Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi): Các vấn đề pháp lý về thu hút, trọng dụng nhân tài

Để đạt được mục tiêu tới năm 2030, Thủ đô Hà Nội là TP Văn hiến - Văn minh - Hiện đại, nhóm PGS.TS và ThS của trường ĐH Hòa Bình cho rằng, vấn đề pháp lý về thu hút sử dụng nhân tài là khâu then chốt, đột phá bảo đảm cho sự thành công. Tuy nhiên, các quy định của pháp luật hiện nay về vấn đề nêu trên còn thiếu, chưa thể áp dụng sâu rộng, chưa đem lại hiệu quả cao, cần có sự nghiên cứu, sửa đổi bổ sung cho phù hợp với nhiệm vụ, mục tiêu lớn.

- Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Bảo An

- Hội thảo khoa học góp ý Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Bảo An

Góp ý cho Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS.TS. Nguyễn Như Phát,ThS. Nguyễn Thị Thủy Tiên, ThS. Nguyễn Tiến Hùng, trường ĐH Hòa Bình đã nghiên cứu và đưa ra một số kiến nghị:

Trong đó, về ban hành quy định pháp luật về nhân tài và tiêu chí xác định nhân tài: Tiêu chí về năng lực trình độ, năng lực thực tế. Tùy theo yêu cầu công việc cụ thể, Hà Nội xây dựng Bản mô tả công việc chi tiết, đặc thù với các kiến thức chuyên môn, kỹ năng, phẩm chất, nhất là năng lực đặc biệt, vượt trội; phẩm chất, ý chí thể hiện qua sức sáng tạo, niềm tin, khát vọng được cống hiến, đóng góp cho xã hội. Thậm chí nhân tài phải có đề án khả thi, kế hoạch phát triển bản thân để giải quyết công việc. Sử dụng bộ công cụ đo lường theo các chỉ số IQ, EQ, SQ, CQ, PC, MQ và các chỉ số khác trong xác định nhân tài.

Về quy định về tuyển dụng: Căn cứ vào thực tế và định biên, mỗi cơ quan xác định được vị trí thiếu hụt nhân sự, vị trí và năng lực nào là cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ… để từ đó tuyển dụng, bổ sung nguồn nhân tài cho sự thiếu hụt…

Về quy định về trọng dụng nhân tài: Trong chiến lược phát triển Thủ đô không thể thiếu chiến lược thu hút sử dụng nhân tài, như một khâu đột phá bảo đảm cho sự thành công. Đối với một tài năng, việc tuyển dụng đã khó, nhưng để giữ chân tài năng đó ở lại làm việc lâu dài là vấn đề lớn, nhất là trong bối cảnh chính sách về tiền lương hạn chế so với khu vực tư nhân.

Quy định về đánh giá quá trình làm việc của nhân tài: Thủ đô xây dựng bộ công cụ đánh giá trên cơ sở phân tích, đánh giá chính xác khoảng cách năng lực, kỹ năng mỗi cá nhân và giữa các nhân, cho họ hiểu biết sâu sắc về khả năng của mỗi người, đây là cơ sở phát triển một lực lượng lao động tốt nhất. Mỗi người lao động phải đáp ứng các tiêu chuẩn hiệu suất đề ra. Trong đó, kết quả lao động là chỉ số ưu tiên...

Các quy định về đãi ngộ: Lợi ích luôn là sức hút mạnh mẽ đối với người lao động. Hiện nay, khu vực tư nhân đang trả lương, thưởng, trợ cấp, các chế độ an sinh rất cao. Hiện nay, một số địa phương khác cũng có mức đãi ngộ đặc biệt cao. Bối cảnh đó, Thủ đô cần có chiến lược, quỹ tài chính và biện pháp bảo đảm lợi ích dành cho nhân viên cao hơn so với khu vực tư nhân, địa phương khác.

Nhân viên TP Hà Nội được hưởng nhiều quyền lợi hơn, như tăng thêm ngày nghỉ, bảo hiểm y tế và các chương trình hưu trí, hấp dẫn hơn. Chi phí lợi ích cho những người có tài năng, tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư có nhà, đáp ứng mức sống khá cho cả gia đình họ.

Đối với những thủ khoa xuất sắc đã vay tiền trả học phí, có đủ thời gian cống hiến cho Thủ đô, thì chủ động xóa nợ; Để thu hút được các chuyên gia hàng đầu thế giới, Hà Nội cần đưa ra chính sách trọng dụng nhân tài bằng lợi ích đặc biệt hấp dẫn…

Quy định của pháp luật để tạo môi trường làm việc: Đối với nhân tài, phẩm giá và sự công bằng minh bạch luôn được xem trọng. Vì vậy, Hà Nội cần bảo đảm môi trường làm việc minh bạch, rõ ràng, cạnh tranh, hiệu quả làm việc cao. Mặt khác phải xây dựng mối liên hệ đoàn kết, thân ái, vui vẻ phấn khởi trong công sở, để mỗi người đều cảm thấy mình có liên hệ rất mật thiết, có vai trò không thể thiếu trong tập thể…

Trang bị cơ sở vật chất và trao quyền cho nhân tài: Chúng ta biết rằng khả năng lớn nhất của một nhân viên giỏi đó là sự sáng tạo. Tình trạng “không có đất dụng võ”, không có đủ cơ sở vật chất trang thiết bị và không trao cho đủ thẩm quyền thì nhân tài không thể thể hiện hết kỹ năng, khả năng sẽ sớm giết chết những điểm mạnh của họ và sẽ khiến nhân tài rời bỏ nơi làm việc.

Do đó, người quản lý nên giao cho những nhân viên giỏi các công việc mang tính mới mẻ̉, gia tăng tính thử thách trong công việc, giúp nhân viên vượt qua bản thân họ, tự tin hơn, yêu công việc hơn.

Nhóm nghiên cứu cho rằng, cần sửa đổi Khoản 2 Điều 13 Luật Thủ đô số 25/2012/QH13 thành một điều luật riêng, thể hiện sự quan tâm xứng đáng...

Theo nhóm nghiên cứu, khi các quy định pháp luật được chi tiết hóa, bao quát, đồng bộ thì các cơ quan chức năng mới thực hiện được các mục tiêu đề ra. Mặc dù hiện nay, các quy định đã và đang tạo cho Thủ đô Hà Nội sức hút mạnh mẽ, bởi là trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ của cả nước. Tuy nhiên, muốn có sức mạnh đột phá, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, thì việc bổ sung những quy định nêu trên và sớm thực hiện là cần thiết.

Bạch Dương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/du-thao-luat-thu-do-sua-doi-cac-van-de-phap-ly-ve-thu-hut-trong-dung-nhan-tai-348176.html