Dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vượt 17 triệu tỷ đồng

Gần 1,55 triệu tỷ đồng tín dụng đã được 'bơm' vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm, tương đương 260.000 tỷ mỗi tháng, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước.

 Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo sáng 8/7. Ảnh: SBV

Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà chủ trì họp báo sáng 8/7. Ảnh: SBV

Sáng 8/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã họp báo công bố kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và định hướng điều hành cho nửa cuối năm 2025.

Tại sự kiện, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà đánh giá, bức tranh kinh tế toàn cầu đầu năm 2025 đang đối mặt với nhiều thách thức khi đà tăng trưởng chững lại do tác động của những thay đổi nhanh chóng về chính sách thuế cùng diễn biến địa chính trị ngày càng phức tạp.

Dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế vượt 17 triệu tỷ đồng

Theo Phó Thống đốc, trong 6 tháng đầu năm 2025, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, chủ động và bám sát diễn biến thị trường. Việc giữ nguyên các mức lãi suất điều hành đã giúp các tổ chức tín dụng tiếp cận vốn với chi phí hợp lý, qua đó hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, NHNN chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, đẩy mạnh chuyển đổi số để tạo dư địa giảm lãi suất cho vay.

Về tỷ giá, NHNN tiếp tục theo đuổi chính sách điều hành linh hoạt, kết hợp chặt chẽ các công cụ tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại hối, góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. Nhờ đó, thị trường ngoại tệ vận hành thông suốt, nhu cầu ngoại tệ chính đáng của nền kinh tế được đáp ứng đầy đủ và tỷ giá USD/VND duy trì ở mức phù hợp với diễn biến cung - cầu.

Bám sát mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát do Quốc hội và Chính phủ giao, NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2025 khoảng 16%, đồng thời phân bổ chỉ tiêu tín dụng tới từng ngân hàng ngay từ đầu năm theo nguyên tắc công khai, minh bạch.

Theo Phó Thống đốc, kết quả là đến ngày 30/6, tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã vượt 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, trong đó phần lớn tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và sản xuất - kinh doanh. Chỉ trong nửa năm, hệ thống ngân hàng đã bơm gần 1,55 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế – tương đương gần 260.000 tỷ đồng mỗi tháng. So với cùng kỳ năm trước, tín dụng tăng 19,32%, ghi nhận mức tăng cao nhất kể từ năm 2023.

Theo thống kê từ NHNN, đến cuối tháng 5/2025, tín dụng dành cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ghi nhận mức tăng 5,31% so với cuối năm 2024, chiếm 23,16% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Tín dụng dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng tăng 5,71%, chiếm 17,51% dư nợ. Tín dụng cho hoạt động xuất khẩu (không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp) tăng 2,91%, chiếm tỷ trọng 2,06%, trong khi tín dụng dành cho công nghiệp hỗ trợ tăng mạnh 15,69%, chiếm 3,24% tổng dư nợ.

Song song với đó, hoạt động chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tiếp tục được đẩy mạnh. Lãnh đạo NHNN cho biết đang tích cực hoàn thiện hành lang pháp lý và cơ chế hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển ngân hàng số và ứng dụng công nghệ mới. Đến nay, hầu hết các dịch vụ ngân hàng cơ bản đã được thực hiện qua kênh số, với nhiều ngân hàng ghi nhận tỷ lệ giao dịch số vượt 95%.

Về định danh điện tử, toàn ngành ngân hàng đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để triển khai Đề án 06. Tính đến ngày 13/6, đã có hơn 117 triệu hồ sơ cá nhân được đối chiếu sinh trắc học qua CCCD gắn chip hoặc VNeID, chiếm gần như toàn bộ số tài khoản thanh toán cá nhân đang hoạt động trên nền tảng số. Bên cạnh đó, hơn 927.000 hồ sơ khách hàng tổ chức cũng đã hoàn tất đối chiếu, tương đương hơn 70% tổng số tài khoản tổ chức phát sinh giao dịch qua kênh điện tử.

Kịch bản điều hành tiền tệ: Chủ động trước sóng lớn toàn cầu

Trong phần còn lại của năm 2025, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho rằng nền kinh tế toàn cầu vẫn đối mặt nhiều bất định, từ rủi ro địa chính trị đến chính sách thuế. Mới đây, Mỹ đã tuyên bố áp thuế 25 - 40% lên hàng hóa từ 14 quốc gia, có hiệu lực từ 1/8, đồng thời cảnh báo sẽ đáp trả nếu bị trả đũa. Dù lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt, nguy cơ lạm phát tăng trở lại vẫn hiện hữu.

Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng những tháng tiếp theo trong năm 2025, Phó Thống đốc nhấn mạnh, chính sách tiền tệ sẽ được điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác góp phần ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, trong đó:

Thứ nhất, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để giảm lãi suất cho vay;

Thứ hai, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường quốc tế và trong nước, điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát;

Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro;

Thứ tư, tiếp tục triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu; triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế phát sinh nợ xấu mới;

Thứ năm, tập trung triển khai thực hiện các Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng; Phối hợp triển khai có hiệu quả các kế hoạch của ngành ngân hàng về chuyển đổi số, về triển khai Đề án 06, về triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW; Tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hoạt động thanh toán, ngân hàng; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng; Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho công chúng trong sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Thu Trang

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/du-no-tin-dung-toan-nen-kinh-te-vuot-17-trieu-ty-dong-43506.html