Dự thảo dạy thêm có nhiều điểm 'quá thoáng', GV cho rằng cần thận trọng xem xét
Giáo dục là nghề đặc thù, học sinh nên phát huy kỹ năng sống, phẩm chất, kiến thức được học tại lớp và tự học là tốt nhất.
Ngày 22/8/2024, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đăng tải dự thảo Thông tư Quy định về dạy thêm, học thêm trên cổng thông tin điện tử của Bộ để lấy ý kiến góp ý. Thời hạn lấy ý kiến đến ngày 22/10/2024.
Việc dạy thêm học thêm ảnh hưởng không chỉ giáo viên mà hàng triệu học sinh và phụ huynh cả nước nên nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp, nhận được nhiều bình luận trái chiều.
Có quan điểm giáo viên cho rằng dạy thêm nên được xem là một nghề kinh doanh kiến thức để giáo viên được cải thiện thu nhập, “đàng hoàng” dạy thêm thu tiền, ở chiều ngược lại bên phản đối vì giáo dục là nghề đặc thù, học sinh nên phát huy kỹ năng sống, phẩm chất, kiến thức được học tại lớp và tự học là tốt nhất, học sinh không phải là công cụ kiếm tiền của giáo viên.
Là một giáo viên phổ thông, người viết có một số điểm chia sẻ, góp ý với mong muốn dự thảo sẽ hoàn thiện, có tính khả thi khi ban hành.
Các trường hợp không được dạy thêm hiện nay theo Thông tư 17/2012
Căn cứ theo Điều 4 Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định những trường hợp không được dạy thêm bao gồm:
- Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.
- Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
- Cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề không tổ chức dạy thêm, học thêm các nội dung theo chương trình giáo dục phổ thông.
- Đối với giáo viên đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập:
+ Không được tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường;
+ Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của Thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Theo đó, Điều 3 Quy định về dạy thêm, học thêm ban hành kèm theo Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT quy định các nguyên tắc dạy thêm, học thêm như sau:
- Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.
- Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.
- Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.
- Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.
- Tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm phải chịu trách nhiệm về các nội dung đăng ký và xin phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm.
Dự thảo Thông tư dạy thêm học thêm, giáo viên nào sẽ được dạy thêm?
Người viết tán đồng với những quy định tại dự thảo Thông tư dạy thêm học thêm về dạy thêm trong nhà trường, quy định cơ bản chặt chẽ, phù hợp.
Vấn đề dạy thêm trong nhà trường thời gian qua tuy cũng có một số hạn chế, bất cập nay với những điểm mới nêu trong dự thảo đã cơ bản khắc phục những hạn chế trên, sẽ dần ổn định.
Tuy nhiên, bất cập gây nhiều bức xúc thời gian qua phần lớn là dạy thêm ngoài nhà trường, sáng dạy chính khóa, chiều lôi kéo học sinh ra ngoài thu tiền, dạy kiểu o ép, mớm đề,…
Tại dự thảo Thông tư dạy thêm học thêm mới không còn quy định các trường hợp không được dạy thêm như Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT, theo dự thảo hầu hết giáo viên sẽ được dạy thêm miễn sau đúng nguyên tắc dạy thêm học thêm, mà những quy định trong nguyên tắc còn mơ hồ chung chung khó kiểm soát như: Dạy thêm, học thêm chỉ được tổ chức khi học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được cha mẹ hoặc người giám hộ (sau đây gọi chung là cha mẹ học sinh) đồng ý;
Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm;
Thời lượng, thời gian và địa điểm dạy thêm, học thêm phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi, bảo đảm sức khỏe của học sinh, tuân thủ quy định của pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn, vệ sinh môi trường tại khu vực có lớp dạy thêm, học thêm;
Không cắt giảm nội dung chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường để đưa vào dạy thêm, học thêm; không dạy thêm trước các nội dung so với phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của nhà trường; không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh.
Với những nguyên tắc trên và tạiĐiều 5. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường thì người viết liệt kê các trường hợp giáo viên sẽ được dạy thêm ngoài nhà trường ở bậc phổ thông như sau:
Thứ nhất, tất cả giáo viên ở tất cả các bộ môn từ tiểu học đến trung học phổ thông đều được dạy thêm bên ngoài nhà trường miễn là giảng dạy ở nơi có giấy phép kinh doanh dạy thêm mà việc cấp giấy phép này thì vô cùng đơn giản, không có thủ tục phức tạp.
Theo khoản 1 Điều 5. Dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường
"1 Tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (sau đây gọi chung là cơ sở dạy thêm) phải thực hiện các yêu cầu sau:
a) Đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.
b) Công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm."
Trong đó băn khoăn nhất vẫn là cho phép dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh tiểu học dễ dẫn đến quá tải, gây áp lực lớn về thời gian học đã học 2 buổi/ngày, tối, thứ 7, Chủ nhật, dịp nghỉ hè,…phải tất bật học thêm, rất tội cho các em.
Hai là, giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông được dạy học sinh chính khóa
Giáo viên sẽ được dạy thêm học sinh chính khóa chỉ cần báo cáo danh sách với hiệu trưởng. Nếu không có cơ chế, phương thức minh bạch, dễ giám sát thì việc kiểm soát giáo viên o ép học sinh đi học thêm hay phân biệt đối xử giữa học sinh không và có đi học thêm là bất khả thi. Chính vì vậy, vẫn nên quy định cấm dạy thêm với học sinh chính khóa để đảm bảo công bằng.
Thứ ba, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường không quy định về thời gian, thời lượng, mức học phí
Theo dự thảo, giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường không có quy định cụ thể thời gian, thời lượng, định mức tiết dạy,…Về thời gian, thời lượng, tiền học phí học thêm do thỏa thuận, không có quy định cụ thể, không cần biết giáo viên dạy nhiều có ảnh hưởng sức khỏe, tinh thần hay ảnh hưởng quá tải đến học sinh hay không
Thứ tư, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng sẽ được phép dạy thêm ngoài nhà trường.
Đây cũng là điều băn khoăn, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng là viên chức quản lý, thời gian làm việc 40 giờ/tuần, không nghỉ dịp hè,…không biết nếu cho phép thì hiệu trưởng, phó hiệu trưởng dạy thêm vào thời gian nào, bên cạnh đó, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng còn là người quản lý dạy thêm, kiểm duyệt đề kiểm tra,…cho phép dạy thêm sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, rắc rối.
Nhiều năm giảng dạy, quản lý người viết tận mắt chứng kiến hàng loạt bất cập, bất hợp lý của việc dạy thêm hiện nay, là nguyên nhân chính gây bức xúc thời gian qua, làm méo mó hình ảnh thầy trò. Dạy thêm nhiều biến giáo viên thành “thợ dạy” hơn là nhà giáo chân chính, học thêm nhiều khiến học sinh biến thành “máy học”, thụ động, mất đi tuổi thơ, mất đi tư duy,…nên người viết rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét lại một số điểm “thoáng” trong dự thảo và nên siết quy định dạy thêm.