn hóa kiến trúc cổ lẫn tín ngưỡng dân gian như đình, chùa, dinh, vạn, lăng tẩm rải khắp các huyện, thị, thành phố. Bên cạnh, còn có các danh lam thắng cảnh, các thắng cảnh lịch sử truyền thống cách mạng, các căn cứ kháng chiến… Chưa hết, còn có các di tích lịch sử - văn hóa về kiến trúc cổ người Chăm được bảo tồn, các tháp Chăm mới phát hiện, bộ sưu tập di sản văn hóa hoàng tộc Chăm và các đền thờ. Trong không gian chung này là nền văn hóa đa dạng và lâu đời với nhiều dân tộc chung sống Chăm, Hoa, Rắc lây, K’ho và Tày… cùng các lễ hội truyền thống như lễ Nghinh Ông, lễ hội Cầu Ngư… Không chỉ thế, Bình Thuận còn có những sản phẩm đặc trưng đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam công nhận như: Thương hiệu nước mắm đầu tiên tại Việt Nam, Resort - hotel nằm ven biển nhiều nhất, lễ hội Nghinh Ông Quan thánh Đế Quân với rồng xanh dài nhất, tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn dài nhất… Tuy nhiên, để những báu vật đó phát huy giá trị, rất cần một đội ngũ phục vụ cho du lịch xanh với yêu cầu có kỹ năng, kiến thức rộng để truyền tải được đến du khách chính xác và lung linh như vốn dĩ đã có.

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 16/26 cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang đào tạo các ngành nghề du lịch. Các cơ sở đào tạo thường xuyên đầu tư, đổi mới cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng đào tạo nghề đáp ứng các tiêu chuẩn dạy cấp độ ASEAN. Vì vậy, đã đưa vào sử dụng các xưởng thực hành bếp Âu, Á, phòng lễ tân, phòng thực hành buồng VIP, phòng thực hành bar và phòng thực hành hội nghị. Theo đó, 10 năm qua, đội ngũ nhân lực du lịch ở tỉnh đã được bổ sung thêm gần 17.000 lao động với trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề… Bên cạnh còn có 100 lớp bồi dưỡng với hơn gần 3.600 học viên hình thành từ các chương trình phối hợp của Hiệp hội Du lịch, trong đó có Dự án Kỹ năng Nghề nghiệp Việt Nam (VSEP) – Canada góp phần đưa chất lượng du lịch lên một bước mới.

Trong bối cảnh hiện tại, khi hạ tầng kỹ thuật cho du lịch Bình Thuận được cải thiện dần, nhất là cao tốc, sân bay… đang xây dựng, nhiều doanh nghiệp du lịch, cụ thể tại khu du lịch Hàm Tiến – Mũi Né đang rất kỳ vọng về sự bứt phá số lượng du khách nghỉ dưỡng đến từ các nước Bắc Âu nói chung và Nga nói riêng theo hướng tăng 200% phòng nghỉ, tức từ 10.000 phòng nghỉ của hiện tại sẽ lên 30.000 phòng nghỉ trong thời gian tới. Và Bình Thuận cũng đang bắt đầu cho mô hình du lịch xanh cụ thể, dù hiện tại việc xanh hóa nền du lịch đã diễn ra theo nhu cầu thu hút khách đến từ nhiều năm trước.

Theo các chuyên gia du lịch, để phát triển du lịch xanh cần triển khai 5 giải pháp, trong đó có cả yếu tố ngăn chặn kiến trúc, văn hóa ngoại lai. Tuy nhiên, điều tiên quyết vẫn là xây dựng quy hoạch tổng thể, chi tiết những khu, tuyến, điểm du lịch xanh, có tính đến các yếu tố về môi trường tự nhiên, môi trường xã hội và đa dạng sinh học. Từ đó mới khai thác và phát huy thế mạnh của du lịch xanh.

8 Bộ tiêu chuẩn được các Bộ trưởng Du lịch trong ASEAN thông qua và áp dụng trong toàn khu vực:

Tiêu chuẩn Khách sạn xanh ASEAN (ban hành năm 2007 và chỉnh sửa năm 2013); Tiêu chuẩn Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê ASEAN (ban hành năm 2014); Tiêu chuẩn khu du lịch cộng đồng ASEAN (ban hành năm 2015); Tiêu chuẩn điểm du lịch MICE ASEAN (ban hành năm 2016); Tiêu chuẩn Sản phẩm du lịch bền vững ASEAN (ban hành năm 2016); Tiêu chuẩn Thành phố du lịch sạch ASEAN (ban hành năm 2016); Tiêu chuẩn Spa ASEAN (ban hành năm 2017) và Tiêu chuẩn Nhà vệ sinh công cộng ASEAN (ban hành năm 2017).

Bích Nghị

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/trang%20du%20lich/du-lich-xanh-bai-3-dau-chi-moi-moi-truong-131795.html