Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đi vào nội hàm cụ thể liên quan đến phân cấp, phân quyền

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, so với luật hiện hành phần lớn mang tính chất khung, dự thảo Luật Thu đô (sửa đổi) bắt đầu đi vào những nội hàm, những quy phạm rất cụ thể liên quan đến phân cấp, phân quyền.

Xây dựng luật để thuận lợi hơn cho Thủ đô

Ngày 14/3, tại Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 7 chương và 55 điều (giảm 4 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó, đã tiếp thu, chỉnh lý trong toàn bộ 55 điều, bỏ 6 điều, bổ sung mới 2 điều).

Các nội dung thống nhất tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật gồm: Về nguyên tắc áp dụng pháp luật; về tổ chức chính quyền đô thị; về các nội dung phân quyền cho thành phố Hà Nội trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; về các biện pháp, giải pháp thu hút, huy động nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô; về liên kết, phát triển vùng; về điều khoản thi hành.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, cơ bản dự thảo Luật đã bám sát được đầy đủ cơ sở chính trị, căn cứ pháp và cơ sở thực tiễn trong xây dựng, bảo vệ, quản lý và phát triển Thủ đô, cũng đã thể chế hóa được các quan điểm, chủ trương lớn của Đảng, ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng vấn đề cốt yếu hiện nay của Thủ đô là vấn đề ô nhiễm môi trường. Ảnh: Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng vấn đề cốt yếu hiện nay của Thủ đô là vấn đề ô nhiễm môi trường. Ảnh: Quốc hội

“Những nội dung trước đây còn có ý kiến khác nhau, thì đến nay cơ bản giữa cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và thành phố Hà Nội cũng như các cơ quan, tổ chức hữu quan đã đạt được sự thống nhất và thông suốt cả về quan điểm, tư duy, tầm nhìn, mục tiêu, yêu cầu xây dựng Luật Thủ đô. Xây dựng Luật là để thuận lợi hơn cho Thủ đô chứ không phải để ràng buộc phát triển Thủ đô.

So với luật hiện hành phần lớn mang tính chất khung, Luật này bắt đầu đi vào những nội hàm, những quy phạm rất cụ thể liên quan đến phân cấp, phân quyền. Cơ bản chúng tôi tán thành”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Đáng quan tâm, với nội dung phân quyền cho Thành phố trong xây dựng, quản lý, phát triển, bảo vệ Thủ đô, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị “rà lại xem cần những gì để quy định trong Luật”. Ví dụ vấn đề cốt yếu hiện nay của Thủ đô là vấn đề ô nhiễm môi trường.

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Phát biểu tại phiên họp, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cảm ơn Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian vừa qua đã phối hợp cùng với Hà Nội, với Bộ Tư pháp trong hoàn thiện dự thảo Luật.

Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, về nội dung phân cấp, phân quyền cho Thành phố, ý kiến đồng chí Chủ tịch Quốc hội rất đúng, cần rà soát kỹ cho đồng bộ, đầy đủ. “Tôi nghĩ những vấn đề về định mức, về đơn giá, về quy chuẩn, tiêu chuẩn, trên tất cả các lĩnh vực, thậm chí là phí nữa, trong đó có vấn đề môi trường như đồng chí Chủ tịch Quốc hội nói, giao thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân Thành phố. Cần nghiên cứu làm sao để thể chế hóa đồng bộ về phân cấp, phân quyền”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nói.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quốc hội

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, về phân cấp, phân quyền cho thành phố Hà Nội trong quản lý, phát triển và bảo vệ Thủ đô, các ý kiến cơ bản nhất trí với nhiều nội dung, nhưng đề nghị rà soát thêm để có những quy định, chính sách cụ thể nhằm khắc phục được những hạn chế hiện nay. Ví dụ phải giao cho Hà Nội có những quyền cụ thể, trách nhiệm cụ thể trong xác định các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đơn giá đối với một số trường hợp cụ thể...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng cho biết, ngay sau phiên họp này, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ chủ trì phối hợp với các cơ quan tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ dự thảo Luật để báo cáo xin ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/du-thao-luat-thu-do-sua-doi-da-di-vao-noi-ham-cu-the-lien-quan-den-phan-cap-phan-quyen-167572.html