Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi): Bảo đảm thống nhất, khả thi trong hệ thống pháp luật

Tiếp tục phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi).

Bổ sung quy định cho phép lồng ghép cuộc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh với các cuộc diễn tập ứng phó sự cố khác

Một trong những vấn đề đáng chú ý trong dự thảo luật liên quan tới vấn đề ứng phó với sự cố hóa chất.

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị nghiên cứu tích hợp kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất với các kế hoạch phòng ngừa sự cố khác.

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: VĂN QUỐC

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp. Ảnh: VĂN QUỐC

Về nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, trong quá trình xây dựng dự án luật, cơ quan chủ trì soạn thảo đã nghiên cứu để xây dựng phương án lồng ghép, tích hợp kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và các kế hoạch ứng phó sự cố khác (quy định trong Luật Phòng thủ dân sự, Luật Bảo vệ môi trường, Luật An toàn, vệ sinh lao động...). Tuy nhiên, do có sự khác nhau về nội dung, đối tượng thực hiện và thẩm quyền ban hành của các loại kế hoạch, việc thực hiện lồng ghép, tích hợp là khó khả thi. Vì vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị giữ Điều 36 như dự thảo luật.

Theo đó, Điều 36 dự thảo luật quy định kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất được thẩm định đồng thời với quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc tài liệu tương đương với báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án; trong quá trình kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất đã được phê duyệt…

 Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: VĂN QUỐC

Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu. Ảnh: VĂN QUỐC

Có ý kiến đề nghị cân nhắc việc giao thẩm quyền thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất cho địa phương; đề nghị giao cho UBND cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế địa phương để xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất, cân nhắc thời gian diễn tập cho phù hợp.

Nêu quan điểm, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng: Việc phân cấp thẩm định, phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh là phù hợp với chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước. Khi xây dựng Kế hoạch này, UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tiễn, nguồn lực của địa phương để xác định quy mô, tần suất thời gian… của các cuộc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh cho phù hợp. Dự thảo Luật đã giao Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này (khoản 3 Điều 41). Vì vậy, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị cho giữ như dự thảo Luật.

Bên cạnh đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo luật đã được chỉnh lý ở Khoản 2 Điều 41 theo hướng bổ sung quy định cho phép có thể lồng ghép cuộc diễn tập ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh với các cuộc diễn tập ứng phó sự cố khác trên địa bàn.

Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn góp ý tại phiên họp. Ảnh: VĂN QUỐC

Phó tổng Thư ký, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Đậu Anh Tuấn góp ý tại phiên họp. Ảnh: VĂN QUỐC

Tránh trùng lặp với Luật Phòng thủ dân sự

Góp ý vấn đề này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương yêu cầu rà soát lại các quy định về phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất; nhất là các quy định về an toàn hóa chất, bảo vệ môi trường để tránh trùng lặp với các luật liên quan, trong đó có Luật Phòng thủ dân sự. “Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó phòng ngừa sự cố hóa chất gần hơn với hoạt động của Luật Phòng thủ dân sự. Do đó cần rà soát lại, dự thảo luật chỉ quy định những vấn đề khác biệt, đặc thù của lĩnh vực hóa chất”.

Kết luận vấn đề này, Phó chủ tịch Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội và Bộ Công Thương cùng các cơ quan liên quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với định hướng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự thảo Luật như tên gọi của luật; quy định về chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất và trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất; ưu đãi cho các lĩnh vực công nghiệp hóa trọng điểm; sử dụng hóa chất, đăng ký và quản lý hóa chất mới, hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa; xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất; kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất cấp tỉnh; điều khoản chuyển tiếp...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát đảm bảo ý kiến của đại biểu Quốc hội, Thường vụ Quốc hội, bảo đảm chất lượng dự án luật trình Quốc hội. Đồng thời, tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất, tính khả thi trong hệ thống pháp luật, lưu ý quan hệ giữa các luật, nhất là Luật Đầu tư, Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng thủ dân sự...

VŨ DUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/du-thao-luat-hoa-chat-sua-doi-bao-dam-thong-nhat-kha-thi-trong-he-thong-phap-luat-814693