Quy định rõ trách nhiệm của cán bộ nếu cố ý không hoặc báo cáo sai về sự cố phóng xạ hạt nhân

Phát biểu thảo luận, góp ý, đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) đang thiếu nội dung liên quan đến trách nhiệm pháp lý đối với cán bộ quản lý cố ý không báo cáo hoặc báo cáo sai sự thật về sự cố phóng xạ hạt nhân...

 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 15/5. Ảnh: VPQH cung cấp.

Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 15/5. Ảnh: VPQH cung cấp.

Tiếp tục chương trình của Kỳ họp thứ 9, sáng 15/5, Quốc hội khóa XV thảo luận ở Hội trường Diên Hồng về dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Cần bổ sung quy định về hoạt động mua bán chất phóng xạ

Phát biểu thảo luận, góp ý, đại biểu Nguyễn Tri Thức (Đoàn ĐBQH Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị, bổ sung chính sách và chế độ ưu đãi đối với người làm việc trong môi trường phóng xạ. Theo đại biểu, nguyên tắc an toàn, an ninh trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết, vì các nguyên tắc này thay đổi liên tục theo sự phát triển của khoa học.

“Nếu quy định cứng trong luật sẽ không theo sự phát triển của khoa học”, đại biểu Nguyễn Tri Thức nhấn mạnh.

 Đại biểu Nguyễn Tri Thức phát biểu thảo luận, góp ý. Ảnh: VPQH cung cấp.

Đại biểu Nguyễn Tri Thức phát biểu thảo luận, góp ý. Ảnh: VPQH cung cấp.

Bên cạnh đó, theo đại biểu, cần bổ sung quy định về hoạt động mua bán chất phóng xạ, vì hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh có cơ sở sản xuất chất phóng xạ phục vụ cho nhiều máy Citi ở nhiều cơ sở khác nhau, và hiện vẫn mua bán, vận chuyển những hóa chất đó.

Về chính sách cơ sở chiếu xạ, theo đại biểu Nguyễn Tri Thức, cần bổ sung cơ cở chiếu xạ túi máu và chế phẩm máu. Đây là điều quan trọng vì tất cả các bệnh viện hiện giờ, nếu lấy túi máu về phải chiếu xạ túi máu dùng tia Alpha, bây giờ thế giới đã chuyển sang tia X.

“Chiếu xạ túi máu để sử dụng cho ghép tạng hoặc ghép tủy. Nếu không có quy định về cơ sở chiếu xạ túi máu và chế phẩm máu thì tất cả các chiếu xạ này đều phải dừng, và các hoạt động ghép tạng cũng dừng luôn. Do đó, cần cân nhắc vấn đề trên. Đồng thời quy định về thuốc phóng xạ vì thuốc phóng xạ dùng để chuẩn đoán ung thư, và điều trị cho ung thư tuyến giáp và Basedow. Nếu không quy định về thuốc phóng xạ thì toàn bộ hoạt động này cũng sẽ bị dừng”, đại biểu Nguyễn Tri Thức kiến nghị.

Cần quy định rõ về trách nhiệm pháp lý của cán bộ liên quan sự cố phóng xạ hạt nhân

Phát biểu thảo luận, góp ý, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh) cho hay, cần xác định thứ tự ưu tiên theo lộ trình ứng dụng. Theo đó, nhà nước cần ưu tiên phát triển theo lộ trình từ thấp đến cao, từ mức độ phức tạp công nghệ, và mức độ rủi ro gồm lĩnh vực y tế, ứng dụng năng lượng nguyên tử trong chuẩn đoán hình ảnh, xạ trị ung thư, kiểm tra chất lượng thuốc phóng xạ là những lĩnh vực tác động trực tiếp tới sức khỏe người dân đang có nhu cầu lớn và dễ tiếp cận khoa học công nghệ…

 Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận, góp ý. Ảnh: VPQH cung cấp.

Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu thảo luận, góp ý. Ảnh: VPQH cung cấp.

Theo đại biểu, lĩnh vực điện hạt nhân là mục tiêu dài hạn có tính chất chiến lược về năng lượng nhưng cần triển khai từng bước, đảm bảo đủ điều kiện về công nghệ, nhân lực, và hệ thống pháp lý.

Đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, dự thảo Luật đang thiếu nội dung liên quan đến trách nhiệm pháp lý đối với cán bộ quản lý cố ý không báo cáo hoặc báo cáo sai sự thật về sự cố phóng xạ hạt nhân.

Theo đại biểu, đây là lỗ hổng đáng lưu ý, vì báo cáo kịp thời sẽ có những giải pháp để ứng phó. Do đó, cần bổ sung, nghiêm cấm người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nhiệm báo cáo nhưng cố ý không thực hiện báo cáo liên quan đến sự cố phóng xạ hạt nhân.

“Kinh nghiệm quốc tế các vụ tai nạn nghiêm trọng như: Chernobyl, Fukushima cho thấy hệ quả nặng nề khi thông tin về sự cố bị che giấu, chậm công bố hoặc sai lệch” - đại biểu Thạch Phước Bình dẫn chứng và cho hay, chế tài đối với hành vi che giấu sự thật và báo cáo sai sự cố không chỉ là nhu cầu trong quản lý mà còn là nhu cầu đạo đức, trách nhiệm công vụ, góp phần mang tính răn đe và nâng cao minh bạch.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, quy định về đảm bảo an toàn, an ninh cho cơ sở hạt nhân phải chặt chẽ, từ thiết kế, xây dựng, phải có thẩm định kỹ lưỡng.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu thảo luận, góp ý. Ảnh: VPQH cung cấp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa phát biểu thảo luận, góp ý. Ảnh: VPQH cung cấp.

Theo đại biểu, nếu Việt Nam chưa đủ khả năng làm thì phải có sự hợp tác của nước ngoài để thiết kế, xây dựng các công trình hạt nhân bảo đảm an toàn, hiệu quả...

Bên cạnh đó, quan tâm thêm về vấn đề xã hội hóa trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, đây là vấn đề rất quan trọng, bởi sẽ có việc thành lập các cơ sở hoạt động, chế biến chất phóng xạ, xây lò phản ứng hạt nhân…

Đại biểu Phạm Văn Hòa nêu vấn đề, tư nhân có được phép xây dựng lò phản ứng hạt nhân, cơ sở năng lượng nguyên tử hay không? Từ đó theo đại biểu, cần làm rõ lĩnh vực nào, cái nào là Nhà nước làm, cái nào tư nhân được phép làm? “Không phải lĩnh vực nào cũng xã hội hóa hết được” - đại biểu Phạm Văn Hòa bày tỏ.

Diên Hồng

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/kiem-sat-24h/van-de-su-kien/quy-dinh-ro-trach-nhiem-cua-can-bo-neu-co-y-khong-hoac-bao-cao-sai-ve-su-co-phong-xa-hat-nhan-177738.html