Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị: Phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương

Ngày 24/02, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các Bộ về dự án Luật Quản lý phát triển đô thị (PTĐT) và Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030. Trước đó, Bộ Xây dựng đã trình Chính phủ dự thảo Luật Quản lý PTĐT với quan điểm phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương, nhằm thúc đẩy sáng tạo không gian phát triển, nâng cao hiệu quả tăng trưởng kinh tế của các đô thị, các địa phương và cả nước.

Việc phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương sẽ phát huy nguồn lực phát triển và thúc đẩy sáng tạo không gian phát triển. (Ảnh minh họa)

Việc phân cấp, phân quyền mạnh cho địa phương sẽ phát huy nguồn lực phát triển và thúc đẩy sáng tạo không gian phát triển. (Ảnh minh họa)

Địa phương quyết định “nhạc trưởng” triển khai quy hoạch đô thị

Thực hiện chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, thời gian vừa qua, Bộ Xây dựng đã tập trung, chú trọng tăng cường hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ. Trong đó, dự thảo Luật Quản lý PTĐT được xác định là một cơ sở pháp lý quan trọng thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền trong lĩnh vực PTĐT.

Hệ thống đô thị quốc gia với hơn 900 đô thị có bối cảnh phát triển rất phong phú, đa dạng theo 06 vùng kinh tế - xã hội, từ trung du, miền núi đến đồng bằng, từ cao nguyên đến hải đảo, vùng sông nước miền Tây…

Các đô thị cũng đã trải qua quá trình đầu tư và phát triển gắn với đặc điểm tự nhiên và các yếu tố lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội. Các đặc điểm, đặc thù đó tạo nên nguồn lực riêng có cho mỗi địa phương. Bởi vậy, việc phân cấp, phân quyền cho địa phương trong phát triển đô thị sẽ phát huy nguồn lực và sáng tạo không gian phát triển.

Mỗi địa phương sẽ căn cứ điều kiện thực tiễn, nhu cầu của mình để chủ động lập kế hoạch, chương trình và có các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý PTĐT, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững hệ thống đô thị Việt Nam. Mỗi đô thị đều có quy hoạch đô thị để định hướng phát triển cho giai đoạn 20 - 25 năm, có thể tầm nhìn dài hạn đến 50 năm.

Cục trưởng Cục PTĐT Trần Quốc Thái cho biết, để bảo đảm sự tuân thủ, đồng bộ với tầm nhìn dài hạn của quy hoạch trong quá trình triển khai quy hoạch và quan trọng hơn là tích hợp được đầu tư công với việc thu hút được nguồn lực phát triển từ xã hội, cộng đồng để phát huy hiệu quả tổng hợp của nguồn lực, dự thảo Luật Quản lý PTĐT đề xuất: Các địa phương ban hành chương trình PTĐT triển khai quy hoạch đô thị được duyệt; Xác định nhiệm vụ ưu tiên gắn với thời hạn hoàn thành hạ tầng khung của đô thị theo từng giai đoạn với từng khu vực PTĐT. Nội dung chương trình lồng ghép kế hoạch phát triển đồng bộ hạ tầng đô thị, không gian ngầm đô thị và phương án cải tạo đô thị…

Có thể nói, đây là công cụ có vai trò điều tiết đồng bộ, thống nhất việc triển khai quy hoạch được duyệt, đồng thời công khai minh bạch thông tin về dự kiến thực hiện các trách nhiệm của Nhà nước. Theo đó, đầu tư của xã hội và thị trường sẽ phát triển một cách chủ động, minh bạch hơn, hạn chế tình trạng dư thừa do đầu tư đúng với quy hoạch nhưng không sát với nhu cầu, hoặc ngược lại là tình trạng hạ tầng khung không đáp ứng nhu cầu phát triển của thực tế.

Tại các hội thảo lấy ý kiến cho dự thảo luật, đại diện các địa phương đánh giá cao chủ trương phân cấp này. Từ thực tế nhiều năm quản lý PTĐT lớn, TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng Thành phố Hồ Chí Minh đồng tình với quan điểm của cơ quan soạn thảo Luật và nhấn mạnh sự cần thiết tổ chức PTĐT theo chương trình PTĐT để hạn chế sự manh mún, không đồng bộ.

Một đại diện của Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị, đối với chương trình PTĐT của đô thị, đặc biệt là đô thị có quy mô lớn, nên tập trung nội dung hoàn thành hạ tầng khung và các tiêu chí, tiêu chuẩn phân loại đô thị. Đối với các chương trình, kế hoạch cải tạo đô thị, phát triển không gian ngầm có thể phê duyệt riêng.

