Dự thảo Nghị định mới về kinh doanh đa cấp: Nhiều điểm mới đáng chú ý

Dự thảo nghị định thay thế các nghị định của chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với nhiều điểm mới đáng chú ý, từ việc siết chặt quản lý 'nhà phân phối cấp cao' đến cắt giảm điều kiện kinh doanh, được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý minh bạch và bền vững cho lĩnh vực này.

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Công Thương đã tổ chức lấy ý kiến đối với hồ sơ dự thảo nghị định thay thế các nghị định của chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tổng cộng có 11 Bộ, cơ quan ngang Bộ đã được gửi xin ý kiến, bao gồm Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bộ Ngoại giao, cùng với các cơ quan, tổ chức gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 63 Sở Công Thương trên cả nước, 03 đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương (Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam.

Trong đó, 08/11 Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 54/63 Sở Công Thương, cả 03 đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương và Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam đã gửi phản hồi và góp ý chi tiết.

 Đã có 08/11 Bộ, cơ quan ngang Bộ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 54/63 Sở Công Thương; 3/3 đơn vị thuộc Bộ Công Thương; Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam tham gia góp ý đối với dự thảo nghị định thay thế các nghị định của chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Đã có 08/11 Bộ, cơ quan ngang Bộ; Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; 54/63 Sở Công Thương; 3/3 đơn vị thuộc Bộ Công Thương; Hiệp hội Bán hàng Đa cấp Việt Nam tham gia góp ý đối với dự thảo nghị định thay thế các nghị định của chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Dự thảo nghị định có nhiều điểm mới so với Nghị định số 40/2018/NĐ-CP hiện hành. Một trong những điểm mới nổi bật là việc bổ sung khái niệm "Nhà phân phối cấp cao". Khái niệm này được định nghĩa là những người tham gia bán hàng đa cấp ở 03 cấp bậc cao nhất trong mạng lưới người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp tại Việt Nam ở một thời điểm nhất định.

Việc khoanh vùng đối tượng này có ý nghĩa quan trọng trong việc tăng cường cơ chế quản lý, giám sát đối với những cá nhân có vai trò và vị trí then chốt trong hệ thống. Qua đó, kỳ vọng sẽ nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của toàn bộ hệ thống người tham gia bán hàng đa cấp, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.

Đáng chú ý, dự thảo nghị định đã có sự điều chỉnh quan trọng về các hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp. Tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp, dự thảo không còn quy định trực tiếp về các hành vi bị nghiêm cấm tại nghị định. Thay vào đó, các hành vi vi phạm sẽ được điều chỉnh và xử lý theo các quy định của pháp luật chuyên ngành, tạo sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Theo chủ trương cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh nhằm tạo môi trường thông thoáng hơn cho doanh nghiệp, dự thảo nghị định đã bỏ quy định về vốn điều lệ đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp. Điều này được kỳ vọng sẽ giảm bớt gánh nặng tài chính ban đầu cho các doanh nghiệp, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân có tâm huyết và tiềm năng vào lĩnh vực này.

Tương tự, quy định về việc chứng minh doanh nghiệp có hệ thống thông tin liên lạc để tiếp nhận, giải quyết thắc mắc, khiếu nại của người tham gia bán hàng đa cấp cũng đã được bãi bỏ.

Dự thảo nghị định có nhiều điểm mới so với Nghị định số 40/2018/NĐ-CP hiện hành

Dự thảo nghị định có nhiều điểm mới so với Nghị định số 40/2018/NĐ-CP hiện hành

Để tăng cường công tác quản lý và ngăn ngừa các cá nhân có tiền sử vi phạm tiếp tục tham gia vào hoạt động kinh doanh đa cấp, dự thảo nghị định đã bổ sung nhóm đối tượng "người quản lý doanh nghiệp". Điều này bao quát toàn bộ các chủ thể có vai trò quan trọng trong doanh nghiệp bán hàng đa cấp đã từng bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Mục tiêu là để ngăn chặn những chủ thể này tiếp tục tham gia quản lý các doanh nghiệp bán hàng đa cấp khác, góp phần lành mạnh hóa thị trường.

Ngoài ra, dự thảo cũng đã bổ sung khái niệm "chủ sở hữu" nhằm làm rõ chủ thể là chủ sở hữu doanh nghiệp bán hàng đa cấp trong Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp. Đồng thời, việc bổ sung "điều lệ doanh nghiệp" giúp làm rõ mô hình tổ chức, hoạt động và các chức danh quản lý của doanh nghiệp, từ đó hỗ trợ công tác rà soát các chức danh một cách hiệu quả hơn.

Việc ban hành nghị định thay thế các quy định hiện hành về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện thể chế, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho ngành bán hàng đa cấp tại Việt Nam. Với những điểm mới và sự thay đổi tích cực, dự thảo nghị định được kỳ vọng sẽ góp phần chấn chỉnh hoạt động, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người tham gia và người tiêu dùng, hướng tới một thị trường bán hàng đa cấp phát triển bền vững và minh bạch hơn trong thời gian tới.

Bản tổng hợp ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý đối với hồ sơ dự thảo nghị định thay thế các nghị định của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp bao gồm:

- Bản tổng hợp ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý xem tại đây.
- Dự thảo Nghị định tại đây.
- Bản so sánh, thuyết minh nội dung dự thảo Nghị định mới với quy định pháp luật hiện hành tại đây.

Ngọc Châm

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/du-thao-nghi-dinh-moi-ve-kinh-doanh-da-cap--nhieu-diem-moi-dang-chu-y-157264.htm