Dự thảo Luật Quản lý PTĐT giao địa phương quyết định toàn bộ quá trình lập, thẩm định, phê duyệt Chương trình phát triển đô thị, xác định thứ tự ưu tiên, nguồn lực thực hiện phát triển đồng bộ hạ tầng khung đô thị, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các khu vực phát triển đô thị, khu vực cải tạo đô thị.

Địa phương chủ động quyết định các nhiệm vụ, giải pháp sát với tiềm năng, nhu cầu theo nguồn lực của từng giai đoạn phát triển; đảm bảo sự kết nối liên tục giữa các giai đoạn trong việc thực hiện quy hoạch đô thị cũng như sự chủ động điều chỉnh khi có sự điều chỉnh của quy hoạch đô thị.

Quản lý dựa trên kết quả

Để các địa phương chủ động trong việc tổ chức PTĐT, dự thảo Luật Quản lý PTĐT tập trung quy định về những kết quả và những nguyên tắc, yêu cầu cần đáp ứng của quá trình phát triển thay vì chú trọng các trình tự phải tuân thủ.

Địa phương tự quyết định việc lồng ghép nội dung chương trình PTĐT trong kế hoạch thực hiện quy hoạch chung đô thị hoặc phê duyệt riêng. (Ảnh minh họa)

Địa phương tự quyết định việc lồng ghép nội dung chương trình PTĐT trong kế hoạch thực hiện quy hoạch chung đô thị hoặc phê duyệt riêng. (Ảnh minh họa)

Dự thảo Luật đã quy định về các chỉ tiêu phát triển hệ thống đô thị, các tiêu chí phân loại đô thị; Tiêu chuẩn đánh giá trình độ phát triển hạ tầng và không gian đô thị khu vực dự kiến thành lập quận, phường; Các yêu cầu PTĐT bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, giảm phát thải, ứng dụng đô thị thông minh.

Chương trình PTĐT sẽ là công cụ giúp các địa phương xây dựng và lựa chọn giải pháp tối ưu, nhằm đạt được các kết quả phát triển mong muốn trong từng giai đoạn. Đó là những cơ sở pháp lý để các địa phương chủ động áp dụng các giải pháp cụ thể rất đa dạng trong thực tiễn nếu đáp ứng các nguyên tắc, yêu cầu mà luật đã nêu, qua đó sáng tạo không gian chủ động cho các địa phương.

Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính

Cũng theo Bộ Xây dựng, dự thảo Luật Quản lý PTĐT được xây dựng theo hướng cắt giảm tối đa thủ tục hành chính giữa Trung ương, địa phương với doanh nghiệp, người dân và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn của các cơ quan quản lý Nhà nước về phát triển đô thị.

Dự thảo Luật quy định duy nhất 01 thủ tục bàn giao quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật đã được thực hiện ổn định, hiệu quả trong thời gian qua, được kế thừa từ quy định tại Luật Xây dựng.

Đồng thời, dự thảo Luật quy định cắt, giảm thủ tục hành chính trong việc lập, thẩm định, phê duyệt công cụ quản lý thông qua quy định lồng ghép các nội dung phát triển đồng bộ hạ tầng, phương án tổng thể cải tạo đô thị… trong nội dung chương trình PTĐT.

Đối với hơn 700 đô thị loại V có quy mô nhỏ, dự thảo Luật giao UBND cấp tỉnh tự quyết định việc lồng ghép nội dung chương trình PTĐT trong kế hoạch thực hiện quy hoạch chung đô thị hoặc phê duyệt riêng.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đơn giản hóa, giảm thủ tục hành chính đối với các đô thị đặc biệt, không yêu cầu rà soát tiêu chuẩn phân loại toàn đô thị khi thành lập mới quận để phù hợp thực tiễn.

Song song với các quy định giao trách nhiệm cho chính quyền địa phương, dự thảo Luật Quản lý PTĐT cũng nhấn mạnh việc xây dựng cơ sở dữ liệu để thực hiện mục tiêu hiện đại hóa, áp dụng chuyển đổi số trong quản lý; Quy định trách nhiệm trong công tác bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu theo lĩnh vực để nâng cao năng lực cán bộ quản lý và chuyên môn PTĐT.

Có thể nói, quan điểm phân cấp, phân quyền, địa phương quyết định, địa phương làm, Trung ương hướng dẫn, hỗ trợ, cộng đồng tham gia, giám sát đã được dự thảo Luật Quản lý PTĐT cụ thể hóa xuyên suốt từ phát triển hệ thống đô thị đến phát triển từng đô thị, phát triển hạ tầng đô thị và không gian mở đô thị, phát triển mới cũng như cải tạo đô thị.

Viễn Phong

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/du-thao-luat-quan-ly-phat-trien-do-thi-phan-cap-phan-quyen-manh-cho-dia-phuong-395293.html